Toàn huyện Lạc Thủy có 46 trường học và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trong đó khối trực thuộc Phòng GD&ĐT gồm 41 trường với 591 lớp và nhóm trẻ, trên 15 nghìn học sinh. Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Phòng GD&ĐT huyện xác định công tác chỉ đạo thực hiện việc sáp nhập trường học là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh, huyện Lạc Thủy phải sáp nhập 10 trường, trong đó có 2 trường mầm non, 4 trường tiểu học và 4 trường THCS thành 1 trường mầm non, 4 trường TH&THCS. Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đã được huyện quan tâm thực hiện đó là ổn định tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường khi sáp nhập. Phòng đã xây dựng đề án sáp nhập trường, trọng tâm là sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Phòng cũng chỉ đạo Ban giám hiệu phối hợp chặt chẽ với BCH Công đoàn các trường để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhất là sự chưa đồng nhất về cách nghĩ, tư tưởng của cán bộ, giáo viên, nhân viên sau khi sáp nhập. Từ đó bàn bạc, thống nhất các biện pháp tháo gỡ, tạo sự đoàn kết nhất trí cao, tạo môi trường ứng xử thân thiện trong nhà trường.
Đặc biệt, sau sáp nhập, phòng đã chỉ đạo thành lập khối thi đua các trường liên cấp gồm 7 trường (trước đó huyện đã có 3 trường liên cấp). Khối thi đua đã xây dựng quy chế hoạt động, qua đó tạo điều kiện cho cán bộ quản lý các trường mới sáp nhập học tập, chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giúp Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên, nhân viên các trường có điều kiện học hỏi để vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ ở trường mình.
Ngoài ra, ngành chỉ đạo đổi mới công tác quản lý, chú trọng phân cấp quản lý và quản lý linh hoạt với các trường được sáp nhập. Xuất phát từ đặc thù trường liên cấp, từ việc có nhiều điểm trường, mỗi cấp học có tính riêng về hoạt động giáo dục, phòng đã chỉ đạo các trường sáp nhập đổi mới công tác quản lý, quản lý linh hoạt, phù hợp. Trong đó thể hiện rõ việc đổi mới mạnh mẽ trong phân cấp quản lý, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ các đồng chí quản lý tổ chuyên môn đến các phó hiệu trưởng được giao phụ trách ở các điểm trường. Phân công rõ trách nhiệm các phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn từng cấp học, từng điểm trường. Thực hiện thông tin báo cáo hai chiều từ tổ chuyên môn và các bộ phận trong nhà trường, giúp hiệu trưởng nắm tình hình hoạt động của từng điểm trường một cách chính xác, kịp thời. Từ đó tạo động lực tích cực thúc đẩy hoạt động giảng dạy, giáo dục…
Đồng chí Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạc Thủy cho biết thêm: Phòng cũng quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các trường sau sáp nhập. Duy trì tốt việc sinh hoạt chuyên môn và đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, đi sâu giải quyết những vấn đề thật cụ thể về chuyên môn gắn với thực tế giảng dạy ở từng cấp học, điểm trường. Tăng cường công tác kiểm tra, tư vấn của phòng GD&ĐT với các trường sau sáp nhập, nhất là quan tâm tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học cho các trường sau sáp nhập. Trong 2 năm qua, UBND huyện đã đầu tư 10,5 tỷ đồng xây dựng nhà hiệu bộ, phòng học, công trình phụ trợ và đầu tư 4 tỷ đồng mua thiết bị và bàn ghế cho các nhà trường.
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trước, trong và sau khi sáp nhập nên sau một năm rưỡi sáp nhập, các nhà trường đều hoạt động bình thường, ổn định, đảm bảo việc huy động trẻ ra lớp, duy trì tốt sĩ số học sinh. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, chất lượng giáo dục được duy trì.
Dương Liễu
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, tính đến tháng 1/2018, toàn tỉnh có 637 trường học với 217.713 học sinh, sinh viên.