(HBĐT) - Với mong muốn các cháu học sinh được chăm sóc tốt hơn, có nơi ăn, chốn nghỉ đàng hoàng hơn, chị Lê Thị Luyến ở khu Đoàn Kết - thị trấn Thanh Hà (Lạc Thuỷ) đã tự nguyện bỏ ra hơn 100 triệu đồng để xây tặng trường tiểu học thị trấn nhà ăn bán trú khang trang...


Chị Lê Thị Luyến (đứng) cùng các thầy, cô giáo trường tiểu học thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy) chia cơm cho học sinh bán trú của nhà trường.

 

Trao đi tấm lòng...

Khi nói về hành động, nghĩa cử cao đẹp này chị Luyến cũng chỉ cười và chia sẻ: Điều này chẳng có gì to tát lắm đâu. Với gia đình tôi hay bất cứ ai số tiền bỏ ra xây dựng nhà ăn bán trú tặng cho các cháu học sinh trường tiểu học thị trấn Thanh Hà cũng là món tiền lớn. Tuy vậy sẽ có ý nghĩa hơn khi mình dùng vào những việc làm có ý nghĩa, việc làm có ích cho cộng đồng, xã hội.

Suy nghĩ đó cũng là suy nghĩ chung của những người trong gia đình chị Luyến. Bởi lẽ ngay khi đưa ra ý tưởng về tặng trường tiểu học thị trấn Thanh Hà nhà ăn bán trú cùng với cải tạo sân chơi cho học sinh trong khuôn viên nhà trường, cả gia đình chị Luyến đều đồng tình ủng hộ. Dẫu cho chồng và các con chị đều hiểu rằng để xây dựng công trình nhà ăn bán trú cho học sinh với diện tích trên 70 m2 đảm bảo có thể phục vụ cho từ 150 - 120 học sinh bán trú của nhà trường, số tiền bỏ ra có thể lên tới hàng chục, thậm chí là cả trăm triệu đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Luyến chia sẻ: Thú thực, gia đình tôi cũng không giàu có gì. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều thứ phải lo. Tuy nhiên, nhìn rộng ra xung quanh mình thấy vẫn có nhiều người khó khăn hơn mình. Không chỉ bản thân tôi mà những người trong gia đình tôi cũng nhìn thấy rõ điều này. Thế nên khi đưa vấn đề xây tặng trường tiểu học thị trấn 1 nhà ăn bán trú với số tiền khoảng 100 triệu đồng. Đây là số tiền hoàn toàn của gia đình tích cóp trong nhiều năm qua thì chồng, con và những người trong gia đình tôi đều nhất trí ủng hộ. Đó là nguồn động lực rất to lớn để tôi hoàn thành tâm nguyện của mình.

Thầy giáo Bùi Hồng Huynh, Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn Thanh Hà cho biết: Trường tiểu học thị trấn Thanh Hà là ngôi trường có bề dày thành tích trong dạy và học của huyện Lạc Thủy. Ngay từ năm 1999, nhà trường đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia. Do đã được đầu tư xây dựng từ lâu nên hiện nay, cơ sở vật chất của nhà trường xuống cấp nhiều. Đặc biệt, khi xây dựng nhà trường chưa tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Vì thế nên, nhà trường không có hạng mục nhà ăn riêng biệt. Thời gian qua do điều kiện còn nhiều khó khăn nên nhà trường chưa thể huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ăn cho các em học sinh. Việc tổ chức ăn, ngủ trưa cho các cháu được tổ chức ngay tại lớp học. Vừa qua, nhà trường đã được gia đình chị Lê Thị Luyến xây tặng nhà ăn bán trú trị giá hơn 100 triệu đồng. Có thể nói, đây là công trình hết sức có ý nghĩa đối với thầy và trò nhà trường.

... nhận lại niềm vui

Có thể nói, việc tự bỏ tiền đầu tư xây dựng công trình nhà ăn bán trú cho học sinh trường tiểu học thị trấn Thanh Hà của gia đình chị Lê Thị Luyến không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường mà còn mang lại sự tin tưởng, niềm tin của các bậc cha mẹ học sinh khi gửi gắm con em mình đến đây học tập, sinh hoạt, được chăm lo một cách đầy đủ, tốt nhất.

Đồng chí Trần Minh Tiến, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Thanh Hà cho biết: Trước những khó khăn khi chưa có nơi để học sinh bán trú được ăn, nghỉ đảm bảo, nhà trường đã nhiều lần kiến nghị với Đảng uỷ - UBND thị trấn nhưng chúng tôi chưa biết tìm nguồn ở đâu để đầu tư xây dựng. Trong khi đó, để huy động nguồn xã hội hoá cũng không dễ dàng bởi điều kiện kinh tế của nhiều hộ dân, phụ huynh học sinh ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế nên khi tiếp nhận đề xuất của nhà trường về việc chị Lê Thị Luyến đề nghị được hỗ trợ toàn bộ chi phí xây dựng nhà ăn bán trú cho học sinh trường tiểu học thì chúng tôi rất phấn khởi. Công trình được xây dựng và hoàn thành trước khi bước vào năm học mới đã làm cho các bậc phụ huynh rất yên tâm, tin tưởng vào sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ con em mình ở nhà trường từ bữa ăn đến giấc ngủ. Điều đó được thể hiện ở chỗ nếu như những năm học trước, số học sinh đăng ký học bán trú chỉ chiếm một phần nhỏ thì trong năm học 2017 - 2018, số học sinh của nhà trường đăng ký học bán trú đã chiếm khoảng 2/3 tổng số học sinh. Trong đó, các em học sinh ở các khối lớp 3, 4, 5 hầu như đăng ký 100%. Từ việc làm này, chị Lê Thị Luyến đã trở thành một trong những điển hình về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05 của huyện và thị trấn Thanh Hà biểu dương, khen thưởng.

Không chỉ bỏ ra số tiền lớn xây tặng trường tiểu học thị trấn Thanh Hà nhà ăn bán trú cùng toàn bộ trang thiết bị đi kèm, chị Lê Thị Luyến còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn thị trấn đổ sân bê tông cho khu vực nhà ăn bán trú trị giá trên 40 triệu đồng. Mới đây nhất, gia đình chị đứng ra đầu tư xây dựng cho trường THCS thị trấn Thanh Hà toàn bộ mái che khu bể bơi của nhà trường có tổng giá trị xây lắp hàng chục triệu đồng. Toàn bộ số tiền này do gia đình chị tự bỏ ra ủng hộ...

Những việc làm vô cùng ý nghĩa này được chị Luyến và gia đình thực hiện không nhằm mục đích vụ lợi mà nói như chị thì: những việc làm này của mình đều xuất phát từ cái tâm. Cho đi không phải là để chờ đợi nhận lại điều gì đó to tát hơn mà mình cho đi để thấy mình được sẻ chia với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Khi thấy các con được chăm lo học tập trong điều kiện đủ đầy, các bậc phụ huynh tin tưởng vào nhà trường, tin tưởng vào thầy, cô giáo đối với sự quan tâm chăm sóc con em thì mình thấy việc làm của mình đã trở nên có ý nghĩa. Với mình, niềm vui, hạnh phúc chẳng phải ở đâu xa, cũng chỉ giản đơn vậy thôi.


Mạnh Hùng


Các tin khác


Trường tiểu học Lý Tự Trọng kỷ niệm 35 năm ngày nhà giáo Việt Nam

(HBĐT) - Ngày 20/11, trường tiểu học Lý Tự Trọng tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017). Tới dự có lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn lao động tỉnh; phường Phương Lâm, đại diện hội phụ huynh cùng đông đảo các thầy cô giáo và học sinh nhà trường.

Trao tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" cho 7 Nhà giáo

(HBĐT) - Sáng ngày 20/11, Sở GD&ĐT đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ IV, năm 2017. Dự buổi lễ có đồng chí Bùi Văn Cửu, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Trường PT DTNT THPT Tỉnh: Kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

(HBĐT) - Ngày 20/11, trường PT DTNT THPT tỉnh đã tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đến dự và chia vui với thầy trò nhà trường có đồng chí Đinh Văn Dực, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Phấn đấu đưa sự nghiệp GD&ĐT phát triển lên tầm cao mới

(HBĐT) - LTS: Liên tục 8 năm, từ năm học 2008-2009 đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh ta được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc, tiêu biểu. Năm 2012, ngành GD&ĐT Hòa Bình được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì. Đây là phần thưởng xứng đáng của Đảng và Nhà nước đối với GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, khẳng định vị trí của GD&ĐT Hòa Bình so với GD&ĐT cả nước. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/10/2017), PV Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Bùi Trọng Đắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT.

Trường THPT Lạc Sơn: Quan tâm đào tạo học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn

(HBĐT) - Đưa chúng tôi đi thăm phòng học tiếng Anh, phòng tin học với các trang thiết bị hiện đại, đồng chí Đinh Thị Thanh Tươi, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng THPT Lạc Sơn phấn khởi cho biết: Tuy còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và nhân dân trên địa bàn huyện đã quan tâm, chung tay xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho nhà trường. Trường hiện có 24 phòng học, 11 phòng làm việc; hệ thống phòng tin học, phòng học tiếng Anh, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm… được trang bị tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 12/2016.

Giáo dục huyện Tân Lạc - 60 năm vượt khó và phát triển

(HBĐT) - Cách đây 60 năm, khi huyện Tân Lạc mới được thành lập, đa số người dân chưa biết chữ; đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã có rất ít người học đến lớp 4, còn lại hầu hết ở trình độ người biết đọc, biết viết. Giai đoạn này, toàn huyện có 6 trường với 16 lớp học, gần 500 học sinh và trên 20 giáo viên. Nhiều phong trào thi đua "Dạy tốt – học tốt” đã được phát động và diễn ra sôi nổi, liên tục như: "Tích cực thi đua dạy tốt, học tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý”, "Thi đua học tập và tiến kịp xã Thu Phong”... đã từng bước đưa Tân Lạc trở thành điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình và các tỉnh miền núi phía Bắc. Minh chứng rõ nét đó là năm 1985, xã Ngổ Luông được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động ngành giáo dục”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục