Do các trường mầm non đã đóng cửa trong một thời gian dài, trong khi ngưỡng cửa vào lớp 1 cho trẻ sinh năm 2016 đang tới gần, nên nhiều phụ huynh "như ngồi trên đống lửa”.


Theo khuyến cáo của nhiều giáo viên, các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng khi con chuẩn bị bước vào lớp 1. (ẢNH: THÀNH ĐẠT)

Lo ngại trẻ hụt hơi khi vào lớp 1

Có con gái sinh năm 2016, chị Bùi Hồng Anh (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) cả tháng nay đã đứng ngồi không yên. Do chỉ còn gần nửa năm nữa, con gái sẽ bước vào lớp 1 nên cả gia đình chị đều rất lo lắng.

"Các cháu đã phải nghỉ học mầm non từ khá lâu. Nếu như học sinh những cấp khác còn được học trực tuyến thì lứa 2016 lại gần như không được dạy gì. Vì vậy, tôi sợ khi vào tiểu học con sẽ bị ngợp”, chị Hồng Anh bày tỏ.

Trong khi đó, chị Thu Hà (Long Biên, Hà Nội) mặc dù đã thuê cô giáo mầm non về học cùng con suốt giai đoạn sau giãn cách xã hội nhưng cũng không cảm thấy yên tâm hơn là mấy. Theo chị Hà, việc trẻ không được tới các lớp mầm non trong một giai đoạn quá dài sẽ khiến các con bị thiệt thòi.

"Khác với các lứa chuẩn bị vào lớp 1 các năm trước đó, các con sinh năm 2016 lại chỉ thường xuyên ở nhà xem máy tính, điện thoại và tivi. Chỉ còn nửa năm nữa các cháu sẽ vào bậc tiểu học nên tôi chỉ lo con không theo được chương trình”.


Nếu như học sinh những cấp khác còn được học trực tuyến thì lứa 2016 lại gần như không được dạy gì. (Ảnh: Sơn Bách)

Mang theo tâm lý đó, nhiều phụ huynh đã quyết định đăng ký cho con em mình theo học các lớp tiền tiểu học với nhiều hình thức khác nhau. Chị Đỗ Vân Anh, mẹ của bé Khôi Nguyên (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Theo kinh nghiệm, ngay từ sau Tết, tôi và các mẹ cùng khu đã mời một cô giáo về dạy 1 buổi/tuần cho các con với mức giá 100.000 đồng/học sinh”.

"Chương trình chủ yếu là nhắc nhớ cho các con nhớ mặt chữ, con số và tập trung rèn cách viết”, chị Vân Anh cho hay.

Một số phụ huynh lại lựa chọn các lớp tiền tiểu học online để vừa bổ sung kiến thức cho trẻ, vừa giữ an toàn cho cả gia đình. 

"Qua tham khảo, cuối cùng tôi đã cho con học lớp trực tuyến. Tất cả có 10 buổi với mức phí 500.000 đồng”, chị Đỗ Giang tại Bắc Từ Liêm kể.

Trên các diễn đàn lớn về giáo dục, rất nhiều phụ huynh cũng đã đăng tin tìm giáo viên dạy tiền tiểu học. Theo khảo sát của phóng viên Báo Nhân Dân, mức giá phổ biến dao động từ 100-300.000 đồng/buổi/học sinh.

Giảm hứng thú cho trẻ

Trước thực tế này, cô Nguyễn Thị Bình Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhận định: Cha mẹ không cần thiết phải cho con tham gia các lớp tiền tiểu học. 

Phân tích cụ thể hơn, cô Minh cho hay: Xu  hướng đưa con đi "luyện” vào lớp 1 bắt đầu xuất hiện nhiều cách đây 2 năm khi bộ sách giáo khoa mới được áp dụng. Vào thời điểm đó, trường Thăng Long cũng áp dụng thử nghiệm sách giáo khoa lớp 1, nhưng cô và trò chỉ gặp khó khăn trong khoảng 2 tháng đầu. Do đó, phụ huynh không cần phải quá lo lắng việc con em mình không thể theo nổi chương trình.

Không phủ nhận việc các khóa tiền tiểu học sẽ phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ, so sánh, cảm nhận không gian, suy luận, tưởng tượng và diễn đạt cho trẻ, nhưng theo cô Minh: "Nếu đã được học trước, các con khi vào lớp sẽ không còn tập trung nữa, từ đó dẫn tới tâm lý chủ quan. Quá trình tự khám phá kiến thức cũng không còn. Như thế rất đáng tiếc”.


"Việc học trước sẽ khiến các con khi vào lớp sẽ không còn tập trung nữa, từ đó dẫn tới tâm lý chủ quan. Quá trình tự khám phá kiến thức cũng không còn". (Ảnh: Sơn Bách)

Có 35 năm đứng lớp, từng là hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Sơn (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), cô Lý Thị Tiết  thậm chí còn cho rằng, việc tổ chức các lớp tiền tiểu học là "rất phản khoa học”. Cô Tiết cho hay: Không chỉ tại Hà Nội, ở Phú Thọ, cứ sắp tới dịp khai giảng  cha mẹ đổ xô đi tìm các lớp học tương tự cho con em.

"Yêu cầu của ngành giáo dục đối với cấp mầm non là chỉ cần nhận biết mặt chữ và 10 con số. Việc tập viết chủ yếu là mô phỏng. Mặc dù các bậc phụ huynh rất sốt ruột, lo lắng nhưng cho con học tiền tiểu học thực sự không cần thiết”.

Nhìn nhận trên góc độ giáo viên, cô Tiết chia sẻ: Các cháu khi được tập viết từ trước nhưng nếu không đúng phương pháp sẽ dẫn đến tình trạng bị quen tay và rất khó uốn nắn từ đó dẫn tới việc chữ viết không đúng quy chuẩn và kích cỡ.

"Theo tôi, chương trình tiểu học đã được tính toán rất kỹ dựa trên quá trình nghiên cứu cụ thể. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng. Việc cần nhất là để con trẻ được phát triển tự nhiên theo đúng lứa tuổi của mình”, cô Tiết kết luận.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Tuyển sinh 2022: Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh phần kỹ thuật đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục Đại học cho biết, với chủ trương "giữ ổn định" song mục tiêu của Bộ là điều chỉnh lại quy chế và kỹ thuật để tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.

Xét tuyển đại học 2022: Không giới hạn số lần điều chỉnh nguyện vọng

Dự kiến năm nay việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học sẽ được tách rời, thực hiện vào 2 thời điểm khác nhau.

Sinh viên được học cùng lúc hai trường

Với quy chế đào tạo tín chỉ, sinh viên ngày càng có nhiều cơ hội để học tập thêm các kiến thức khác ngoài ngành học chính. Cụ thể sinh viên được học cùng lúc hai trường.

Đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số

Đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với nhu cầu các doanh nghiệp, địa phương đã và đang được các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng triển khai. Trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo nhân lực công nghệ số.

Tổng kết Hội giảng mùa xuân, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2021-2022

(HBĐT)- Chiều 14/3, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Hội giảng mùa xuân, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2021 - 2022.

Học sinh F0 chịu nhiều áp lực về kiểm tra, đánh giá

Vừa phải kiểm tra bù môn học bị thiếu vừa phải chuẩn bị kiểm tra tập trung theo kế hoạch của nhà trường, điều này tạo ra áp lực thi cử rất lớn với học sinh F0 bị nhiễm Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục