Đồng chí Bùi Trọng Đắc, TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT trò chuyện, động viên học sinh trường PTDTNT THCS & THPT Kim Bôi.
Từ sự quan tâm, chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành GD&ĐT, sự vun vén của những tổ chức xã hội, nhà hảo tâm, giờ đây cơ sở vật chất, môi trường giáo dục các trường DTNT trên địa bàn tỉnh dần hoàn thiện, là ngôi nhà thứ 2 đầy ấm áp, yêu thương của hàng nghìn học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 13 trường PT DTNT với 126 lớp, hơn 3.600 học sinh, trong đó 9/13 trường đã đạt chuẩn quốc gia và 14 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT).
Trò chuyện với chúng tôi, Bùi Thị Thương (học sinh lớp 10, trường PT DTNT THCS&THPT huyện Đà Bắc) cho biết: Em học nội trú, xa nhà từ năm lớp 6. Sau 5 năm gắn bó, ngôi trường đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của chúng em. Các thầy, cô là những người cha, người mẹ dạy dỗ, chỉ bảo chúng em không chỉ học kiến thức mà còn cả nếp ăn, nếp ở trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.
Dân tộc nội trú, bán trú là mô hình trường học phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh ta nhằm tạo điều kiện tối đa cho học sinh người dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được đến trường học chữ, học làm người. Những năm gần đây, đánh dấu sự phát triển, lớn mạnh của các trường DTNT khi có nhiều trường PT DTNT THCS ở các huyện như: Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Sơn… có thêm hệ THPT, trở thành trường PT DTNT THCS&THPT.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lưu Mạnh Cường, Hiệu trưởng trường PT DTNT THCS& THPT Kim Bôi cho biết: Nhà trường hiện có 10 lớp với 284 học sinh. Bậc THPT có 1 lớp 10, 1 lớp 11, mỗi lớp 30 em. 100% cán bộ, giáo viên trình độ đạt chuẩn, 40% vượt chuẩn. Nhà trường có 30 phòng ký túc xá, khoảng 98% học sinh ở nội trú, bếp ăn đảm bảo vệ sinh ATTP. Từ năm học 2016 – 2017, nhà trường có thêm bậc THPT, chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao. Nhân dân tin tưởng vào chất lượng đào tạo bậc THPT nên nhiều phụ huynh lựa chọn cho con tiếp tục học THPT tại trường sau khi hoàn thành bậc THCS.
Hoạt động "Tết sum vầy” được tổ chức tại trường PTDTNT THCS & THPT Đà Bắc, góp phần mang đến cho thầy, trò nhà trường cái Tết ấm áp.
Cùng với phát triển quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo các trường DTNT, tỉnh ta luôn quan tâm chuyển đổi các trường vùng đặc biệt khó khăn thành trường PTDTBT, qua đó trao thêm cơ hội học chữ cho con em đồng bào dân tộc vùng khó khăn. Gần nhất là ngày 1/8/2018, trường TH& THCS Tân Mai (xã Tân Mai, huyện Mai Châu) chính thức được chuyển đổi thành trường PTDTBT. Đồng chí Mai Đức Duy, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi: Tân Mai là xã vùng đặc biệt khó khăn, giao thông trắc trở, tỷ lệ hộ nghèo cao nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của địa phương. Do đó, trường được chuyển đổi thành trường DTBT, đáp ứng sự mong mỏi của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường và nhất là phụ huynh, học sinh. Sau khi chuyển đổi, nhà trường được đầu tư sửa chữa, nâng cấp phòng học, phòng ở bán trú, bếp ăn. Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện, năm 2019, nhà trường sẽ được đầu tư gần 20 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất.
Đặc biệt, với tính chất đặc thù là nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập của học sinh dân tộc thiểu số nên các trường PT DTNT trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư, động viên đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương. Đồng chí Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm học 2018 - 2019, tổng mức đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường DTNT trên địa bàn toàn tỉnh gần 50 tỷ đồng. Các nhà trường tùy theo tình hình thực tế sẽ được đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà đa năng, bếp ăn và đặc biệt là xây thêm phòng học cho các trường có thêm khối THPT. Ví dụ như trường PT DTNT THCS& THPT Kim Bôi được đầu tư trên 5 tỷ đồng xây dựng thêm phòng học. Sở cũng đặc biệt quan tâm phối hợp với các ngành, chỉ đạo các đơn vị, nhà trường thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc, học sinh vùng KT - XH đặc biệt khó khăn. Theo đó, năm 2018 đã thực hiện đúng, đủ chế độ cho học sinh các trường DTNT với tổng số tiền hơn 52 tỷ đồng; thực hiện chế độ, chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn ở bậc THPT với hơn 5.100 học sinh được hưởng với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Sở GD&ĐT cũng quan tâm chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác quản lý giáo dục dân tộc, xây dựng môi trường giáo dục tại các trường DTNT đảm bảo tính sư phạm, đạo đức, chuẩn mực; giáo dục học sinh cả kiến thức và kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho các em.
Sự hoàn thiện về cơ sở vật chất, bộ máy và đặc biệt là chất lượng giáo dục được nâng cao đã dần khẳng định "thương hiệu” của các trường PT DTNT. Trường PT DTNT THPT tỉnh – cánh chim đầu đàn trong khối các trường PT DTNT trên địa bàn tỉnh chính là minh họa rõ nét nhất cho điều này. Thạc sỹ Quách Thắng Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi chủ trương xây dựng trường nội trú trở thành ngôi nhà thứ 2 của học sinh. Đến trường, các em được ăn, ở, sinh hoạt đầy đủ; được rèn giũa nề nếp quy củ; được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích để nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, có thêm sự tự tin. Đặc biệt, nhà trường thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Liên tục từ năm học 2012 - 2013 đến nay, trung bình mỗi năm nhà trường có trên 100 học sinh giỏi cấp tỉnh. Tính đến hết năm học 2017 – 2018, trường PT DTNT THPT tỉnh có 14 học sinh giỏi quốc gia. Gần đây nhất, trong Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Hòa Bình vào đầu tháng 12/2018, trường xuất sắc đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì. Nhà trường quyết tâm xây dựng Trường PT DTNT THPT tỉnh trở thành trường DTNT chất lượng cao, cung cấp cho địa phương nguồi nhân lực là người dân tộc thiểu số chất lượng. Đồng thời khẳng định vị thế, sự đúng đắn, phù hợp, cần thiết của loại hình nhà trường DTNT. Trước Tết Nguyên đán, nhà trường đã rà soát, thực hiện đúng, đủ, kịp thời việc chi trả học bổng cho học sinh và các chế độ liên quan theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 109/2009/ TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính - Bộ GD&ĐT về "chế độ tài chính đối với học sinh các trường PT DTNT".
Dương Liễu