Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 cho phép các cơ sở GDNN được dạy văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả đều phải chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy văn hóa trong các trường nghề.


Đào tạo hệ 9+: Mòn mỏi chờ hướng dẫn từ Bộ GDĐT - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Học viên trường nghề được đào tạo nghề và học văn hóa để lấy song bằng. Các em được miễn giảm học phí theo chính sách của Chính phủ (Ảnh: Đình Cường).

Vai trò rất lớn từ mô hình 9+

Trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh, chính sách đào tạo nghề cho học sinh hệ 9+ là rất phù hợp với thực tế.

Có nhiều em tốt nghiệp THCS ở các vùng nông thôn, hoàn cảnh khó khăn, không có nguyện vọng vào trường công mà được lựa chọn song song học nghề và học văn hóa. Các em được miễn giảm học phí theo chính sách của Chính phủ.

Điểm tích cực của hình thức đào tạo này là rút ngắn được thời gian đào tạo cho người học. Nếu học hết 3 năm THPT, học tiếp 3 năm cao đẳng mới có thể ra nghề.

Với các em theo hệ 9+, sau 3 năm được cấp bằng trung cấp nghề và THPT để có thể đi làm ngay. Muốn lấy bằng cao đẳng cần học thêm 1,5 năm nữa.

Học sinh học nghề ở trường nghề sẽ thuận lợi hơn vì được đầu tư trang thiết bị để dạy nghề. Các trung tâm GDTX chỉ là nơi dạy văn hóa cấp THPT và đào tạo theo chương trình GDTX chứ không đào tạo nghề.

Hiện tại, trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội tuyển hơn 400 học sinh hệ 9+, trong đó có gần 20 em là học sinh khuyết tật của trường Phổ thông Xã Đàn.

Tại đây, các em chủ yếu chọn học nghề Tin học văn phòng, Thiết kế đồ họa. Những em đã có thiên hướng học nghề, khả năng tiếp thu kiến thức và kỹ năng nghề rất nhanh so với học văn hóa.

"Nhà trường đã vận động, hỏi ý kiến từ phụ huynh về việc cho học sinh hệ 9+ học văn hóa tại trung tâm GDTX. Phụ huynh cho rằng, nếu sau này các em không thi được tốt nghiệp THPT thì chỉ cần xác nhận đã hoàn thành chương trình THPT.

Mục tiêu chính của các em là bằng nghề và có nghề trong tay. Chính sách đào tạo hệ 9+ đang được triển khai đúng hướng và được phụ huynh học sinh rất ủng hộ", vị nữ hiệu trưởng nói.

Đào tạo hệ 9+: Mòn mỏi chờ hướng dẫn từ Bộ GDĐT - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội

Bà Hường cho biết, hiện tại, giáo viên của các trung tâm GDTX quận Tây Hồ và quận Hai Bà Trưng vẫn đang tới trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội dạy văn hóa cho học sinh hệ 9+.

Dự kiến, năm 2021 trường sẽ tuyển sinh 300 em hệ 9+. Trường thực hiện chủ trương của thành phố trong việc liên kết với các trung tâm GDTX để dạy văn hóa THPT cho các em.

Hàng năm, phối hợp với các Phòng GD&ĐT quận/huyện/thị xã trong công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề và song bằng.

Trường cũng tổ chức lịch học nghề - văn hóa cho học sinh một cách linh hoạt. Ở kỳ cuối cùng của năm thứ 3, học sinh tập trung ôn các môn văn hóa để phục vụ thi tốt nghiệp THPT.

Theo bà Hường, không thể phủ nhận vai trò của các trung tâm GDTX trong việc dạy văn hóa và chuẩn bị các bước để thi THPT cho học sinh. Nhưng nếu trường nghề được phép dạy văn hóa sẽ tạo thuận lợi và thống nhất trong quản lý.

Trường hợp xảy ra vấn đề nào đó liên quan đến học sinh, trường sẽ có những chế tài riêng để xử lý chứ không cần phụ thuộc vào quy chế của trung tâm GDTX.

Hơn nữa, khi liên kết giảng dạy mà thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, chất lượng giáo dục văn hóa sẽ không thực sự hiệu quả.

Mòn mỏi chờ hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Đô - Hiệu trưởng trường CĐ Công thương Việt Nam cho rằng, hệ thống giáo dục của nước ta tại một số nơi chưa đồng bộ gây nhiều khó khăn cho các trường nghề cũng như học viên.

Với đối tượng học sinh hệ 9+, trường mới chỉ tuyển số lượng khoảng 20 - 30 em nhưng phải theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nhà trường đang liên kết với trung tâm GDTX huyện Thanh Trì để dạy văn hóa cho học sinh theo chủ trương của thành phố.

Là người gắn bó với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp lâu năm, ông Đô cho biết, chủ trương dạy học sinh hệ 9+ đã có từ lâu. Nhà nước tạo điều kiện để phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn học nghề và văn hóa ngay tại trường nghề.

Trong khi hệ thống trung tâm GDTX ở nhiều nơi đã không còn đáp ứng được về cơ sở vật chất, quản lý yếu kém. Mới đây, Bộ GD&ĐT không cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyển sinh vào lớp 10 giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ THPT từ năm học 2021 - 2022. Quy định này khiến không ít giáo viên tâm tư.

Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã cho phép các cơ sở GDNN được dạy văn hóa. Tất cả đều phải chờ đợi hướng dẫn cụ thể của Bộ GD&ĐT về khối lượng kiến thức dạy văn hóa trong các trường nghề.

Điều cần nhất lúc này là sự rạch ròi, phân định rõ ràng của Bộ GD&ĐT với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc phối hợp về đào tạo học sinh hệ 9+.

Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn về khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Không thể mỗi nơi ra quy định một kiểu khiến cả người học và người dạy thêm lo lắng, hoang mang.


Theo Dân trí

Các tin khác


Nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn giáo viên

Việc xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới giáo dục. Vì vậy, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tích cực triển khai công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Trường mầm non Suối Hoa: Giữ gìn bản sắc văn hóa thông qua các hoạt động trải nghiệm cho trẻ

(HBĐT) - Trường mầm non Suối Hoa, xã Độc Lập (TP Hòa Bình) có 11 lớp với 182 trẻ, chủ yếu là con em người dân tộc Mường. Từ năm học 2017 - 2018, nhà trường đã nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện mô hình "Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường thông qua các hoạt động trải nghiệm cho bé”.

Giáo viên hạng I vốn đã ít nay càng hiếm hơn

Phần đông giáo viên Trung học cơ sở hạng I hiện nay đều cho rằng khi xây dựng Thông tư 03/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chú ý đến quyền lợi của họ.

Đánh giá chuẩn nghề nghiệp đang hành giáo viên nhiều nhất

Mỗi năm học giáo viên được đánh giá rất nhiều lần mà tựu trung lại cũng chỉ tập trung vào các mặt: đạo đức, trình độ, năng lực của nhà giáo là mà thôi.

Năm 2021, Bộ Quốc phòng không tuyển sinh ngành tài chính và quan hệ quốc tế

Năm 2021, Bộ Quốc phòng không tuyển sinh đào tạo ngành Tài chính tại Học viện Hậu cần và ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng tại Học viện Khoa học quân sự.

Bế giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng khóa III năm 2021

(HBĐT) - Ban Thường vụ Thành Đoàn Hoà Bình vừa phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng năm 2021 là 75 đoàn viên thanh niên ưu tú đến từ các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục