(HBĐT) - Thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành GD&ĐT đã phải cho học sinh nghỉ học gần 1 tháng. Một số trường thuộc khu vực TP Hòa Bình thực hiện được việc dạy học qua internet nhưng chủ yếu là ôn tập, lượng kiến thức dạy mới được qua internet hạn chế. Do đó, ngay khi học sinh đi học trở lại sau Tết, ngành đã có phương án tinh giảm chương trình học hợp lý, hiệu quả.
Đồng chí Trần Ngọc Minh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lạc Thủy cho biết: Đối với các nội dung kiến thức chỉ tổ chức ôn tập, giao nhiệm vụ, bài tập trong thời gian học sinh nghỉ học, chúng tôi yêu cầu giáo viên tổ chức thu sản phẩm, đánh giá kết quả và có thể chấm, tính điểm đánh giá thường xuyên cho học sinh theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 26/2020. Đối với kiến thức đã tổ chức dạy học qua internet trong thời gian học sinh nghỉ học, hiệu trưởng các nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học của giáo viên, học sinh đối với từng tiết dạy của từng bộ môn, nếu đảm bảo đạt theo chuẩn kiến thức kỹ năng do Bộ GD&ĐT quy định thì các giờ dạy đó được tính như những giờ dạy bình thường, nếu không đạt theo chuẩn kiến thức kỹ năng tổ chức dạy bù để đảm bảo quyền lợi của học sinh. Đối với nội dung kiến thức chưa tổ chức dạy học qua internet trong thời gian học sinh nghỉ học: Hiệu trưởng các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức học bù, đảm bảo hoàn thành kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 theo Quyết định số 1783/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Riêng đối với bậc tiểu học, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Việc rà soát, tinh giảm chương trình phải được thực hiện căn cứ vào khả năng tiếp thu của học sinh và tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình và các phương án dạy học khác của các nhà trường. Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường rà soát, điều chỉnh nội dung, xây dựng kế hoạch dạy học học kỳ II, năm học 2020-2021. Đồng thời yêu cầu các trường đề xuất phương án tổ chức dạy học bù để thực hiện kế hoạch giáo dục học kỳ II đến hết ngày 29/5/2021, hoặc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo nội dung tinh giảm căn cứ theo tình hình thực tế. Đặc biệt, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, do vậy, đối với lớp 1, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường không thực hiện tinh giảm, mà xây dựng phương án tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học đầy đủ nội dung chương trình và sách giáo khoa lớp 1 theo quy định của Bộ GD&ĐT, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Các phòng GD&ĐT có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch, phương án thực hiện điều chỉnh nội dung chương trình dạy học học kỳ II, năm học 2020-2021 của các trường đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, việc tinh giảm chương trình học đã được các nhà trường triển khai theo nguyên tắc đảm bảo yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, chỉ tinh giảm nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng. Việc thực hiện tinh giảm chương trình học đã, đang được các nhà trường triển khai khá hiệu quả, khi nhận được sự đồng thuận cả phía giáo viên, gia đình học sinh.
Việc điều chỉnh, tinh giảm chương trình học kỳ II được nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế, nhằm giúp học sinh được học tập chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Một số nội dung mang tính lý thuyết được các nhà trường giảm hẳn, đồng thời khuyến khích học sinh tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện. Đối với các môn mĩ thuật, âm nhạc, thể dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp, đa số các nhà trường chủ động tinh giảm tối đa để dành thời gian hoàn thành chương trình các môn học khác.
Dương Liễu