Ông Mai Văn Trinh cho biết, Tổ công tác của Bộ
GD - ĐT cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ
"Chúng tôi sẽ làm đến nơi đến chốn"
Từ góc độ quản lý chất lượng giáo dục, ông có
suy nghĩ như thế nào về những sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La?
Ông Mai Văn Trinh: Thực
sự tôi rất buồn! Đây là những việc rất bất thường, không mang tính chất đại
diện, và rất xấu xí, ảnh hưởng tới bao công sức mà chúng ta dành cho một kỳ thi
rất dày công. Rõ ràng, dù có những điểm rất xấu xí, rất bất thường này, nhưng
kết quả mà chúng ta đạt được là rất đáng ghi nhận.
Từ cái buồn đó, khi nghĩ đến cả triệu thí
sinh, phụ huynh, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nói rằng, chúng ta kiên quyết xử lý và
không có vùng cấm. Chính vì vậy mà tôi mất 7 đêm, trong đó 5 đêm không ngủ, 2
đêm ngủ chập chờn. Chúng ta không dung túng cho sai phạm, nhưng quan trọng nhất
là chúng ta phải xác định được sai phạm xuất hiện từ đâu, làm sao mà xuất hiện
những sai phạm đó!
Để làm gì? Thứ nhất là để chúng ta rút ra bài
học kinh nghiệm. Chúng tôi cũng phải rút kinh nghiệm về mặt quản lý tổ chức
thi, những cải tiến kỹ thuật, để tổ chức tốt hơn các kỳ thi. Ở đây tôi nói các
kỳ thi, chứ không riêng kỳ thi THPT quốc gia, trong những năm tới, kể cả những
kỳ thi khác trong quá trình dạy học đối với học sinh và sinh viên.
Tôi thấy nhiều người nêu ý kiến là có nên lắp
camera trong phòng chấm thi hay không? Đây là một đề xuất mà chúng tôi sẽ
nghiên cứu tiếp thu một cách nghiêm túc, để có thể cân nhắc và đưa vào quy định
cứng trong kỳ thi năm 2019.
Theo phản ánh của phụ huynh và học sinh, tại
một số hội đồng thi có tình trạng vi phạm quy chế thi như ném bài từ ngoài vào,
sự dụng điện thoại trong phòng thi… Tổ công tác của Bộ GD - ĐT đã kiểm tra, xử
lý ra sao?
Tất cả những trường hợp vi phạm nếu đủ chứng
cứ sẽ xử lý theo quy chế. Còn vi phạm ở mức độ phức tạp hơn thì căn cứ tình
hình cụ thể sẽ xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, trước hết
là phải có chứng cứ. Thứ hai, là khi chưa có chứng cứ đầy đủ, dư luận phản ánh,
thì Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan có trách nhiệm điều tra và xác minh.
Chúng tôi sẽ làm đến nơi đến chốn, để trả lại sự công bằng cho thí sinh và cho
kỳ thi.
Thưa ông, quá trình Tổ công tác của Bộ GD - ĐT
đến Sơn La rà soát, xác minh theo nhiệm vụ được giao đã gặp những khó khăn gì?
Từ khi tôi nhận trọng trách Cục trưởng Cục
quản lý chất lượng giáo dục đến nay, trong nhiều mùa thi, tôi rất quan tâm đến
các tỉnh vùng khó, trong đó có Sơn La. Năm nào tôi cũng lên Sơn La. Năm nay tôi
không lên trước và trong kỳ thi được. Sau này, tôi có lên thì về cơ bản lúc đó
công tác chấm thi đã hoàn tất rồi.
Về công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi THPT
quốc gia cấp tỉnh, theo chúng tôi đánh giá là đầy đủ, thậm chí có một số sáng
kiến mà năm 2015, tôi đã xin phép anh Thủy (ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch
UBND tỉnh Sơn La - PV) để phổ biến cho các tỉnh khác. Nhưng rất tiếc là năm nay
xảy ra sai phạm ở cấp thực thi cuối cùng tại một tỉnh xa. Đây là một bài học
rất thấm thía.
