Mỗi năm học giáo viên được đánh giá rất nhiều lần mà tựu trung lại cũng chỉ tập trung vào các mặt: đạo đức, trình độ, năng lực của nhà giáo là mà thôi.
Câu chuyện Bộ yêu cầu giáo viên tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp lên phần mềm tập huấn trực tuyến một lần nữa cho thấy sự bất cập trong việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng năm. Những việc này được xem là thừa thãi, không phát huy được hiệu quả, tác dụng.
Bằng cấp, chứng chỉ thì khi giáo viên được tuyển dụng, cơ quan chức năng đã kiểm tra, đã nộp cho đơn vị; các loại kế hoạch, giáo án, phiếu dự giờ, biên bản hội họp….thì mỗi năm nhà trường, tổ chuyên phê duyệt, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra nội bộ và lưu giữ biên bản.
Vậy mà, cuối năm giáo viên lại phải sao chụp và kẹp vào hồ sơ đánh giá chuẩn nghề nghiệp để minh chứng cho các tiêu chuẩn, tiêu chí để nhà trường lưu vào hồ sơ cá nhân.
Đối với năm học 2019-2020 giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường phải thực hiện việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên đến 2 lần. Cuối năm học trước một lần và bây giờ khi Bộ triển khai tập huấn trực tuyến thì phải làm lại thêm một lần nữa.
Việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên là không cần thiết (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Chồng chéo chuẩn về việc đánh giá, xếp loại giáo viên
Hiện nay, giáo viên phổ thông đang được hướng dẫn đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí.
Chung quy lại cũng chỉ đánh giá về trình độ, năng lực và đạo đức của người thầy trong 1 năm học. Trong đó, có những tiêu chí như: bằng cấp và chứng chỉ thì năm nào cũng giống năm nào, phô tô đi, phô tô lại để nộp cho nhà trường.
Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cũng quy định về chuẩn trình độ giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông là đại học và những giáo viên nào chưa đủ chuẩn thì tổ trưởng và Ban giám hiệu nhà trường đều biết rất rõ.
Chùm Thông tư 02,03,04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học đến trung học phổ thông công lập ngày 02/2/2021 cũng quy định các tiêu chí về đạo đức, trình độ, năng lực của người thầy.
Đánh giá viên chức hàng năm của giáo viên cũng chủ yếu xoáy quanh trình độ, năng lực, đạo đức và sự chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Những giáo viên là đảng viên cũng được đánh giá chừng ấy nội dung vào thời điểm cuối năm.
Như vậy, chúng ta thấy rằng mỗi năm học giáo viên được đánh giá rất nhiều lần mà tựu trung lại cũng chỉ tập trung vào các mặt: đạo đức, trình độ, năng lực của nhà giáo là mà thôi.
Nhưng, nó chồng chéo lên nhau, cái này đã vậy, cái kia cũng thế, cũng chừng ấy nội dung nhưng được quy định ở nhiều văn bản, nhiều công đoạn khác nhau. Thành ra, nó thừa, có những loại giấy tờ không có tác dụng nhưng nhiều khi nó lại hành giáo viên khủng khiếp.
Chuẩn nghề nghiệp đang "hành” giáo viên nhiều nhất
Có lẽ, trong tất cả các ngành nghề hiện nay không có ngành nào có cách đánh giá cán bộ, viên chức của mình như ngành giáo dục.
Đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, sao Bộ lại yêu cầu giáo viên tải minh chứng?
Khi tuyển dụng giáo viên mỗi cấp học đã quy định về bằng cấp, chứng chỉ rồi mới tuyển dụng. Khi về trường công tác, giáo viên phải nộp toàn bộ hồ sơ về bằng cấp, chứng chỉ cho nhà trường và ký hợp đồng lao động.
Luật Giáo dục 2019 đã quy định về chuẩn trình độ của giáo viên. Thầy cô nào thiếu chuẩn trình độ thì sẽ được bố trí cho đi học nâng chuẩn.
Vậy, hàng năm giáo viên phải xét chuẩn nghề nghiệp nhà giáo để làm gì? Những bằng cấp, chứng chỉ thì nhà trường đã lưu trong hồ sơ cá nhân. Trong một năm học thì giáo viên nào cũng được kiểm tra ít nhất 1-2 chuyên đề và hồ sơ này cũng được phó hiệu trưởng chuyên môn lưu giữ cẩn thận.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả hồ sơ cá nhân, chuyên môn của giáo viên trong từng năm đã được nhà trường lưu giữ.
Cuối năm học, mỗi giáo viên đều phải đánh giá viên chức theo hướng dẫn của Nghị định Chính phủ. Trong bản đánh giá, xếp loại viên chức này cũng đã bao hàm tất cả nhiệm vụ, thành tích mà giáo viên đã đạt được trong năm.
Vậy, giáo viên có cần thiết phải tự đánh giá, tổ chuyên môn, nhà trường có nhất thiết phải họp và xét chuẩn nghề nghiệp của giáo viên theo hướng dẫn của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT nữa hay không?
Có cần thiết phải bắt buộc giáo viên đi phô tô các loại giấy tờ đã có sẵn trong hồ sơ cá nhân lưu ở nhà trường để làm minh chứng cho các tiêu chí rồi lại nộp lại cho nhà trường hay không?
