Năm 1979, tình cờ thấy mấy người anh em họ và bạn bè cùng xóm tổ chức học ôn để thi vào học cấp III trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình, tôi về xin ý kiến, được bố mẹ đồng ý, thế là tôi đăng ký thi vào lớp 8 của trường.
Cuộc đời của chúng tôi bắt đầu thay đổi từ đây, bởi lẽ vào trường, chúng tôi phải thực hiện các quy định như người chiến sỹ trong quân đội. Sau khi bước qua vòng tuyển chọn, chúng tôi được điều về học tại phân hiệu Bãi Đạo thuộc xã Hợp Thịnh quê hương tôi… Năm học này cũng là năm học đầu tiên phân hiệu có đủ các lớp cấp III, một lớp 10 chuyển từ phân hiệu Tu Lý về, hai lớp 9 và hai lớp 8, mỗi lớp trung bình 40 học sinh. Chúng tôi ăn, ở và học tập dưới sự quản lý của các thầy, cô giáo cùng số ít anh chị phục vụ nhà bếp, lao động và y tế.
Chúng tôi hoạt động theo quy tắc rất ít có thay đổi, đó là hàng ngày 5h kém 15 phút tập thể dục, vệ sinh cá nhân (không có ăn sáng); 6h tập trung nghe phổ biến nội dung công việc của lớp trực ban và Ban giám hiệu nhà trường theo lịch học tập và lao động; 6h30’ một số lớp đi học, một số lớp đi lao động; 11h30’ ăn và nghỉ trưa; 13h tập trung nghe phổ biến công việc… cũng có lúc kiểm điểm, nhắc nhở một vài tập thể, cá nhân thực hiện các phong trào thi đua. Một ngày với vòng tròn công việc như thế, chúng tôi - những thanh niên mới lớn sống chung với nhiều anh chị cùng lớp, cùng trường lớn hơn mình tới 5-7 tuổi, có anh ở quê đã có vợ con… ấy vậy mà sống rất đoàn kết. Chúng tôi học đi đôi với lao động, làm ra những sản phẩm nông nghiệp như: ngô, bí, lạc, khoai lang, trong đó, ngô là chủ lực có năm thu được 50-60 tấn. Chúng tôi cũng chăn nuôi lợn tới vài chục con để cải thiện cuộc sống của thầy và trò. Mỗi năm lớp tôi cũng nuôi riêng được vài con lợn để liên hoan khi nghỉ hè hay nghỉ Tết. Hồi ấy, chúng tôi thỉnh thoảng được dùng điện thắp sáng từ chiếc máy nổ phát điện của nhà trường đã cũ. Phần lớn thời gian còn lại chúng tôi lên lớp học buổi tối nhờ những ngọn đèn dầu của mỗi cá nhân, tuy khó khăn nhưng vẫn có những giờ truy bài rất bổ ích, lý thú, kết thúc buổi học nào cũng có ít phút tập văn nghệ, hát ví, hò vè đối nhau…
Nghĩ lại những năm tháng gian khổ và cũng rất tự hào ấy, chúng tôi thấy thật thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ khi về thăm trường ngày 17/8/1962 "Fải: học tập tốt, lao động tốt, cố gắng mãi, tiến bộ mãi". Lớp chúng tôi đã xa mái trường thân yêu trên 36 năm, những năm gần đây điều kiện cho phép, mỗi năm chúng tôi tổ chức gặp nhau một lần để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, ôn lại những kỷ niệm của một thời Trường Nông hào hùng và rất đỗi tự hào của thời trai trẻ.
Khi chúng tôi vào học, bác Trần Ngoạn đang làm hiệu trưởng. Các thầy cô dạy chúng tôi đa số còn rất trẻ, nhiều người chưa xây dựng gia đình như các thầy: Nguyễn Thành Công, Trần Quang Đức, Cấn Văn Quản… Sau đó các thầy, cô cũng chuyển công tác về nhiều nơi, nay đã nghỉ hưu, mỗi khi nhà trường có ngày hội lớn chúng tôi mới có cơ hội để gặp lại các thầy, các cô… Những người thầy mà tôi vẫn gắn bó, gặp gỡ thường xuyên đó là thầy Phạm Ngọc Thể, nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường, có thời gian dài phụ trách trực tiếp phân hiệu Bãi Đạo. Với tôi, ông vừa là người thầy, vừa là người cha đáng kính. Ông luôn quan tâm nhắc nhở chúng tôi học tập, lao động và quan hệ xã hội, chia sẻ cho tôi từng miếng thịt, chút muối vừng mỗi khi tôi đưa ông đi kiểm tra cánh đồng ngô trong mùa nước lũ trên con thuyền đưa đón cán bộ, công nhân và học sinh của nhà trường tới quá trưa hay lúc chiều tối. Người thầy thứ hai tôi muốn nhắc đến là thầy Nguyễn Viết Long. Cuộc đời ông trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng ông vẫn là người thầy giản dị, gương mẫu từ khi còn giảng dạy môn hóa học, đến khi làm công tác quản lý các trường trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Duyên phận thế nào gia đình tôi và gia đình thầy lại về cư trú gần nhau, chỉ cần đi bộ vài phút là thầy, trò đã có thể gặp nhau hàn huyên tâm sự… Từ năm 1991 đến nay, khi trường đổi tên là Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình, từ đó và đặc biệt là những năm gần đây được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND… quan tâm đầu tư xây dựng cả về mọi mặt, mái trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã ngày càng khang trang, to đẹp… xứng danh là nơi đào tạo các thế hệ con em các dân tộc tỉnh Hòa Bình trở thành những đội ngũ kế cận của nhiều lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội và QP - AN…
Nhân dịp nhà trường tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình (1958 - 2018) tôi viết lên tâm tư đã bao năm ấp ủ, suy ngẫm tự đáy lòng về những kỷ niệm nhớ mãi không quên… chỉ mong những người anh, chị, em và những bạn thân thiết một thời "Trường nông thân yêu của tôi ơi" mãi phát huy truyền thống mái trường Anh hùng, dù đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cũng luôn tỏ rõ bản chất và lý tưởng cao đẹp của một thế hệ đã được học tập, rèn luyện và phấn đấu từ mái trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình. Tôi cũng tin rằng thế hệ các em, các cháu đã trưởng thành và đang theo học tại mái trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình sẽ kế tiếp cha, anh viết lên những thành tích trong học tập, rèn luyện, đặc biệt là những người đi đầu trong khởi nghiệp góp phần xây dựng quê hương Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh…
Trần Đức Trường
(Nguyên học sinh lớp 8a (khóa 1979-1982) Phân hiệu Bãi Đạo Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình)