(HBĐT) - "Cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, chăm sóc trẻ, công tác phòng, chống bạo hành (PCBH) trẻ trong các cơ sở GDMN luôn được các cấp và ngành Giáo dục tỉnh đặc biệt quan tâm. Mục tiêu được chúng tôi đặt ra là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ trong các cở sở GDMN”. Đồng chí Nguyễn Minh Thắng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GDMN (Sở GD&ĐT) nhấn mạnh.
100% các lớp học thuộc trường Mầm non tư thục Sao Mai (TP Hòa Bình) lắp đặt hệ thống camera giám sát.
"Trên địa bàn TP Hòa Bình hiện có 32 trường mầm non (có 4 trường mầm non tư thục), 29 cơ sở mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Để đảm bảo ANTT cũng như quản lý dạy và học, 25/32 trường đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát. Trong đó, 21 trường công lập lắp camera an ninh ở cổng, hành lang, bếp…, 4 trường tư thục lắp trong các lớp và xung quanh khuôn viên nhà trường. Một số cơ sở mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục có lắp camera giám sát. Đây cũng là một trong những giải pháp phòng, chống bạo hành trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) đã được triển khai hiệu quả thời gian qua”. Đó là chia sẻ của đồng chí Đỗ Thị Hệ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Hòa Bình về các giải pháp đã được thành phố triển khai để PCBH trẻ trong các cơ sở GDMN.
Cùng với TP Hòa Bình, một số trường mầm non trên địa bàn các huyện: Tân Lạc, Lương Sơn… cũng lắp hệ thống camera giám sát. Qua tìm hiểu, tại các trường công lập, tùy điều kiện thực tế, nhà trường sẽ sử dụng kinh phí chi thường xuyên để lắp đặt. Tại các trường mầm non tư thục, cơ sở mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, việc lắp đặt do chủ cơ sở chủ động thực hiện, hoặc do yêu cầu, đề xuất của phụ huynh.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT, sau khi tiến hành sáp nhập, tính đến tháng 5/2020, toàn tỉnh có 222 trường mầm non (7 trường mầm non tư thục), tổng số 61.720 học sinh, gần 8.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp hiện đạt 42,8%; trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 98,1%. Đồng chí Nguyễn Minh Thắng cho biết: Hiện nay, Sở đang tổ chức rà soát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn, công tác PCBH trẻ trong các cơ sở GDMN. Hướng dẫn các cơ sở GDMN thực hiện quy định về đảm bảo an toàn, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trong công tác PCBH trẻ.
Sở GD&ĐT đang xúc tiến việc tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý các cơ sở GDMN thực hiện quy định đảm bảo an toàn, PCBH trẻ trong các cơ sở GDMN, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đánh giá, lựa chọn, tuyên truyền, tôn vinh, có biện pháp nhân rộng những điển hình trong công tác đảm bảo an toàn và PCBH trẻ trong cơ sở GDMN. Các Phòng GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn, công tác PCBH trẻ tại các cơ sở GDMN. Phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy định về đảm bảo an toàn, PCBH trẻ ở các nhóm lớp độc lập tư thục, hỗ trợ những cơ sở này trong việc thực hiện các quy định, xử lý theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những trường hợp vi phạm. Yêu cầu các cơ sở GDMN phải có kế hoạch PCBH, các biện pháp cụ thể về việc phòng ngừa, hỗ trợ trẻ có nguy cơ bị bạo hành; biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo hành theo quy định. Đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tập huấn các kỹ năng PCBH trẻ ngay sau khi dự tập huấn do Phòng GD&ĐT tổ chức triển khai. Xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học, thiết lập đường dây nóng trong PCBH trẻ. Lãnh đạo cơ sở GDMN chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra bạo hành trẻ.
Dương Liễu