Trường tiểu học xã Yên Bồng (Lạc Thủy) được đầu tư cơ sở vật chất, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để đề nghị công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia.
Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất nhà trường, đồng chí Nguyễn Thanh Loan, Phó hiệu trưởng trường tiểu học xã Yên Bồng cho biết: Nhà trường hiện có 14 lớp với 364 học sinh, được công nhận đạt chuẩn quốc gia lần 2 vào năm học 2012 - 2013. Năm học 2016 – 2017, cơ sở vật chất của nhà trường bị thiệt hại nặng nề do lũ bão. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành GD&ĐT, nhất là nhân dân địa phương đã kịp thời sửa chữa, xây dựng lại cơ sở vật chất. Hiện nhà trường đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để đề nghị công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia.
Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT huyện, tiến độ xây dựng cơ sở vật chất tại các xã còn chậm, toàn huyện mới có 23/35 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia (chiếm 65%). Trong đó, bậc mầm non có 8/13 trường, tiểu học có 8/8 trường, THCS có 5/7 trường đạt chuẩn. Đối với trường liên cấp sau sáp nhập là TH&THCS mới có 2/7 trường. Hiện, 15/15 xã, thị trấn trên toàn huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 100% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp THPT, bổ túc và trung cấp đạt 98%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt 36%. Có 7/13 xã hoàn thành cả tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14 trong xây dựng nông thôn mới (chiếm 53,84%).
Mục tiêu đặt ra trong năm 2019, toàn huyện có 28/35 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 80%), trong đó có 10/13 trường mầm non, 8/8 trường tiểu học, 6/7 trường THCS và 4/7 trường TH&THCS. Tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập và xóa mù chữ, giữ vững tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học, tỷ lệ lao động qua đào tạo. Ngành GD&ĐT cùng tập trung để đưa 3 xã: An Bình, An Lạc, Khoan Dụ về đích nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạc Thủy cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các phong trào thi đua nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và người dân về công tác xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí thuộc lĩnh vực GD&ĐT. Phòng yêu cầu các nhà trường đưa vào chương trình công tác các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới thuộc trường phụ trách. Đồng thời tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy hoạch trường chuẩn quốc gia và theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tranh thủ các nguồn vốn của T.Ư, tỉnh và địa phương, tổ chức phi chính phủ, huy động kinh phí từ nhân dân, các tổ chức CT - XH để tăng nguồn lực xây dựng trường học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Huyện sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn đối với những đơn vị có tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở mức độ thấp. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc huy động và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo hướng tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.
Dương Liễu
(HBĐT) - Sau 10 năm thành lập, Trường Mầm non tư thục Sao Mai do Công ty Cổ phần Điện tử - Viễn thông Thành Biên đầu tư xây dựng đã khẳng định được uy tín và chất lượng đối với việc chăm sóc, giáo dục trẻ bậc mầm non. Trong quá trình phát triển và trưởng thành, nhà trường đã và đang kiên trì đi theo con đường để hoàn thành sứ mệnh của mình: đem đến không gian học tập và phát triển tri thức cũng như thể chất lý tưởng cho học sinh, nơi các con hứng thú đón nhận tri thức mới và phát triển kỹ năng một cách toàn diện nhất, nơi mà các bậc phụ huynh tin tưởng và hài lòng khi gửi gắm con em mình, nơi đó là ”vườn ươm tài năng tuổi thơ”.