Năm nào cũng 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí mà theo Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD gợi ý minh chứng thì chủ yếu tập trung từ các loại minh chứng: Phiếu đánh giá và phân loại viên chức; Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp được phân công giảng dạy; Các văn bằng/chứng chỉ/giấy chứng nhận/giấy xác nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên theo quy định.
Những minh chứng này được minh chứng cho nhiều tiêu chí.
Nhưng nó bất cập ở chỗ Phiếu đánh giá và phân loại viên chức trong năm thì cũng đánh giá, xếp loại cùng với thời điểm với chuẩn nghề nghiệp giáo viên (cuối năm học). Tuy nhiên, giáo viên lại phải sao chụp Phiếu đánh giá và phân loại viên chức để minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp được phân công giảng dạy của giáo viên thì nằm ở số liệu thống kê trên phần mềm và sổ điểm của nhà trường. Hơn nữa, giáo viên nào cũng đã thống kê để điền vào Phiếu đánh giá và phân loại viên chức cuối năm.
Điểm học sinh thì giáo viên vào phần mềm, sổ điểm thì nhà trường in, học bạ thì giáo viên vào và ký tên…tất cả nhà trường lưu giữ và chỉ cần một vài click chuột là kiểm tra được hết.
Các văn bằng/chứng chỉ/giấy chứng nhận/giấy xác nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên theo quy định thì lưu trong hồ sơ cá nhân và năm nào cũng phải bổ sung vào hồ sơ viên chức.
Vậy, có nhất thiết để giáo viên phải tự đánh giá trước và mỗi tiêu chí phải tìm đủ minh chứng cho mức độ tự xếp loại (tốt, khá, đạt, chưa đạt) của mình, sau đó đến tổ chuyên môn họp đánh giá, nhà trường họp đánh giá thêm một lần nữa.
Chúng tôi cho rằng nếu lãnh đạo ngành giáo dục mà lắng nghe dư luận, nhìn thấy sự bất cập và vô lý thì đã bỏ quy định xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên từ hàng chục năm trước chứ không phải đến năm 2018 lại tiếp tục ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông!
Việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên trong những năm qua gần như không phát huy được tác dụng mà chống chéo với nhau khi cùng một nội dung mà phải đánh giá nhiều lần, phải minh chứng nhiều lần.
Có lẽ, đã đến lúc lãnh đạo Bộ Giáo dục cần nghiên cứu việc xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay một cách nghiêm túc để bỏ đi những loại giấy tờ vô bổ, không cần thiết.
Bởi vì, giáo viên đã được xếp loại viên chức hàng năm và bằng cấp, chứng chỉ thì đã được nhà trường lưu giữ, chuẩn trình độ đã được quy định tại Luật Giáo dục 2019. Muốn thi (xét) thăng hạng đã được quy định tại các Thông tư 02,03,04/2021/TT-BGDĐT rồi.
Vậy, giáo viên có cần thiết phải tự đánh giá, xếp loại và đi tìm minh chứng về chuẩn nghề nghiệp cho mình hàng năm nữa hay thôi?
Theo Báo Giáo dục
Từ năm 2021, Bộ GD&ĐT không cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyển sinh vào lớp 10 giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ THPT. Quy định này khiến nhiều giáo viên mất việc, học sinh gặp khó.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan việc thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
(HBĐT) - Ngày 20/3, Đoàn Thanh niên Văn Phòng Tỉnh ủy phối hợp với Đoàn Thanh niên Ban Kinh tế Trung ương, Đoàn thanh niên Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thăm, tặng quà cho thầy và trò trường TH&THCS DTNT Tân Dân, xã Tân Thành (Mai Châu).
(HBĐT) - Từ ngày 15 - 18/3, tại trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình), Sở GD&ĐT đã tổ chức hội thi "Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc THPT năm học 2020 - 2021”. Tham dự hội thi có 50 giáo viên các môn học: Tiếng Anh, Sinh học, Tin học của 2 trường PT DTNT THCS&THPT và các trường THPT trong toàn tỉnh. Trong đó, 8 giáo viên dự thi môn Tiếng Anh, 23 giáo viên dự thi môn Sinh học, 19 giáo viên dự thi môn Tin học.
(HBĐT) - Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa sẽ diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia năm 2021. Học sinh trên địa bàn tỉnh, trong đó có học sinh lớp 12 vừa nghỉ Tết Nguyên đán, vừa nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 hơn 1 tháng, kiến thức bị rơi rụng, nền nếp học tập có sự xáo trộn, chưa đi vào quy củ… là khó khăn lớn nhất đặt ra đối với các nhà trường trong việc ôn tập cho học sinh chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2021. Thời gian không còn nhiều, các nhà trường đang khẩn trương tăng tốc công tác chuẩn bị, trọng tâm là ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 12.
(HBĐT) - Chiều 12/3, chúng tôi có mặt tại trường THCS thị trấn Kỳ Sơn, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) dự tiết học văn hóa với chủ đề "Lễ hội quê em” và tiết học môi trường với chủ đề "Các khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Hòa Bình”. Những nội dung trong tiết học đều sinh động, hấp dẫn, gần gũi với học sinh khiến các em rất hứng thú, tích cực tham gia phát biểu ý kiến, tiếp thu bài hiệu quả. Đây chính là nội dung dạy thử nghiệm tài liệu giáo dục địa phương chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 6 từ năm học 2021 - 2022.