Trong vài ngày qua, mặc dù đồng chí Phó chủ
tịch UBND tỉnh bận công việc nhưng rất bám sát công việc, tạo điều kiện thuận
lợi tối đa cho chúng tôi và có thể nói là đã chỉ đạo các bộ phận liên quan đáp
ứng đầy đủ các yêu cầu của Tổ công tác.
"Khi xử lý chúng tôi không quan tâm các
thí sinh ấy con ai"
Dư luận cho rằng, những bài thi đạt điểm cao
đến mức bị đặt vấn đề nghi vấn rơi vào trường hợp con em các lãnh đạo. Thực tế
thì sao, thưa ông?
Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và chúng tôi triển khai là khi xác minh làm
rõ sai phạm, chúng tôi không đặt trong không gian những thí sinh ấy là đối
tượng nào, là chiến sĩ nghĩa vụ hay con lãnh đạo, mà ứng xử như nhau với tất cả
thí sinh. Chúng tôi không bị áp lực đó, cho nên khi xử lý không quan tâm các
thí sinh ấy con ai…
Trên cơ sở cách tiếp cận đó, khi có kết quả
xác minh làm rõ, cứ bám theo quy chế mà xử lý. Bộ GD-ĐT dĩ nhiên sẽ không bị
phân tâm bởi việc những thí sinh này là ai. Đây là một cam kết. Chúng tôi chỉ
biết 110 bài thi mà chúng tôi rút ra thẩm định là nhóm bài điểm cao, có dấu
hiệu bất thường. Tôi chưa xác minh những thí sinh ấy là ai.
Ông so sánh thế nào về mức độ sai phạm xảy ra
giữa Sơn La với Hà Giang?
Tôi ở Sơn La thời gian lâu hơn ở Hà Giang cũng
có thể thấy, rõ ràng tính chất công việc không đơn giản rồi. Như tôi nói là vi
phạm nghiêm trọng, chính vì thế mà hiện nay, chúng ta chưa kết thúc được việc
xác minh làm rõ.
Ngay sau khi vượt lũ lên đây, chúng tôi bắt
đầu công việc ngay. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, chúng tôi thấy nó vượt
quá khả năng nhiệm vụ của Tổ công tác, nên đã đề nghị cơ quan chức năng của Bộ
Công an điều tra.
Tại thời điểm này, tôi chưa thể đưa ra thông
tin chính xác là có bao nhiêu bài được sửa và sửa như thế nào. Tất nhiên đã có
những dấu hiệu ban đầu, nên mới đang phải điều tra.
Thông cáo của Tổ công tác nói đã giao cho Hội
đồng thi của Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La cập nhật điểm thi của 29 trường hợp bị sai
lệch điểm văn, trong đó em cao nhất chênh 4,5 điểm. Vậy Sơn La đã cập nhật điểm
của các em chưa và nếu cập nhật rồi thì thí sinh lệch 4,5 điểm đó là thí sinh
nào?
Hội đồng chấm thi thẩm định vừa làm việc xong
trong sáng nay, quyết định công nhận kết quả của hội đồng chấm thi thẩm định
cũng mới xong trong sáng nay, 23.7. Vì thế, chiều cùng ngày, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn
La mới sẽ cập nhật được kết quả này. Tổ công tác cũng đề nghị Sở GD-ĐT tỉnh Sơn
có trách nhiệm cập nhật kết quả chấm thẩm định trên hệ thống, đồng thời, thông
báo cho các thí sinh được biết.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh
Sơn La, khẳng định sẽ xử lý không có vùng cấm
ẢNH HIÊN QUÂN
|
Theo nội dung thông tin Tổ công tác đưa ra,
ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT có sai phạm. Như vậy, sai phạm cụ thể
là gián tiếp chỉ đạo hay trực tiếp can thiệp vào bài thi?
