(HBĐT) - Giờ ra chơi, dưới tán cây xanh mát rợp bóng sân trường, từng nhóm học sinh ngồi chụm đầu bên những trang sách, truyện, sưa say, thích thú. Mỗi cuốn sách là cả một thế giới rộng mở, hấp dẫn mở ra trước mắt các em. Mô hình "Thư viện xanh” đã mang đến cho học sinh trường tiểu học xã Kim Tiến (Kim Bôi) thói quen rất đáng quý, đó là đọc sách, nhờ vậy các em thêm say mê, yêu thích đến trường.


 

Giờ ra chơi, học sinh trường tiểu học xã Kim Tiến (Kim Bôi) say sưa đọc sách dưới tán cây xanh mát.

 

Ý tưởng xây dựng mô hình "Thư viện xanh” của trường tiểu học xã Kim Tiến có từ năm học 2016 - 2017. Tuy nhiên, lúc này nhà trường mới có phòng thư viện như một kho chứa sách với diện tích 54 m2, chưa có chỗ cho học sinh ngồi đọc sách. Do đó, nhà trường đã huy động nguồn đóng góp của nhân dân trong toàn xã và cán bộ, giáo viên xây dựng thêm phòng đọc với diện tích 72 m2, hoàn thành vào đầu tháng 9/2018. Đồng thời, nhà trường quan tâm mua bổ sung, huy động các nguồn lực tăng cường số lượng đầu sách cho thư viện. Trung bình mỗi năm nhà trường mua thêm khoảng 20 triệu đồng tiền sách. Hiện nay, thư viện nhà trường có gần 10.000 đầu sách, bao gồm sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, tài liệu tham khảo, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh, truyện thiếu nhi, sách đạo đức và pháp luật… đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, giải trí của giáo viên và học sinh.

Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để phát huy được hiệu quả của thư viện với khối lượng đầu sách lớn như vậy? Làm thế nào để học sinh say mê, yêu thích đọc sách? Để giải quyết vấn đề này, Ban giám hiệu nhà trường đã tìm hiểu và bắt tay vào xây dựng mô hình "Thư viện xanh”. Cô giáo Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường có khuôn viên sân khá rộng, nhiều cây xanh nên có thể sắp xếp, tu sửa, bố trí lại để xây dựng thư viện ngoài trời, thuận lợi cho việc học sinh đọc sách. Cỏ dại được thay bằng các loại hoa, cây cảnh dễ sống, dễ trồng. Dưới tán cây đặt các bộ bàn ghế xi măng được sơn màu thân thiện, bồn cây được ốp đá sạch sẽ tạo chỗ ngồi cho trẻ. Nhà trường xin các lốp xe ô tô cũ về cọ rửa, sơn màu làm bồn hoa, ghế ngồi. Dưới tán cây đặt tủ sách, cây sách thuận lợi cho học sinh tìm đọc. Tất cả việc cải tạo, sửa chữa này đều tận dụng vật liệu sẵn có, huy động ngày công của phụ huynh và cán bộ, giáo viên nhà trường.

Với sự đồng lòng, tâm huyết của nhà trường, phụ huynh, học sinh, "Thư viện xanh” của trường tiểu học Kim Tiến đã dần hình thành. Mỗi tuần nhà trường tổ chức 1 buổi hoạt động ngoài trời dưới sự quản lý của giáo viên chủ nhiệm để học sinh tham gia vào hoạt động tập thể, đặc biệt là đọc sách dưới các tán cây xanh. Trong khuôn viên sân trường hiện có 3 tủ sách và 5 kệ sách di động. Mỗi tuần các lớp sẽ có 1 tiết học đến với thư viện. Ngoài phòng đọc trong thư viện, thư viện xanh ngoài sân trường, trong mỗi lớp học đều có thư viện góc lớp với sách, truyện được luân phiên theo tuần để đảm bảo cho việc quản lý, đọc sách của giáo viên, học sinh. Sáng thứ hai hàng tuần, nhà trường tổ chức giới thiệu sách cho học sinh trong giờ chào cờ với nội dung "Mỗi tuần một cuốn sách”. Như vậy, học sinh có thể đọc sách, đọc truyện ở mọi lúc, mọi nơi, trong môi trường thoải mái, tự nhiên, thân thiện. Cách làm sáng tạo của nhà trường đã nhận được sự đồng tình mạnh mẽ từ phụ huynh, đặc biệt là niềm vui, sự yêu thích của học sinh, hình thành cho các em thói quen đọc sách.

