Các đại biểu tiến hành thảo luận về những giải
pháp nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với phong
trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Toàn tỉnh có 210/210 xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ (tỷ lệ 100%), với 2.015 xóm, bản, tổ dân phố có câu lạc bộ phát triển cộng đồng với 4.692 nhóm thành viên. Tổng số cán bộ của các trung tâm toàn tỉnh là 2.513, trong đó cán bộ quản lý là 630 người, giáo viên dạy học là 1.995, giáo viên tham gia dạy nghề là 458 người.
TTHTCĐ đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tiến hành điều tra, tổng hợp nhu cầu học nghề tại tất cả các xóm, bản; liên kết với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài địa bàn để tổ chức dạy nghề theo nhu cầu. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, số người tham gia các hoạt động TTHTCĐ là gần 1,7 triệu lượt người, trong đó có 941 nghìn lượt người tham gia các chương trình học tập và huấn luyện. Công tác dạy nghề đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho lao động nông thôn được tiếp cận với khoa học kĩ thuật mới áp dụng vào sản xuất nông – lâm – nghiệp.
Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã tồn tại một số khó khăn, hạn chế, bất cập như: Người lao động chưa nhận thức, đánh giá được vai trò của học nghề để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống; một số cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện, xã nhận thức về dạy nghề cho LĐNT chưa đầy đủ; công tác khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát với thực tế; chính sách hỗ trợ cho lao động nông thôn sau học nghề chưa đồng bộ…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tiến hành thảo luận và kiến nghị giải pháp để triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với phong trào học tập suốt đời của người dân; công tác tư vấn, hỗ trợ, triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn của Trung tâm GDNN – GDTX tại các Trung tâm HTCĐ; đào tạo nghề gắn với tổ chức sản xuất việc làm cho lao động nông thôn tại TTHTCĐ…
Dương Liễu