Trách nhiệm của đồng chí Yến trước hết là vai
trò chỉ đạo. Còn trực tiếp hay như thế nào đó tại thời điểm này tôi không có
thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: "Xử lý vụ
việc không có vùng cấm"
Thưa ông Phạm Văn Thủy, với vai trò lãnh đạo
UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực giáo dục, ông có suy nghĩ gì khi để xảy ra sai
phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại tỉnh nhà? Hướng xử lý sắp
tới ra sao?
Ông Phạm Văn Thuỷ: Chúng
tôi trân trọng ý kiến đóng góp của dư luận những ngày qua. Kỳ thi vừa qua, công
tác chỉ đạo, điều hành là đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ, từ phân công trách
nhiệm từ các ngành đến từng cá nhân, đồng thời, giám sát việc thực hiện đó là
tốt.
Về phương hướng xử lý, trước hết, chúng tôi sẽ
chỉ đạo Sở GD-ĐT, các ngành, ban liên quan thực hiện giải quyết triệt để các
nội kết luận của Tổ công tác đưa ra. Việc này được thực hiện trên tinh thần cầu
thị, không bao che, lỗi đến đâu, xử lý đến đấy, không có trường hợp ngoại lệ.
Về giải pháp đưa ra trong thời gian tới, tôi
cho rằng trước hết phải khắc phục kịp thời, kiên quyết những nội dung kết luận
mà Tổ công tác đã đưa ra. Thứ hai, phải đẩy mạnh quản lý, xử lý nghiêm những
thiếu sót, sai phạm mà tổ chức, cơ quan, cá nhân mắc phải. Thứ ba, phải làm rõ
trách nhiệm của từng cấp, từng người, qua đó đưa ra giải pháp xử lý đồng bộ.
Thứ tư, phải coi đây là bài học kinh nghiệm rút ra để những năm sau thực hiện
tốt hơn.
Với mức độ sai phạm nghiệm trọng như vậy,
trách nhiệm của Giám đốc Sở GD-ĐT và những người liên quan sẽ được xem xét thế
nào? Liệu có ai từ chức không?
Không ai vui gì khi có sự việc sai phạm tiêu
cực xảy ra. Chúng ta đều phải suy nghĩ, trăn trở, phải buồn cho những đồng đội,
cho những người công chức của mình. Đạo đức công vụ ở đâu đó chưa được đảm bảo.
Về trách nhiệm, trước hết là chúng tôi cầu thị và minh bạch, với tinh thần không
bao che. Từ lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La trở xuống các cơ quan liên quan, cá nhân
tôi là Phó chủ tịch UBND tỉnh, đến các cán bộ khác xác định có trách nhiệm đến
đâu, xử lý đến đấy, sai đâu sửa đấy, ai sai phải nhận sửa, phải khắc phục. Quan
điểm xử lý vụ việc này là không vùng cấm.
Bên lề cuộc thông tin chính thức, ông Mai
Văn Trinh cũng dành thời gian phỏng vấn của báo chí:
Qua xác minh ban đầu có dấu hiệu tẩy xóa đối
với phiếu trả lời trong bài thi trắc nghiệm của các thí sinh. Tại sao chưa
xác định được số liệu là bao nhiêu?
Bởi vì chúng ta đã biết, theo quy định của
chấm thi trắc nghiệm, thì cái file ảnh quét lưu lại để chấm hiện nay nó đang
phù hợp với phiếu trả lời trắc nghiệm. Do vậy, chúng ta không chấm thẩm định
các bài thi trong mấy ngày vừa qua. Thực chất, công việc ở đây nó khác nhiều
so với Hà Giang.
Ông đánh giá như thế nào về mức độ tinh vi
của thủ đoạn gian lận?
Như tôi đã nói, mức độ là rất nghiêm trọng.
Còn để giải thích thêm, đến nay tôi chưa có đủ thông tin.
Vậy dự kiến các bước xử lý tiếp theo là gì?
Trong thời gian tới, Bộ Công an và các đơn
vị chức năng sẽ tiếp tục làm rõ. Chưa thể biết khi nào có kết quả cụ
thể.
|
TheoThanhnien