Nhớ Tết quê
"Em nhớ cảm giác bồi hồi, háo hức khi những ngày cuối năm cận kề, nhất là lúc thấy nhà nhà chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo, hay các gia đình sắm sửa đón Tết. Đó là cảm giác mà chỉ ở quê nhà mới có” - Đặng Thị Thu Nga, cựu học sinh trường THPT Công Nghiệp, hiện đang học ngành Kỹ thuật môi trường nước tại trường Timiyazev (Đại học Nông nghiệp Quốc gia Nga) tâm sự.
Đặng Thị Thu Nga (thứ 2 bên phải) cựu học sinh trường THPT Công Nghiệp đón năm mới tại thủ đô Mát-xcơ-va cùng các bạn.
Nga là một trong số những học sinh của tỉnh ta nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ. Sang Nga du học từ cuối năm 2016 và đấy cũng là lần đầu tiên em ăn Tết xa nhà. Chia sẻ về khoảng thời gian mới đi du học, mặc dù đã tìm hiểu trước và chuẩn bị tâm lý, nhưng Nga vẫn cảm thấy bỡ ngỡ, chưa hòa nhập được với mọi người. Nguyên nhân do bất đồng ngôn ngữ và cách sinh hoạt. Song được các anh chị du học sinh người Việt đi trước quan tâm, hướng dẫn, Nga quen dần và cảm thấy thú vị.
Mới hôm nào Nga còn được tận hưởng không khí Tết cùng gia đình và bạn bè, năm nay Nga chỉ cảm nhận được điều đó qua mạng xã hội. Nga nhớ mọi thứ liên quan đến Tết Việt Nam. Nhớ những hàng đào, quất được bày bán trải dài khắp con phố, nhớ đêm giao thừa cùng người thân, bạn bè ra đê Đà Giang để xem bắn pháo hoa, nhớ mâm cơm tất niên và bánh chưng, đặc biệt nhớ những phong bao lì xì đỏ nữa.
Đặng Thái Sơn, cựu học sinh chuyên Địa, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ cũng nhận được học bổng du học toàn phần tại Nga. Hiện em đang học dự bị tiếng Nga tại trường A.S Pushkin, thành phố Mát-xcơ-va. Mới sang từ tháng 10/2017, nhưng Sơn đã được cộng đồng du học sinh Việt tại trường tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đoàn thanh niên. Không những nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới, với tính cách năng động, nhiệt huyết, Sơn cùng các bạn tại trường tổ chức nhiều hoạt động cho các bạn học sinh, cụ thể như tổ chức lễ tri ân ngày 20/11 cho các thầy, cô người Việt. Gần đây nhất là tổ chức buổi giao lưu văn nghệ sinh viên các khóa trong trường và chào đón các bạn sinh viên Việt Nam mới sang nhập học.
Tết đậm hương vị Việt
"Chợ Việt bên này đầy đủ lắm, cần gì cũng có, bánh chưng, xôi, giò… đủ cả” - Đặng Thị Thu Nga chia sẻ. Cộng đồng người Việt nơi thành phố em sinh sống rất đông nên họ lập ra hẳn một khu chợ để phục vụ cho nhu cầu người dân Việt. Năm ngoái em cùng các bạn trong trường tự tay chuẩn bị Tết cho riêng mình. Vào chiều 30 Tết, em cùng các bạn đi chợ mua các nguyên liệu nấu ăn. Thực ra tại các khu chợ Việt cái gì cũng sẵn, có thể mua về nấu luôn chứ không cần chế biến rườm rà. Nga cho hay, tiệc tất niên của du học sinh bên này được tổ chức theo tiêu chí nhanh, gọn nhưng vẫn giữ các nghi lễ chính và các món ăn mang đậm hương vị Việt. Mục đích để mọi người muốn chuẩn bị chu đáo cho khoảnh khắc sum vầy bên nhau.
