(HBĐT) - Chương trình Sức khỏe học đường (SKHĐ) giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg, ngày 2/10/2021. Sau gần 1 năm triển khai, với thông điệp "Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh” cùng nhóm giải pháp mang tính định hướng cao, chương trình được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho hệ thống cơ sở giáo dục (CSGD) trên cả nước, trong đó có tỉnh Hòa Bình.
Quyết tâm chăm sóc toàn diện cho thế hệ tương lai
Tại lễ công bố Chương trình SKHĐ giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể, dài hạn về SKHĐ quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm và khát vọng của quốc gia trong việc chăm sóc cho thế hệ tương lai, bảo đảm cho trẻ em, học sinh trong các CSGD được chăm sóc toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các CSGD từ mầm non, phổ thông đến các trường chuyên biệt. Chương trình xác định 5 nhóm nội dung, 7 nhóm giải pháp với những chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: Đến năm 2025, 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe, nâng cao kiến thức về phòng, chống bệnh, tật học đường và chăm sóc sức khỏe cá nhân. 100% học sinh được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn. 100% trường học tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định; sử dụng sữa học đường theo tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định trong chương trình Sữa học đường quốc gia...
Hòa chung quyết tâm của cả nước, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai Chương trình SKHĐ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh, đảm bảo cho các em có sự phát triển toàn diện. Đối tượng thực hiện là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế; người lao động tại nhà bếp/nhà ăn/căng tin, người làm công việc khác liên quan đến SKHĐ trong trường học; người làm việc tại các cơ sở cung cấp suất ăn, đồ uống cho học sinh… Để chương trình đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh chỉ đạo 7 nhóm giải pháp, phân nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương; đồng thời đề nghị sự vào cuộc của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tất cả cùng hành động vì mục đích chung là chăm sóc toàn diện cho thế hệ tương lai, đảm bảo tốt các điều kiện để thực hiện "Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh”.
Thực hiện chương trình dựa trên 3 trụ cột chính
Hướng tới mục tiêu kiến tạo những giá trị tốt đẹp và bền vững trong môi trường giáo dục toàn diện dành cho học sinh, Chương trình SKHĐ giai đoạn 2021 - 2025 xác định có 3 trụ cột cần tập trung xây dựng vững chắc, gồm: Dinh dưỡng học đường, thể lực học đường, vệ sinh trường học. Trên cơ sở xây dựng thành công 3 trụ cột mang tính chất quyết định này, các CSGD sẽ kiểm soát được các vấn đề phát sinh, không để xảy ra dịch bệnh và từng bước nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe học sinh khi tới trường.
Tại trường phổ thông liên cấp Sao Mai (TP Hòa Bình), các điều kiện để thực hiện "Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh” đã được kiến tạo ngay từ những ngày đầu thành lập, đồng thời được củng cố vững chắc trong 5 năm qua. Cô Đặng Thị Thu Hường, Thư ký Hội đồng nhà trường cho biết: Sao Mai là trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục đã được vận hành 5 năm nay với mục tiêu trở thành trung tâm giáo dục phổ thông chất lượng cao, có môi trường giáo dục lý tưởng để học sinh phát triển toàn diện. Tại đây, học sinh học 2 buổi/ngày, được ăn bán trú, có xe đưa đón và các điều kiện phù hợp khác, đáp ứng yêu cầu học tập và rèn luyện. Năm học 2022 - 2023, toàn trường có 357 học sinh, trong đó 292 học sinh đăng ký bán trú. Lựa chọn hình thức bán trú, học sinh sẽ được ăn 3 bữa mỗi ngày, ngủ tại trường sau giờ ăn trưa, vì thế, đảm bảo sức khỏe và sự tỉnh táo trong cả ngày học tập.
