Tìm nguyên nhân của những con số
Năm học 2017 – 2018, toàn huyện Tân Lạc có 25 trường và 2 cơ sở giáo dục mầm non với 6.583 trẻ. Trong đó, trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ huy động đến trường đạt 38,3% (tăng 6,4% so với cùng kỳ năm học trước), trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo huy động đến trường đạt 98,7% (tăng 2,7% so với năm học trước). 100% nhà trường, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ bán trú. 100% trẻ đến trường được cân đo và theo dõi sức khỏe trên biểu đồ tăng trưởng. Cuối tháng 12/2017, các nhà trường đã tiến hành cân đo trẻ, đánh giá kết quả hoạt động học kỳ I năm học 2017 – 2018. Kết quả cân đo trẻ đã cho ra những con số như trên.
"Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng như vậy là quá cao so với bình quân chung của huyện và tỉnh. Rất đáng báo động và phải hết sức quan tâm” – Đó là nhận định của đồng chí Bùi Văn Hải, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc.
Gần trung tâm huyện Tân Lạc nhưng trường mầm non Mãn Đức lại nằm trong nhóm các trường có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất huyện. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đào Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường hiện có 10 lớp với 300 cháu, trong đó 2 lớp nhà trẻ với 54 cháu và 8 lớp mẫu giáo với 246 cháu. Theo số liệu thống kê vào tháng 12/2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở lứa tuổi nhà trẻ chiếm 9,26%, lứa tuổi từ 3 – 4 tuổi chiếm 13,2%, lứa tuổi từ 4 – 5 tuổi chiếm 5,06%, lứa tuổi từ 5 – 6 tuổi chiếm 4,4%. Như vậy, lứa tuổi trẻ suy dinh dưỡng chủ yếu là nhà trẻ và từ 3 – 4 tuổi. Theo khảo sát, đánh giá của nhà trường, có nhiều lý do khiến trẻ ở lứa tuổi này suy dinh dưỡng. Trước tiên là việc vài năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn xã Mãn Đức đi làm ăn ở Hà Nội hoặc làm thuê ở thành phố Hòa Bình, huyện Cao Phong và một số xã vùng trồng nhiều bưởi của Tân Lạc như Thanh Hối, Tử Nê. Con trẻ được bố mẹ gửi lại ông bà hoặc người thân ở nhà trông nom nên việc chăm sóc chưa thực sự đảm bảo. Ngoài ra, lứa tuổi này các em mới đi lớp, chưa quen, khóc nhiều nên việc tham gia các hoạt động, ăn uống cũng bị hạn chế.
Trường mầm non Trung Hòa (Tân Lạc) có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở lứa tuổi từ 3 – 5 tuổi khá cao (từ 12 – 13,5%). ảnh: Lớp học được trang trí đẹp mắt, giáo viên tổ chức nhiều hoạt động tập thể để thu hút trẻ tham gia.
Qua khảo sát thực tế, đồng chí Bùi Văn Hải, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc cũng xác nhận: Những lý do dẫn đến tình trạng trẻ suy dinh dưỡng ở xã Mãn Đức cũng xảy ra tương tự tại các xã: Phú Cường, Quy Mỹ, Trung Hòa… Trẻ duy dinh dưỡng chủ yếu ở lứa tuổi nhà trẻ, từ 3 – 4 tuổi và đa số là mới đi học. Hiện nay ở cấp học mầm non, toàn huyện có gần 72% phòng học kiên cố, 28% phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, phòng học nhờ. Thiếu phòng học nên việc tuyển sinh phải ưu tiên từ nhóm trẻ 5 - 6 tuổi, sau đó đến 4 - 5 tuổi, rồi mới đến nhóm trẻ từ 3 - 4 tuổi, nhà trẻ. Chính vì vậy việc tuyển sinh trẻ nhà trẻ, trẻ từ 3 - 4 tuổi được thực hiện trong suốt cả năm học tùy theo tình hình cơ sở vật chất và sĩ số học sinh thực tế. Trẻ mới đi học chưa thích nghi với môi trường nhà trường, việc vận động và ăn uống đều chưa tốt. Thứ hai là chế độ chăm sóc, dinh dưỡng tại một số gia đình chưa tốt, nhất là gia đình các em có bố mẹ đi làm ăn xa.
Từng bước khắc phục tình trạng trẻ suy dinh dưỡng tại các trường mầm non
Ngay sau khi kiểm tra, xác minh số liệu, tình hình thực tế, nguyên nhân tại các nhà trường, ngày 16/1/2018, Phòng GD&ĐT Tân Lạc đã có Công văn số 15 về việc "Tăng cường các giải pháp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong trường mầm non”. Đồng thời, trong các hội nghị hiệu trưởng hàng tháng, vấn đề trẻ suy dinh dưỡng đã được quan tâm đưa ra phân tích, bàn bạc, cùng thống nhất giải pháp giải quyết hiệu quả.
Đồng chí Phó trưởng phòng GD&ĐT khẳng định: Phòng GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường kiểm tra, rà soát lại kết quả cân đo và theo dõi sức khoẻ trên biểu đồ tăng trưởng. Từ việc tìm hiểu nguyên nhân tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng phải xây dựng được kế hoạch chi tiết về việc phục hồi trẻ suy dinh dưỡng. Tập trung vào các việc cần làm ngay như phát huy hiệu quả khu vui chơi phát triển vận động tại các nhà trường. Thường xuyên cho trẻ vận động, tập các bài tập với dụng cụ phát triển chiều cao. Phối hợp với cán bộ trạm y tế xã để can thiệp hoặc hướng dẫn phụ huynh cho trẻ uống Vitamin A và thuốc tẩy giun đúng định kỳ; tăng cường cho trẻ vui chơi ngoài trời với thời gian thích hợp để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lúc sáng sớm. Các nhà trường quan tâm đến việc bổ sung chế độ dinh dưỡng, thay đổi thực đơn liên tục và phù hợp, tạo cảm giác ngon miệng. Giáo viên phải quan tâm nhiều hơn đến trẻ suy dinh dưỡng, có giải pháp sư phạm phù hợp, khuyến khích trẻ ăn hết suất.
Ngoài ra, các nhà trường quan tâm tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh trong việc xây dựng chế độ ăn sao cho cân đối các chất dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, hợp lý trong chế biến, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng cường cho trẻ ăn các thực phẩm phát triển chiều cao tại gia đình. Tư vấn gia đình chú trọng đến bữa phụ của trẻ như ăn thêm sữa chua, sữa đậu nành và các loại hoa quả như chuối, đu đủ, bưởi, cam…
Sau 2 tháng quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, theo đánh giá của lãnh đạo phòng GD&ĐT, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Trẻ đã thích nghi dần với môi trường nhà trường, tích cực tham gia các hoạt động. Nhiều trẻ ăn uống tốt hơn, ăn hết suất ăn; phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng cho con. Theo số liệu cân trẻ vào tháng 3, nhiều trường có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao đã giảm từ 2 – 3% so với thời điểm thống kê tháng 12/2017, càng về cuối năm học, trẻ càng có xu hướng tăng cân nhanh hơn.
Dương Liễu