"Sau khi liên hoan xong, các bạn cũng lì xì cho nhau, rồi rủ nhau ra đường đốt pháo bông mừng năm mới. Đêm 30 Tết ở bên này rét lắm, tuyết vẫn rơi nên ngoài đường không một bóng người, chỉ có hội du học sinh chơi với nhau cho vơi nỗi nhớ nhà. Bên này, thời gian chậm hơn Việt Nam 4 giờ nên tụi mình chờ đúng 8 giờ tối gọi điện qua facebook về cho gia đình cùng đón giao thừa. Lúc này mới cảm nhận rõ nhất nỗi nhớ gia đình. Nhiều bạn không kìm được lòng đã bật khóc, làm cả nhóm phải dỗ dành rồi cũng khóc theo” - Nga chia sẻ.
Facebook cũng là kênh liên lạc thường xuyên của Nga với gia đình. Em thường chụp ảnh, gọi điện video cho gia đình qua mạng xã hội này. Nỗi nhớ càng thêm nhiều khi hai đầu cầu kết nối với nhau thông qua màn hình điện thoại nhỏ xíu. Mỗi lần như vậy, bố mẹ thường sang cả nhà bà ngoại ở gần đấy để cùng nói chuyện với các dì, các em trong nhà.
Khác với Nga, Vũ Thùy Trang - cựu học sinh chuyên Nga, khóa 2009-2012 trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ hiện đang du học ngành Thạc sĩ Báo chí tại trường Tula State University (Đại học Tổng hợp quốc gia Nga). Đi du học từ năm 2012, Trang đã sớm tự lập và nhanh chóng thích nghi được với guồng quay học tập bên nước bạn. Đối với Trang, 5 lần đón Tết tại Nga là 5 kỷ niệm khác nhau.
Vũ Thùy Trang (thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn vui chơi trong ngày mùng 1 Tết tại Liên bang Nga.
Vì thời điểm Tết Nguyên đán trùng với kỳ thi nên mọi người không có nhiều thời gian đón Tết. Năm trước, Trang và các bạn cùng tổ chức một buổi gặp mặt cho các du học sinh Việt tại trường, mặc dù đó chỉ là một buổi tiệc nhỏ nhưng vẫn đầy đủ và ấm cúng. Cách Tết vài ngày, Trang và các bạn vừa ôn thi, vừa tranh thủ làm cành đào, mai giả cho giống không khí ở quê nhà. Giữa trời đông tuyết trắng, mấy du học sinh đi nhặt cành phong, bạch dương để làm nhánh, đính hoa đào bằng nhựa, giấy màu, trang trí thêm bóng đèn nhấp nháy. Để làm câu đối, mấy bạn khéo tay tạo kiểu chữ trên máy tính rồi in ra, nhuộm mực đỏ và dán lên tường. Vào đúng đêm 30 Tết, mỗi người một việc, người dọn phòng, người trang trí, người bày mâm ngũ quả, có bát gạo để thắp hương giao thừa… Trang chia sẻ: "Tiệc tất niên của bọn mình vui lắm, ăn uống xong bọn mình tổ chức văn nghệ, có đàn hát, có trò chơi. Rồi mọi người quây quần lại cùng mở VTV4 xem Táo Quân. Có bạn bè bên cạnh nên nỗi nhớ nhà cũng vơi đi phần nào”.
Nhớ nhà là tâm trạng chung của rất nhiều du học sinh Việt ở khắp nơi trên thế giới. Dù xa xứ bao lâu, mỗi dịp năm mới đến, không khỏi bâng khuâng nhớ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc với bánh chưng xanh, cành đào và mùi hương thơm đêm giao thừa. Mặc dù không được đón Tết cùng gia đình, nhưng những du học sinh tại Nga đã xích lại gần nhau, chia sẻ không khí đón năm mới truyền thống thân thuộc với những hy vọng mới, tươi sáng hơn. Và những giao thừa xa quê đã giúp các du học sinh trưởng thành hơn, thêm yêu thương, gắn bó với quê hương, biết trân quý những thời gian được ở bên gia đình. Trong giá rét của xứ tuyết, câu hát, tiếng đàn vẫn vang lên, mang sắc xuân về ấm tâm hồn các bạn.
Đồng Hương