Điều đáng ghi nhận tại Trường phổ thông liên cấp Sao Mai là nỗ lực đảm bảo chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú. Khu vực bếp ăn được giữ gìn vệ sinh, sạch sẽ. Đội ngũ nhân viên bộ phận bếp được trang bị đầy đủ đồng phục, khẩu trang y tế, găng tay khi làm việc. Nguyên liệu để chế biến bữa ăn hàng ngày đảm bảo tươi ngon, rõ nguồn gốc, xuất xứ và đủ điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định. Đặc biệt, trường có thực đơn hàng tuần được xây dựng theo từng ngày, từng bữa nhằm đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, hợp lý cho học sinh, giáo viên trong cả tuần hoạt động. Đối chiếu vào các chỉ tiêu định hướng trong Chương trình SKHĐ giai đoạn 2021 - 2025 có thể thấy, tại thời điểm này, trường Sao Mai đã đạt các yêu cầu đề ra, xây dựng được vững chắc 2 "trụ cột” là dinh dưỡng học đường và vệ sinh trường học. Riêng đối với nội dung thể lực học đường, trường sẽ tiếp tục chú trọng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh để nâng cao sức khỏe, chất lượng giáo dục toàn diện.
Trên phạm vi toàn tỉnh, các CSGD - nhất là cơ sở có bán trú - đều xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo sức khỏe toàn diện cho học sinh, vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất. Hiện nay, cùng với nỗ lực thực hiện Chương trình SKHĐ giai đoạn 2021 - 2025, ngành GD&ĐT tỉnh đang lồng ghép thực hiện các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt, điển hình như: Đề án bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ưng thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025… Theo khẳng định của lãnh đạo Sở GD&ĐT, vì SKHĐ là lĩnh vực rộng, trong đó có những trụ cột quan trọng và mang tính quyết định như: dinh dưỡng học đường, hoạt động thể chất, vệ sinh trường học… nên đòi hỏi sự chung tay hành động của toàn xã hội đồng hành với ngành GD&ĐT. Tất cả cần chung tay vì mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục toàn diện dành cho thế hệ học sinh là tương lai của tỉnh nhà.
"Tất cả vì học sinh thân yêu”
Trong kế hoạch triển khai Chương trình SKHĐ đến năm 2025 của tỉnh, đối tượng thụ hưởng là toàn bộ trẻ em, học sinh đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các trường học. Đặc biệt, trẻ em thuộc cấp học mầm non được ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực thực hiện tốt công tác SKHĐ, bởi chương trình được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá giúp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT: Năm học 2021 - 2022, kết quả nổi bật đối với giáo dục mầm non là chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tiếp tục được nâng cao. Cụ thể, 99% trẻ được tổ chức ăn bán trú tại trường. 100% trẻ được chăm sóc, cân đo và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm so với năm học trước. 100% trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT, trong đó, 100% trẻ hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi. 100% cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn thể chất và tinh thần, không có ngộ độc, tai nạn thương tích xảy ra… Để phát huy trong các năm học tiếp theo, ngành GD&ĐT xác định cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác y tế trường học, đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường, tích cực triển khai công tác BHYT học sinh, cùng đồng bộ các giải pháp quan trọng khác nhằm thực hiện "Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh”.
Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: Bước vào năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 522 đơn vị, trường học; tổng số khoảng 239 nghìn học sinh, sinh viên. Trong đó, giáo dục mầm non huy động khoảng 59,5 nghìn trẻ ra lớp, giáo dục tiểu học huy động trên 15,6 nghìn trẻ 6 tuổi vào học lớp 1... Đây được xác định là năm học trọng tâm của đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Vì thế, ngành GD&ĐT sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong nỗ lực chung, Chương trình SKHĐ giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được ưu tiên thực hiện với quyết tâm "Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để thực hiện có hiệu quả chương trình quan trọng này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Trong đó, ngành GD&ĐT cần phát huy tốt vai trò, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì học sinh thân yêu, vì tương lai tốt đẹp của thế hệ trẻ. Trước mắt, trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, bố trí trang thiết bị đủ điều kiện triển khai công tác SKHĐ và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Chú trọng mua sắm, sửa chữa bàn ghế phù hợp với các nhóm chiều cao của học sinh. Xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh và bảo đảm các điều kiện khác về vệ sinh trong trường học. Bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác y tế học đường. Chú trọng đổi mới công tác giáo dục thể chất, đẩy mạnh các hoạt động thể thao trường học. Tổ chức bữa ăn học đường đạt chất lượng, an toàn, đúng quy định. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học… Tin tưởng rằng, với quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ, toàn tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả Chương trình SKHĐ giai đoạn 2021 - 2025, cùng hiện thực hóa quyết tâm chăm lo toàn diện cho thế hệ tương lai của tỉnh nhà.
Thu Trang