(HBĐT) - Nhân một ngày rất đặc biệt -ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017, 7 nhà giáo xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 20 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên ngành GD&ĐT trong tỉnh vinh dự được nhận danh hiệu cao quý "Nhà giáo ưu tú” do Chủ tịch nước phong tặng; nâng tổng số nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân trên địa bàn tỉnh lên 51 đồng chí. Trước thềm xuân Mậu Tuất, chúng tôi đã tìm gặp nhà giáo ưu tú của tỉnh - những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa nhà giáo ưu tú.


Người biến ước mơ của phụ huynh và học sinh vùng cao thành hiện thực

Tốt nghiệp cấp II khi vừa tròn 16 tuổi, với tình yêu trẻ, cô gái Bùi Thị Lon đã "xung phong” tham gia trông giữ trẻ cho các gia đình hàng xóm trên địa bàn xóm Vâng (xã Ngọc Sơn).

Đây là thời kỳ đặc biệt, rất đáng nhớ trong thời gian gắn bó với nghề giáo của cô giáo Bùi Thị Lon. Cô Lon nhớ lại: Lúc này giáo viên được trả lương bằng lúa, gạo nhưng phải cuối vụ mới được lĩnh nên đời sống rất khó khăn. Trong khi đó, để gắn bó với nghề đòi hỏi phải có bằng cấp chuyên môn, vì vậy bắt đầu từ năm 1995, cứ cuối tuần và tranh thủ kỳ nghỉ hè, tôi lại đeo ba lô xuống núi để ra trường Cao đẳng sư phạm Hòa Bình học sơ cấp mầm non, tiếp đó là trung cấp, cao cấp.

Thời kỳ này cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn nên xã Ngọc Sơn được đánh giá là "điểm sáng” của tỉnh trong việc tạo dựng nhóm lớp, hình thành trường mầm non. Với sự phát triển, tăng dần về quy mô học sinh, nhóm lớp, cô Lon đã đề xuất với UBND xã tách tổ mầm non ra khỏi trường tiểu học Ngọc Sơn. Và ngày 1/8/2000, trường mầm non xã Ngọc Sơn được thành lập, bao gồm 8 nhóm lớp, 126 trẻ nhưng chỉ có 8 phòng học tạm, 40 bộ bàn ghế và 12 cán bộ, giáo viên, nhân viên.


Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Lon cùng học sinh bên ngôi trường vùng cao mới được xây dựng đạt chuẩn quốc gia.

Trước tình hình đó, cô Lon cùng BGH nhà trường tham mưu UBND xã, phòng GD&ĐT, tìm kiếm sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân. Liên tục từ năm 2008 đến nay, hầu như năm nào nhà trường cũng được hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất. Nhờ vậy, hiện nhà trường đã có 4 điểm trường với 12 phòng học kiên cố, đảm bảo diện tích, hệ thống điện chiếu sáng, quạt mát cho cho trẻ, có đầy đủ bàn, ghế và đồ dùng đồ chơi để cho trẻ hoạt động. ấn tượng nhất là khu vực sân chơi với diện tích hơn 4.000m2 với rất nhiều đồ chơi, hoa và cây xanh.

Nhìn lại quá trình phát triển của trường mầm non Ngọc Sơn, đồng chí Bùi Văn Hiềng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn ghi nhận: Cô Lon đã biến ước mơ của phụ huynh, học sinh và nhân dân xã vùng cao đặc biệt khó khăn trở thành hiện thực khi con em địa phương được học trong ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, vì phụ huynh rất yên tâm, tin tưởng khi gửi con vào "trường cô Lon” nên tỷ lệ huy động trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ trên địa bàn xã ra lớp đạt rất cao (trên 70%-PV), ở lứa tuổi mẫu giáo đạt 100%.

Cô giáo đam mê nghiên cứu lịch sử Mường Vang

Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng cô giáo Trần Thị Tâm (giáo viên trường tiểu học Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn) vẫn nhớ như in cảm xúc những ngày đầu tiên vào nghề. Cô Tâm nhớ lại: Tôi vào nghề giáo khi vừa tròn 18 tuổi, với tinh thần tuổi trẻ, nhận nhiệm vụ phân công, tôi giảng dạy tại trường cấp I - II Ngọc Lâu (xã Ngọc Lâu) là vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Trong suốt thời gian công tác, ngoài việc giảng dạy tôi đều được tín nhiệm phân công làm tổ trưởng tổ chuyên môn khối 4, 5 và bồi dưỡng học sinh giỏi.


Ngoài công tác giảng dạy, nhà giáo ưu tú Trần Thị Tâm còn say mê với việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử văn hóa địa phương.

Từ năm học 1995 – 1996 đến nay, cô Tâm liên tục tham gia thi và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Hàng năm, chất lượng lớp học do cô Tâm phụ trách đều vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, nhiều năm tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt từ 50% trở lên; trên 50% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Ngoài ra, cô Tâm còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học; sáng kiến, đề tài nghiên cứu như: nâng cao chất lượng dạy – học văn miêu tả, bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng Việt lớp 5, giúp học sinh sửa lỗi chính tả, thiết kế và sử dụng phiếu học tập môn lịch sử lớp 5...

Đặc biệt, ngoài công tác giảng dạy, cô giáo Trần Thị Tâm còn tích cực tham gia biên soạn lịch sử văn hóa địa phương. Cô Tâm chia sẻ: Tôi rất thích tìm tòi, khám phá, tìm hiểu về phong tục tập quán, văn hóa các dân tộc thiểu số, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương... Có cơ hội được công tác tại các địa bàn khác nhau của huyện nên khi ngành giáo dục biên soạn tài liệu lịch sử văn hóa địa phương để phục vụ cho việc giảng dạy, tôi rất hào hứng và tích cực tham gia. Năm 2008, tôi đã cùng một số giáo viên trên địa bàn huyện tham gia biên soạn tài liệu lịch sử văn hóa địa phương. Đây là tài liệu được các giáo viên tham khảo, sử dụng trong công tác giảng dạy nhằm làm phong phú, sinh động, hấp dẫn hơn các giờ học.

Ngoài việc ôn luyện học sinh giỏi, cô Tâm còn hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp trở thành giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Cô Tâm luôn nhận được sự kính trọng của học sinh, uy tín của các bậc phụ huynh, đồng nghiệp; nhiều năm liền được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.

Tâm huyết với sự nghiệp "trồng người”

Chúng tôi có mặt tại lớp 3A6, trường tiểu học Hữu Nghị (phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình) khi cô, trò đang trong tiết học toán. Sử dụng thành thạo các thiết bị CNTT, cách giảng bài lôi cuốn, hấp dẫn, dễ hiểu, cô liên tục đặt các câu hỏi ngắn gọn và gợi mở, khích lệ học sinh phát biểu ý kiến. 33 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người”, lửa tâm huyết trong cô luôn được thắp cháy - cô là Nhà giáo ưu tú Lê Thị Thu Phượng.


Nhà giáo ưu tú Lê Thị Thu Phượng đã có 33 năm giảng dạy với nhiều sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cô Phượng cho biết: Sau một thời gian dạy lớp 5, liên tục từ năm 1996 đến nay tôi được phân công dạy lớp 3. Ai cũng biết đây là lớp học quan trọng, chuẩn bị kiến thức, kỹ năng trước khi các em bước vào lớp 4 – lớp học được đánh giá là khó nhất ở bậc tiểu học. Do đó, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu và nhận thấy đối với lớp 3, bộ môn toán cần lưu ý để học sinh nắm chắc việc thực hành kỹ năng 4 phép tính, các dạng toán. Đối với môn tiếng Việt cần quan tâm các biện pháp nghệ thuật, cung cấp vốn từ cho học sinh để các em có kỹ năng viết văn... Được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, học sinh sẽ tự tin khi bước vào lớp 4. Lớp 3 cũng là giai đoạn mà học sinh hiếu động hơn rất nhiều so với lớp 1, lớp 2. Do đó, để đảm bảo chất lượng giảng dạy, tôi bám sát, đánh giá năng lực từng học sinh, từ đó chia đối tượng để có phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

Thời gian rảnh rỗi, cô tập trung cho việc nghiên cứu đề tài khoa học có tính ứng dụng cao như: Dạy biện pháp so sánh cho học sinh, rèn kỹ năng giải toán cho học sinh lớp 3... Bản thân cô cũng tích cực tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi. Đến nay, cô đã có 2 lần đoạt giải nhất, 1 lần đoạt giải nhì giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và đặc biệt là năm học 2007-2008, cô Phượng đã vinh dự đoạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.

Nhìn lại chặng đường đã qua, cô Phượng chia sẻ: Hơn 33 năm gắn bó với nghề, trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng niềm đam mê, tâm huyết trong tôi chưa bao giờ hết. Mỗi ngày đến trường, được truyền đạt kiến thức, dạy dỗ học sinh, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn. Sự yêu thương, kính trọng của phụ huynh, học sinh; sự tín nhiệm của đồng nghiệp thôi thúc tôi thêm cố gắng học hỏi, tìm tòi, không ngừng nâng cao, đổi mới phương pháp giảng dạy.


Dương Liễu

Các tin khác


Sẽ được làm tròn điểm thi THPT Quốc gia

Việc sửa đổi làm tròn điểm thi THPT Quốc gia dự kiến được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Hà Tĩnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi đoạt giải quốc gia 2018

Với 85/96 em đạt giải, chiếm tỷ lệ 88,5%, Hà Tĩnh vượt qua hàng chục tỉnh thành để đứng đầu cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia năm 2018. Trong khi đó, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải với 132 em.

Tỉnh Hòa Bình có 21 học sinh giỏi quốc gia bậc THPT năm 2018

(HBĐT) - Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia bậc THPT năm 2018, tỉnh ta có 62 thí sinh dự thi ở 12 bộ môn. Kết quả đã có 21 thí sinh đạt giải, trong đó có 2 giải nhì, 6 giải ba và 13 giải khuyến khích.

Triển khai nhiệm vụ công tác khuyến học năm 2018

(HBĐT) - Ngày 2/2, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác khuyến học năm 2017, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018, triển khai kế hoạch thực hiện Đề án 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tổng kết đợt vận động, quyên góp ủng hộ Qũy Khuyến học tỉnh năm 2017.

Việt Nam có tân Giáo sư Toán học mới 36 tuổi

Tân giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam là Phạm Hoàng Hiệp, sinh năm 1982. Anh đã phá kỷ lục trước đó của giáo sư Phan Thanh Sơn Nam.

Người bảo tồn và truyền dạy chữ Nôm - Dao

(HBĐT) - Dân tộc Dao có tiếng nói, chữ viết riêng, tuy nhiên chữ viết đang bị mai một. Để bảo tồn và phát triển tri thức bản địa của dân tộc, ông Lý Văn Hềnh, xã Cao Sơn (Đà Bắc), người am hiểu ngôn ngữ, chữ viết và còn lưu giữ nhiều sách Dao cổ đã mở các lớp học miễn phí truyền dạy cho bà con biết đọc, viết chữ Nôm - Dao cổ với mong muốn bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục