(HBĐT) - Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 - 31/5/2020, ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2020 được triển khai với chủ đề: "Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học.


Giáo viên trường THCS Yên Trị (Yên Thủy) cảnh báo về tác hại của thuốc lá cho học sinh. 

Trường THCS Yên Trị (Yên Thủy) là một trong những nhà trường thường xuyên tổ chức những tiết sinh hoạt ngoại khóa với nhiều chủ đề thiết thực, bổ ích, trong đó có nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thầy giáo Đinh Ngọc Kiên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các em rất tò mò, dễ bắt chước, làm theo mà không lường trước được những tác hại nguy hiểm. Các em cũng chưa hiểu rằng, học đòi hút thuốc lá rồi sẽ thành thói quen, thành nghiện thuốc lá, khó bỏ, hậu quả là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các em và những người xung quanh. Do đó, ngoài việc có biển cấm hút thuốc lá khắp các phòng học, trong khuôn viên, nhà trường luôn chú trọng tuyên truyền đến học sinh, nhất là học sinh nam về tác hại của thuốc lá. 

Truyền thông là giải pháp hữu hiệu hàng đầu ngành Giáo dục đang triển khai để ngăn chặn thuốc lá xâm nhập học đường, giữ gìn môi trường sư phạm không khói thuốc. Từ cuối năm 2019 đến nay, một số trường như THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình)... đã tổ chức các buổi truyền thông chuyên đề về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, với sự tham gia của cán bộ, giáo viên, học sinh toàn trường. Đồng chí Tăng Văn Quang, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ cho biết: Tại buổi truyền thông, cán bộ, giáo viên nhà trường được tiếp cận với những thông tin đáng báo động về tình trạng hút thuốc lá, ảnh hưởng của thuốc lá tại nước ta. Đặc biệt là việc tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đang gia tăng, tuổi bắt đầu hút thuốc cũng ngày càng trẻ hóa. Ngoài ra, học sinh cũng thường xuyên bị ảnh hưởng thụ động bởi khói thuốc lá tại nhà và nơi công cộng. Qua truyền thông, cán bộ, học sinh nhà trường ý thức được việc thực hiện trường học không khói thuốc giúp học sinh, giáo viên đảm bảo quyền được hít thở bầu không khí trong lành, tránh khỏi các tác hại nguy hiểm của khói thuốc. Hiện nay, nhà trường chưa phát hiện học sinh nào sử dụng thuốc lá.

Trong những năm qua, ngành GD&ĐT đã tích cực triển khai nhiều hoạt động về công tác giáo dục sức khỏe, xây dựng môi trường lành mạnh, xanh - sạch - đẹp, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong nhà trường, đặc biệt là các hoạt động nhằm ngăn chặn, phòng ngừa yếu tố nguy cơ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, trong đó có thuốc lá và lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn. Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, các nhà trường đã tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá, quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên tại đơn vị. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại cơ sở giáo dục, nơi làm việc, quyền của người không hút thuốc lá, trách nhiệm của người hút thuốc lá.

Đặc biệt là tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong các cơ quan quản lý giáo dục, phạm vi khuôn viên các cơ sở giáo dục. Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng hàng năm đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên. Tăng cường công tác kiểm tra, nghiêm cấm việc mua bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, hình ảnh liên quan đến thuốc lá tại các đơn vị, trường học, hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng đơn vị, trường học.


Dương Liễu

Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục