Lần đầu tiên môn thể dục (tên gọi mới là giáo dục thể chất) có sách giáo khoa dành cho học sinh khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này phải chăng nhằm để nâng cao chất lượng môn học?


Chương trình giáo dục phổ thông mới môn giáo dục thể chất sẽ có sách giáo khoa cho học sinh

Môn học nào cũng phải... có SGK ?

Sau khi Báo Thanh Niên đăng thông tin về kết quả sau 2 vòng thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có SGK giáo dục thể chất, một số chuyên gia giáo dục và cả phụ huynh đã đặt câu hỏi sao lại có SGK giáo dục thể chất?

Một chuyên gia giấu tên bày tỏ: "Không hiểu sao môn giáo dục thể chất lại tổ chức thành SGK, chuyện chưa từng có nên tôi rất lăn tăn”. Theo chuyên gia này, các môn như thể dục hay hoạt động trải nghiệm chỉ nên thiết kế là tài liệu hướng dẫn dạy học, dành cho giáo viên (GV) để tổ chức việc dạy học cho học sinh (HS). "Các môn này mà cũng có sách sẽ tăng chi phí cho gia đình và xã hội không cần thiết. Môn học này là hoạt động trải nghiệm, nhất là các cháu lớp 1 mới có 6 - 7 tuổi thì sao cần có SGK?”, chuyên gia này đặt vấn đề.

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, khẳng định: "Khi thiết kế chương trình, chúng tôi có hình dung có sách cho cả HS thay vì chỉ có sách cho GV như chương trình hiện hành. Bởi vì HS phải có sách để học như hướng dẫn các động tác, có thể tự học… Chưa kể HS có quyền lựa chọn những bộ môn thể dục thể thao ưa thích nên trong SGK sẽ giới thiệu nhiều bộ môn thể dục. Chương trình thiết kế là có, nhưng các nhà xuất bản viết sách cho các môn này hay không là quyền của họ”.

Ông Đặng Ngọc Quang, Chủ biên chương trình môn giáo dục thể chất, cũng cho rằng việc có SGK môn thể dục là điều đương nhiên khi đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, lấy HS là trung tâm. Theo đó, chương trình môn học là chương trình khung nên không thể chi tiết tới nội dung chi tiết, do vậy tất cả các môn phải có SGK để cụ thể hóa chương trình đó và làm tài liệu học tập cho HS. Giáo dục thể chất lâu nay đã đưa vào môn học chính khóa, bắt buộc, nhưng chưa được coi trọng đúng mức, chỉ có sách GV. Lần đổi mới này đã xác định lại tầm quan trọng của môn học nên buộc HS phải có tài liệu để nghiên cứu. "Tôi cho là hoàn toàn đúng. Không thể nói là môn này có, môn kia không có sách. Đây là môn học chính khóa cho toàn bộ cấp học thì không thể không có SGK. Trước đây không có sách là vì cách làm không đúng. Không thể để môn thể dục bất hợp lý như chương trình hiện hành và trước đây khi HS đến lớp không có tài liệu học tập trong tay, phụ huynh cũng không biết con mình học gì”, ông Quang nói.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho rằng chương trình mới sẽ buộc phải có SGK theo đúng quy định và bình đẳng với các môn học khác. Còn việc HS phụ huynh có mua SGK thể dục hay không sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người học.

Có cải thiện được chất lượng của môn học ?

Bản thân ông Quang cũng tham gia viết SGK giáo dục thể chất, ông cho biết sách sẽ cụ thể hóa chương trình, có phần lý thuyết và phần thực hành với rất nhiều hình ảnh để HS làm theo...

Một GV dạy thể dục ở Hà Nội cho biết trước nay việc dạy học thể dục chỉ có tài liệu hướng dẫn GV chứ không có SGK, nhưng cái làm cho HS chán và sợ học thể dục là do điều kiện dạy học. Để dạy, học tốt môn thể dục không phải có sách hay không mà là phải có sân chơi bãi tập, dành thời gian, tạo điều kiện cho HS lựa chọn các bộ môn thể dục thể thao phù hợp với sở thích và sức khỏe của mình.

Đây cũng là ý kiến của nhiều GV và HS khi cho rằng các trường chưa coi trọng cả cơ sở vật chất lẫn thời gian dành cho môn học này.

Trong khi đó ông Đặng Ngọc Quang cho rằng thiết kế chương trình mới theo hướng có nhiều lựa chọn cho nhà trường và HS. Các trường căn cứ vào điều kiện sân tập, dụng cụ, trang thiết bị dạy học, vào đội ngũ GV, vào đặc điểm khí hậu và đặc thù phong trào thể thao theo vùng miền để lựa chọn các môn phù hợp đưa vào chương trình giảng dạy. Trên cơ sở các môn thể thao nhà trường lựa chọn, HS được lựa chọn môn thể thao phù hợp với năng khiếu, sở thích của bản thân để học tập.


Theo Báo Thanh Niên

Các tin khác


Tổng kết Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp THCS 

Ngày 16/3, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp THCS tỉnh Hòa Bình năm học 2023 - 2024.

Lắng nghe ý kiến của nhà giáo

Giáo viên cơ bản đồng tình nhưng bày tỏ còn băn khoăn với Dự thảo Thông tư Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV.

Thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển từ 10 đến 30/7

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, công tác tuyển sinh 2024 cơ bản ổn định như những năm trước. Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tuyển sinh và rút ngắn thời gian xét tuyển đợt 1.

Phát triển hệ thống bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục với giáo dục ĐH, CĐSP năm 2024, 2025.

Trường mầm non Hợp Đồng thi đua dạy tốt, học tốt

Có dịp thăm Trường mầm non Hợp Đồng, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) đúng ngày nhà trường tổ chức chuyên đề "Cho trẻ làm quen với tiếng Anh thông qua hoạt động trải nghiệm”, chúng tôi được hòa vào không khí học tập sôi nổi của cô và trò nhà trường. Cùng với cơ sở vật chất khang trang, điều kiện dạy và học được đảm bảo, nhà trường còn có đội ngũ cán bộ, giáo viên tâm huyết, hết lòng vì con trẻ.

Xã Cun Pheo lan tỏa phong trào khuyến học

Xác định công tác khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục; cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Hội Khuyến học xã Cun Pheo (Mai Châu) tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập thông qua những mô hình, việc làm thiết thực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục