Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao cờ lưu niệm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND - UBMTTQ tỉnh cho nhà trường nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường.
Sơ kết học kỳ I vừa qua, trong 168 học sinh người dân tộc thiểu số của nhà trường có gần 70% xếp loại học lực giỏi, 100% hạnh kiểm tốt.
Năm học 2017 - 2018, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ có 1.356 học sinh, trong đó 168 học sinh dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh tỉnh đang có trường PT DTNT THPT thì việc trường chuyên có hơn 12% học sinh người dân tộc thiểu số là minh chứng cho niềm tin của đồng bào các dân tộc dành cho nhà trường.
Theo số liệu thống kê, học sinh dân tộc thiểu số đã có nhiều đóng góp quan trọng, ý nghĩa vào bảng vàng thành tích của nhà trường. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt 100%, thi đỗ vào các trường ĐH ổn định trên 90%. Đặc biệt, nhà trường có nhiều học sinh dân tộc đạt kết quả cao trong các kỳ thi và được chọn đi du học ở nước ngoài. Tiêu biểu như em Đinh Xuân Trường (đã học xong thạc sỹ tại Nga) và một số học sinh đang học tại Nga có thành tích học tập tốt như: Đinh Tuyết Chinh, Đặng Bảo Châu, Trần Quang Lộc, Bùi Tăng Thái Hiền…
Ban giám hiệu nhà trường gặp gỡ, trao đổi, động viênhọc sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu đang học tập tại nhà trường.
Trong các kỳ thi học sinh giỏi bậc THPT, nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số đã đạt được thành tích vẻ vang. Nổi bật như Đinh Lê Bảo Ngọc (học sinh lớp 10 Anh, đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh, giải nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh), Đỗ Anh Linh (lớp 11 Toán, huy chương bạc trại hè Hùng Vương, giải nhì cấp tỉnh), Đinh Mai Loan (lớp 12 Anh, giải nhì cấp tỉnh)… Vừa qua, nhà trường có 5 học sinh dân tộc thiểu số tham dự kỳ thi học sinh giỏi bậc THPT cấp quốc gia.
Năm học 2017 - 2018, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ có 321 học sinh hộ khẩu thường trú tại các huyện trên địa bàn tỉnh, tăng 100 em so với năm học 2016 - 2017. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhà trường hết sức quan tâm thời gian qua đó là tạo điều kiện về ăn, ở, sinh hoạt để các em yên tâm học tập.
Đưa chúng tôi đi thăm khu ký túc xá (KTX) khang trang, đồng chí Tăng Văn Quang - Thư ký hội đồng, phụ trách công tác nội trú cho biết: KTX nhà trường được đầu tư xây mới với 32 phòng, có công trình phụ khép kín và các trang thiết bị đảm bảo hoạt động ăn ở, sinh hoạt của từ 6 - 8 em/phòng. Cơ sở vật chất của KTX có thể đáp ứng nhu cầu ở, học tập cho khoảng 200 học sinh các huyện. Hiện nay có gần 150 em các huyện, trong đó có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số đang ở tại KTX.
Học sinh dân tộc thiểu số, học sinh các huyện được bố trí chỗ ở miễn phí, thuận lợi cho việc học tập.
Ở KTX hoạt động tự học vào buổi tối rất nề nếp, tạo thành phong trào học tự giác. Ngoài việc rèn luyện để có tác phong quy củ khi sống tập thể, KTX có nhiều bạn học rất giỏi nên chúng em khá thuận lợi trong việc thảo luận, làm việc nhóm, trao đổi bài một học sinh chia sẻ.
Để kịp thời hỗ trợ học sinh, trung bình mỗi năm nhà trường có 80 - 100 suất học bổng hỗ trợ và miễn giảm một số khoản thu cho học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, thuộc hộ gia đình chính sách để các em yên tâm học tập.
Để tạo nguồn học sinh có chất lượng cho nhà trường nói chung, học sinh dân tộc thiểu số nói riêng, nhà trường đã chủ động làm việc với các huyện về việc bồi dưỡng học sinh giỏi cũng như tư vấn tuyển sinh vào lớp 10. Chủ trương này đã nhận được sự tán thành, hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương.
Đồng chí Bùi Văn Hồng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thủy cho biết: Phòng đã đề xuất với Sở GD&ĐT đề nghị hỗ trợ chuyên môn cho địa phương trong việc ôn luyện thi học sinh giỏi lớp 9 cũng như định hướng tuyển sinh vào THPT cho các em. Xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của phụ huynh, học sinh cũng như qua trao đổi với trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, chúng tôi mong muốn chủ trương này sẽ được Sở chỉ đạo thực hiện. Ngay sau khi nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, giáo viên trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ sẽ về Yên Thủy tổ chức bồi dưỡng chuyên đề cho học sinh khá, giỏi. Đồng thời định hướng, giải thích cho các em về nhà trường, các lớp chuyên, khối tuyển sinh đại học, cơ hội nghề nghiệp… Từ đó, các em sẽ có lựa chọn, hướng phấn đấu phù hợp; tiếp cận với hệ thống giáo dục của trường chuyên; phát huy được năng lực, sở trường.
Trao đổi với chúng tôi về những nhiệm vụ trọng tâm đang được nhà trường quan tâm triển khai, tiến sỹ Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường trăn trở: Qua khảo sát thực tế tại các huyện chúng tôi nhận thấy còn khá nhiều học sinh các huyện nói chung, học sinh là người dân tộc thiểu số nói riêng có năng khiếu, học tốt nhưng chưa thi vào trường chuyên để có cơ hội được phát huy năng lực, sở trường. Đây là điều đáng tiếc. Đặc biệt, trong cuộc làm việc gần đây với nhà trường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh có ý kiến chỉ đạo về việc tổ chức các lớp chất lượng cao dành cho học sinh người dân tộc thiểu số. Với mong muốn lực lượng này sẽ bổ sung nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số có chất lượng cho tỉnh, nhà trường đã khảo sát, đánh giá và nhận thấy tổ chức mô hình lớp học chất lượng cao cho học sinh dân tộc thiểu số trong trường chuyên là rất cần thiết. Nhà trường đã tham mưu, đề xuất với Sở GD&ĐT và hy vọng từ năm học 2018 - 2019 sẽ được tổ chức các lớp học chất lượng cao dành cho học sinh dân tộc thiểu số đầu tiên. Các em sẽ được hưởng các chế độ về học bổng, phụ cấp… như học sinh dân tộc thiểu số học tại các trường PT DTNT và có cơ hội tốt nhất để phát huy hết năng lực, khả năng của bản thân.