Giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Lạc dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho người lao động xã Nhân Mỹ.
Tại nhà văn hóa xóm Cò, xã Nhân Mỹ, 22 học viên là người lao động của xã được giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp theo phương thức học tới đâu thực hành tới đó, với các loại máy cày, bừa, cắt cỏ, bơm nước… Đây là những loại máy thông dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp của người nông dân, nhưng trước đây họ chỉ biết sử dụng máy, khi hỏng phải mang ra trung tâm huyện để sửa chữa. Sau 3 tháng học, các học viên được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp, có thể sửa chữa các loại máy móc thông dụng cho gia đình và giúp đỡ bà con hàng xóm.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT, huyện đã đề ra những giải pháp cụ thể, trong đó coi trọng việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT. Đồng thời, điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT; định kỳ hàng năm rà soát, cập nhật, bổ sung, đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT...
10 năm qua, huyện đã mở 130 lớp dạy nghề cho trên 3.400 LĐNT. Trong đó, có 60 lớp dạy nghề nông nghiệp cho trên 1.600 lao động, 70 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho trên 1.700 lao động. Các lớp dạy nghề đã bám sát nhu cầu thực tế, lồng ghép giữa lý thuyết với thực hành trong từng mô hình sản xuất để người học dễ dàng áp dụng, tự tạo việc làm mang lại hiệu quả rõ nét. Ngoài được hỗ trợ chi phí học nghề, LĐNT thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo quy định. Sau đào tạo, số lao động có việc làm chiếm 80% số người học nghề.
Sau học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, đem lại thu nhập cao như: chăn nuôi gà thả vườn, trồng rau sạch, trồng cây có múi. Một số nghề phi nông nghiệp tạo việc làm ổn định cho người lao động như: may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp…
Đồng chí Vương Thị Tú Oanh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Trong thời gian thực hiện đề án, cái được lớn nhất là người lao động đã thay đổi nhận thức. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây, phần lớn trong số họ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất - kinh doanh nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, chương trình đào tạo nghề... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ nhiều nghề mới cho thu nhập khá, mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng cao hơn trước. Trong thời gian tới, huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức CT-XH về vai trò của đào tạo nghề cho LĐNT. Tiếp tục thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp gắn với việc làm, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
Đinh Thắng