Đánh giá về mô hình "Thư viện xanh” của trường tiểu học xã Kim Tiến, đồng chí Đinh Thanh Tùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi cho biết: Tuy là trường thuộc xã vùng 135 nhưng trường tiểu học Kim Tiến là một trong những điển hình khắc phục khó khăn vươn lên xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất của ngành Giáo dục huyện. Đây cũng là một trong những nhà trường thực hiện tốt việc xã hội hóa giáo dục, huy động sức dân chung tay hoàn thiện các hạng mục của nhà trường nói chung, thư viện nói riêng. Mô hình "Thư viện xanh” của nhà trường là một trong những mô hình thư viện xuất sắc, tiêu biểu, hiệu quả của giáo dục huyện Kim Bôi và đang từng bước được triển khai nhân rộng ra các trường khác trên địa bàn huyện. Mô hình đã cụ thể hóa việc đổi mới giáo dục, xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Dương Liễu

 

Các tin khác


Quảng Bình: Tạm đình chỉ công tác giáo viên tát học sinh nhập viện

Liên quan đến vụ việc giáo viên tát học sinh nghi gây chấn động não ở Trường Tiểu học Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), sáng ngày 8/1, Ủy ban Nhân dân huyện Lệ Thủy đã tổ chức cuộc họp và quyết định tạm đình chỉ với cô giáo Lê Thị Hải - giáo viên gây ra vụ việc, để điều tra làm rõ.

Đại diện Bộ GDĐT tiết lộ độ khó trong đề thi thật THPT quốc gia 2019

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), mức độ khó-dễ trong đề thi thật THPT quốc gia 2019 về căn bản sẽ như tinh thần đề tham khảo mà Bộ đã công bố. Học sinh yên tâm bám theo đề thi tham khảo để ôn tập.

Tặng 400 bộ bàn ghế mới cho trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ

(HBĐT) - Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ hiện có 45 lớp với 1.409 học sinh. Tuy nhiên cơ sở vật chất nhà trường đã có dấu hiệu bị xuống cấp, không đồng bộ. Hiện nay mới chỉ có 15/45 lớp được trang bị số bàn ghế đạt tiêu chuẩn; 30/45 lớp học còn lại phải sử dụng bàn ghế sửa đi, sửa lại nhiều lần, bị cong vênh, mối mọt, không đảm bảo yêu cầu.

Điều tra hiệu trưởng bớt xén tiền hỗ trợ học sinh nghèo

Sáng 3-1, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc Lê Xuân Quý cho biết, UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo Thanh tra huyện và Công an huyện vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ việc Hiệu trưởng Trường tiểu học Yang Hăn, xã Cư Đrăm, Vũ Thị Sơn có dấu hiệu "bớt xén” 135 triệu đồng tiền hỗ trợ học sinh nghèo, vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/NĐ-CP. Vụ việc đang gây bức xúc cho phụ huynh và học sinh ở địa phương vùng sâu này.

TP HCM: Hiệu trưởng cố tình quên phụ cấp ưu đãi của hàng loạt giáo viên

Ít nhất có gần 50 giáo viên nghỉ chế độ thai sản ở quận 4 - TP HCM bị hiệu trưởng cố tình quên tiền phụ cấp ưu đãi.

Trao sự tự tin cho học sinh trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

(HBĐT) - Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 cho thấy, có 7.135/7.646 bài thi môn tiếng Anh (chiếm hơn 93%) của học sinh tỉnh ta đạt điểm thi dưới trung bình. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ là yêu cầu đặc biệt cần thiết đối với ngành GD&ĐT hiện nay, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng, chuyển mình theo Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục