Cô Miên dạy cho các em nhỏ trường Mầm non số 2 Mường Mươn. Ảnh:
TTXVN
|
Các cô giáo cắm bản nơi "đỉnh trời” Pú Vang
Nằm trên đỉnh núi Pú Vang, cụm bản Pú Vang-Huổi Meo (xã Mường
Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) có hơn 80 hộ dân với gần 600 nhân khẩu,
đều là dân tộc Mông. Cái đói, cái nghèo đeo bám bản làng nhưng trên đỉnh Pú
Vang này, con chữ vẫn được ươm mầm bởi có những giáo viên cắm bản luôn nặng
lòng, tâm huyết với nghề, yêu thương con trẻ - những giáo viên ở điểm trường Pú
Vang (trường Mầm non số 2 Mường Mươn).
Cơ ngơi của điểm trường bản Pú Vang là ngôi nhà xây cấp 4, trong
đó có một gian nhỏ để giáo viên "tá túc”, cạnh đó dựng lên một "lán” nhỏ. Các
hoạt động giảng dạy, học tập, ăn nghỉ của giáo viên và học sinh hàng ngày đều
diễn ra trong các công trình này và khoảng sân đất nện trong khuôn viên trường.
Cái khó khăn, thiếu thốn và vất vả nhất nơi đây là không có nguồn
nước sạch, không có nguồn điện lưới quốc gia, giao thông rất khó khăn, cách trở.
Bản làng ở độ cao trên đỉnh núi, khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác thiếu trầm
trọng nên nguồn lương thực, thực phẩm, nhất là rau xanh luôn khan hiếm, phải
mua từ ngoài trung tâm xã đưa vào.
Cô giáo Bùi Thị Miên kể, cứ vào mùa mưa thì từ cụm bản ra Quốc lộ
12 về trung tâm xã chỉ còn cách đi bộ vì đường trơn trượt, sình lầy. Vào mùa
khô, xe máy đi được nhưng rất vất vả nguy hiểm vì giáo viên là nữ, tay lái
không vững nên hay bị ngã xe, chỉ sợ xe lao xuống núi, xuống vực.
Để có nước sinh hoạt, các cô và người dân phải đi lấy từ 2 mó nước
của cụm bản, nằm cách cụm dân cư khoảng 400 m và 2 km. Mùa khô, nắng nóng hai
mó nước này rất ít nước nên phải chắt lọc từng gáo nước. Cứ buổi sáng và chiều
muộn, các cô phải thay nhau đi lấy và cõng nước về đựng trong các can nhựa, xô
chậu. Công việc mỗi ngày của các cô là thay phiên nhau đi lấy nước suối, vào bản
đón trẻ ra trường, dạy dỗ, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu và dẫn học trò
về trở lại nhà. Khép lại một ngày, khi các cô ngồi vào mâm cơm chiều là lúc trờ
nhá nhem tối. Đêm ở Pú Vang đến rất nhanh, mấy chục căn nhà cũng mau chóng "cửa
đóng then cài”, lắt leo những ngọn đèn dầu, những ánh đèn tích điện hoặc chạy bằng
ắc-quy hắt qua khe thưng ván gỗ.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn hằng ngày, các cô giáo còn thường xuyên
vận động, kết nối với các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội thực hiện các chuyến
thiện nguyện về điểm trường để giúp đỡ các cháu có cuộc sống no đủ hơn.
"Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải nỗ lực và bám bản, bám dân”, với
phương châm đó, những lúc rảnh rỗi, cô Miên đi vào từng nhà dân để vận động các
gia đình cho con em đi học đầy đủ; tuyên truyền cho phụ huynh biết giữ vệ sinh
hằng ngày, cách phòng tránh các dịch bệnh dễ xảy ra, cách giữ ấm cho các cháu
khi ngủ đêm... Mỗi khi bản làng có việc thì cô Miên cùng các giáo viên trong
trường cũng nhiệt tình phụ giúp. Nhờ vậy, các cô giáo tại điểm trường luôn được
người dân trong bản tin yêu.
Nhắc đến cô giáo Bùi Thị Miên và các giáo viên cắm bản nơi đây,
ông Giàng Tùng Chính, người dân sinh sống ở cụm dân cư Pú Vang hồ hởi nói: "Các
cháu ở điểm bản Pú Vang - Huổi Meo được học hành, chăm sóc tốt, đó là nhờ công
nuôi dạy của các cô giáo đã giúp con em chúng tôi biết đọc viết, lại còn cho
các cháu quần áo để mặc, chăn ấm để nằm. Chúng tôi biết ơn các cô nhiều lắm”.
Một lớp học của các em câm điếc tại Trung tâm hỗ trợ phát triển
giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông. Ảnh: TTXVN
|
Nỗ lực vượt khó giúp trẻ khuyết tật hòa nhập
Sau 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục
hòa nhập tỉnh Đắk Nông (Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông) đã trở thành ngôi nhà thứ 2
của 35 em học sinh khuyết tật. Các thầy cô ở trung tâm luôn nỗ lực khắc phục
khó khăn để dạy dỗ, hướng dẫn các em học sinh khuyết tật từng bước hòa nhập cuộc
sống.
Cô H Giôn (dân tộc M’Nông)-một giáo viên tại trung tâm chia sẻ, gắn
bó với trung tâm, giảng dạy trẻ khuyết tật đồng nghĩa với việc các thầy cô phải
dõi theo các em cả ngày chứ không chỉ riêng trong thời gian đứng lớp. Hầu hết
các em không có khả năng tự chăm sóc bản thân nên việc chăm sóc đã khó, dạy chữ
cho các em còn khó hơn.
Chị Nguyễn Thị Diễm, ngụ phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, một
phụ huynh học sinh chia sẻ, gia đình chị cảm thấy rất yên tâm khi gửi con em
vào học tại trung tâm. Dù mới đi vào hoạt động nhưng trung tâm đã được trang bị
tương đối đầy đủ các điều kiện học tập. Đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp
cũng như nhân viên đều rất tận tình đối với các em học sinh.
Được biết, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua,
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông cũng nhận được nhiều
sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Đây là nguồn động viên cả về
vật chất lẫn tinh thần để trung tâm tiếp tục phát triển. Trung tâm sẽ nâng dần
số lượng học sinh qua từng năm và dự kiến đến năm 2025 sẽ nâng tổng số học sinh
lên 150 em.
Lớp học chan chứa tình thương nơi "ngưỡng cửa tử thần”
Không bảng đen, không phấn trắng nhưng lớp học luôn đầy ắp những nụ
cười và chan chứa tình yêu thương. Đó là lớp học vô cùng đặc biệt mà cô giáo
Đinh Thị Kim Phấn đã lập ra gần 10 năm nay tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Lớp học
dành riêng cho những bệnh nhi không may mắn bị bệnh ung thư.
Các em đến với lớp học khi trên tay còn nguyên cây kim tiêm truyền,
thậm chí có em còn mang nguyên cả bình truyền dịch. Nhưng không hề gì, tất cả đều
được cô Phấn đón nhận bởi mỗi bé khi đến đây đều mang theo một khát khao cháy bỏng
về một tương lai tươi sáng hơn ở phía trước.
Say sưa vẽ những bông hoa hướng dương, bé Tống Mỹ Anh, một bệnh
nhi ung thư có "thâm niên” gần 8 năm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu cho biết,
em chỉ mong đến ngày cuối tuần để được đi học, bởi ở phòng bệnh quá ngột ngạt
và buồn chán. Ở góc khác, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn và các tình nguyện viên cần
mẫn cầm tay hướng dẫn những nét chữ đầu tiên cho các bệnh nhi lứa tuổi lên 6. Tất
cả đều say mê với các con chữ, bài toán mặc cho đớn đau, bệnh tật hành hạ, bất
chấp ngày mai đây một trong các bé có thể sẽ không bao giờ trở lại.
Nói về lý do thành lập lớp học đặc biệt này, cô giáo Đinh Thị Kim
Phấn kể, hơn 10 năm trước, sau nhiều lần làm tình nguyện viên ở Bệnh viện Ung
bướu, thương các bệnh nhi phải bầu bạn với 4 bức tường nhỏ hẹp của phòng bệnh,
thương các con phải dở dang con chữ vì bệnh tật, cô đã vào tận giường dạy chữ
cho các em. Sau khi số lượng bệnh nhi theo học ngày một nhiều thêm, Ban Giám đốc
Bệnh viện Ung bướu TPHCM quyết định dành một phòng 25 m2 trong quỹ đất ít ỏi,
chật hẹp của khoa Nhi để cô thành lập lớp học. Năm 2009, lớp học của cô giáo Phấn
đã ra đời với sự hỗ trợ từ chương trình "Ước mơ của Thúy” và từ đó đã trở thành
điểm tựa tinh thần cho các bệnh nhi ung thư vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7 mỗi
tuần.
TheoBaoChinhphu