Lãnh đạo lĩnh vực giáo dục tiểu học các thời kỳ đã chỉ ra rằng, quy định 'học vượt lớp' đã có từ lâu nhưng trên thực tế chưa có trường hợp học sinh nào được vượt lớp dù có nổi trội về năng lực.


Nhiều đề xuất cho học sinh tiểu học không chỉ được vượt lớp trong cấp học mà còn vượt môn

Trong khi đó, cùng với việc tiếp tục đưa quy định học vượt lớp vào dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng quy định này sẽ đi vào cuộc sống khi thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, với những căn cứ rõ ràng hơn.
Không ai đề xuất

Điều lệ trường tiểu học hiện hành (ban hành từ năm 2010) đã có quy định về việc cho phép học sinh (HS) có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Tuy nhiên, từ khi quy định trên có hiệu lực đến nay, không ghi nhận trường hợp HS nào được học vượt lớp.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, người có hàng chục năm phụ trách về lĩnh vực giáo dục tiểu học, cho biết từ khi có quy định đến nay, Hà Nội chưa có trường hợp HS tiểu học nào học vượt lớp.

"Chỉ có phụ huynh xin cho con đi học lớp 1 trước tuổi (6 tuổi) thì có, nhưng vì không có quy định nào cho phép nên không giải quyết. Việc học vượt lớp và học trước tuổi vào lớp 1 là khác nhau”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, việc không có trường hợp HS nào học vượt lớp trong suốt 10 năm qua trước hết có thể là do phụ huynh không đề xuất. Theo quy trình thì gia đình phải có đơn đề xuất, sau đó các trường mới thành lập hội đồng xem xét, quyết định. Dù thẩm quyền là của nhà trường nhưng với các trường hợp đặc biệt như vậy thì bao giờ các trường cũng sẽ phải báo cáo ngành GD-ĐT cấp phòng, cấp sở.

"Quy định học vượt lớp rất cần thiết và phù hợp. Chỉ có điều, khi có quy định rồi thì cần có hướng dẫn cụ thể và tuyên truyền rộng rãi để người dân biết, và nếu có nhu cầu thì đề xuất với nhà trường”, ông Tiến nói.

Ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng khi xây dựng Điều lệ trường tiểu học và đưa quy định này vào là vì Bộ GD-ĐT và cá nhân ông thấy quy định đó hoàn toàn cần thiết. Theo ông Thành, ở các cuộc thi đỉnh cao như HS giỏi quốc gia, thi Olympic quốc tế nhiều năm qua đã cho thấy, HS lớp 11 nhưng đi thi cùng với HS lớp 12 đã giành giải cao, thậm chí là huy chương vàng quốc tế. Các nước cũng ghi nhận những trường hợp HS 12 tuổi đã vào đại học. "Nếu không có quy định và khuyến khích học vượt lớp thì làm sao có những trường hợp như vậy”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết ở nước ta từ khi có quy định này và trong suốt thời gian ông còn đương chức, cũng không có bất cứ địa phương nào báo cáo về việc có HS được xem xét cho đặc cách học vượt lớp.


Ông Thành cho rằng có thể do tâm lý chung của các cơ sở là vẫn còn "rón rén”, sợ bị soi xét, vì cứ có trường hợp gì đặc cách, bất thường là bàn tán xôn xao, nên chính phụ huynh và các trường cũng chọn cách làm an toàn, bình thường, không "dám” đề xuất cho con mình hoặc HS của mình được đặc cách học vượt lớp.

Học vượt lớp theo từng môn học cụ thể

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội, người có gần 30 năm giảng dạy và công tác quản lý ở môi trường tiểu học, cho rằng năm học nào cũng có những HS đặc biệt, có HS nổi trội toàn diện nhưng rất cá biệt.

Tuy nhiên, có những trường hợp nổi trội thực sự ở một số môn, một số lĩnh vực. Ví dụ rất dễ thấy là môn tiếng Anh, do năng lực ngoại ngữ của các em cộng với việc các em được học ngoại ngữ từ sớm, nên khi vào lớp 1 thì có em đã đạt trình độ tiếng Anh tương đương với HS lớp 3, lớp 5, thậm chí là cao hơn; với môn tiếng Việt cũng có trường hợp như vậy. Do đó, nếu cứ bắt những HS này học làm quen với bảng chữ cái như các bạn khác thì rõ ràng các em sẽ rất chán nản, thiếu động lực học tập... Do vậy, hiệu trưởng đề nghị không chỉ cho phép học vượt lớp mà cần vượt lớp theo từng môn học cụ thể, để tránh việc HS có năng lực vượt trội, đặc biệt ở môn học nào đó không phải mất quá nhiều thời gian để học lại những kiến thức đã biết rất rõ rồi.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ ông hoàn toàn ủng hộ việc cho phép HS học vượt lớp, không chỉ áp dụng ở cấp tiểu học mà tất cả cấp học phổ thông.

Lấy ví dụ từ chính trường hợp cháu mình đang học tiểu học ở Mỹ, ông Ân cho biết cháu là một trong số 4 - 5 HS lớp 4 của trường được học vượt lớp theo chương trình lớp 5. Tuy nhiên, có trường hợp thì học vượt lớp theo lớp nhưng có những trường hợp học vượt theo từng môn học mà HS đó nổi trội hơn hẳn. Ví dụ, trường hợp của cháu ông là môn toán. Nếu cứ bắt học cùng HS lớp 4 thì cháu sẽ rất nhàm chán, nhưng được học phù hợp với khả năng khi vượt lớp nên rất hào hứng.

Tuy nhiên, ông Ân cho rằng quy định chung đã có rồi nhưng Bộ GD-ĐT cần có những văn bản "dưới luật” hướng dẫn chi tiết như là quy chế để các cơ sở giáo dục có căn cứ rõ ràng, chi tiết để thực hiện. Việc tuyên truyền cũng cần làm tốt hơn để người dân được tiếp cận, để chủ động đề xuất với nhà trường khi thấy con em mình có khả năng nổi trội. "Tôi tin rằng trường nào cũng có HS xứng đáng được học vượt lớp”, ông Ân nói.

Theo Báo Thanh Niên

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục