Thời gian qua, giáo dục đại học đã chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng kỳ vọng của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì giáo dục đại học Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức, như hệ thống giáo dục đại học phát triển không đồng đều, chất lượng đào tạo và ngân sách đầu tư còn hạn chế.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, trong lĩnh vực giáo dục đại học, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong dạy và học… đã giúp các cơ sở đào tạo duy trì chất lượng đào tạo trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện tự chủ về tuyển sinh và đào tạo thuận lợi.
Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên và được ghi nhận. Đáng chú ý, cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục duy trì và giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Theo đó, có 5 cơ sở giáo dục đại học nằm trong tốp 1.000+ theo xếp hạng thế giới 2022 của THE; 11 cơ sở giáo dục đại học nằm trong bảng xếp hạng đại học châu Á. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng thêm (tăng từ 25% năm 2018 lên hơn 31% năm 2021).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: Giáo dục đại học ngày càng hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để mở rộng quy mô, phát triển đúng hướng.
Luật Giáo dục được sửa đổi qua các lần, nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đã được tháo gỡ bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Hằng năm, phân hạng của giáo dục đại học Việt Nam tăng, cho thấy những bước chắc chắn.
Tuy nhiên, trong khi số lượng cơ sở giáo dục đại học và quy mô đào tạo đại học hiện nay được cải thiện đáng kể cùng với cơ cấu ngành nghề ngày càng đa dạng, thì tỷ lệ nhập học đại học của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học chưa đồng đều. Nguồn lực phát triển giáo dục đại học chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, quy mô và chất lượng.
Chuyên gia giáo dục, GS, TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng, sức hấp dẫn của giáo dục đại học đối với thế hệ trẻ dường như bị giảm sút, làm giảm động lực học tập của các em.
Một vấn đề nữa đối với các trường đại học hiện nay là khi có ngành nghề nào dễ được tuyển dụng thì các trường sẽ "ào ào” mở, dẫn đến khả năng chỉ một vài năm sau đó sẽ không tuyển sinh được nữa.
Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, GS, TS Phạm Thành Huy cho rằng, cùng với sự phát triển nhanh của khoa học-công nghệ, sự thay đổi ngành, nghề cũng nhanh; các ngành, đơn ngành dường như đang được thay thế bằng các lĩnh vực mới, đa ngành. Chính vì vậy, đòi hỏi khả năng đáp ứng nhanh của các trường đại học, phải thay đổi về phương thức giảng dạy, về nguồn lực cho đào tạo.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, để tháo gỡ các vướng mắc trong giáo dục đại học hiện nay, trước hết phải từ hệ thống pháp luật.
Giáo dục đại học có luật chuyên ngành, nhưng các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học còn bị chi phối bởi các luật chuyên ngành khác như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…, sắp tới là Luật Đất đai (sửa đổi) và vẫn còn nhiều quy định vướng mắc. Bộ Giáo dục và Đào tạo khi được lấy ý kiến các luật liên quan cần nghiên cứu rất kỹ, xác định đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Bộ đã đưa vào đề xuất dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 mức chi cho giáo dục đại học từng bước bằng mức trung bình của khu vực về tỷ lệ GDP.
Bên cạnh đó, muốn nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước, phải minh bạch hóa tất cả khoản thu, chi của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các bộ, ngành, địa phương, bởi như vậy mới tính được mức chi hiệu quả.
Ngoài ra, hiện nay chính sách hỗ trợ trực tiếp người học chuyển từ chi thường xuyên sang chi hỗ trợ trực tiếp người học, đặt hàng và giao nhiệm vụ đã có quy định nhưng cần mở rộng hơn nữa đối tượng với cơ chế ưu đãi hơn. Việc đầu tư đặt hàng phải theo cơ chế cạnh tranh, tập trung những ngành, trường tạo sức mạnh lan tỏa.
Trong năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hoàn thiện tổ chức bộ máy và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý; ổn định phương thức tuyển sinh; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; tổ chức thực hiện chuẩn chương trình đào tạo và các giải pháp bảo đảm chất lượng; tăng cường phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác hậu kiểm.
Theo Báo Nhân Dân
Trở thành môn bắt buộc với lớp 3 từ năm nay, nhưng so với tiếng Anh thì môn tin học còn 'bi đát' hơn khi thiếu trầm trọng cả giáo viên lẫn máy tính.
(HBĐT) - "Chúng em là những người con dân tộc Mường Hòa Bình. Được sinh ra, lớn lên tại vùng đất giàu truyền thống lịch sử và đậm đà bản sắc văn hóa, chúng em vừa tự hào, vừa có động lực để tìm hiểu thêm về quê hương. Vì thế, vừa qua, chúng em đã cùng nhau thực hiện đề tài khoa học lịch sử nghiên cứu về Lễ hội đánh cá của người Mường Hòa Bình…” – em Sầm Bích Ngọc, học sinh trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh chia sẻ.
(HBĐT) Ngày 9/12, tại trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ,
Sở GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) và ngày hội STEM dành
cho học sinh trung học tỉnh năm học 2022 – 2023.
(HBĐT) - Ngày 8/12, Bộ CHQS tỉnh phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỉnh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Thái K52 cho 50 đồng chí cán bộ, chiến sỹ trong LLVT tỉnh năm 2022.
(HBĐT) - Trong quá trình phát triển, huyện Cao Phong phải đối mặt với nhiều "bài toán khó", trong đó có "bài toán" giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ghi nhận những năm gần đây, nhờ phát huy khá tốt vai trò của mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) nên huyện đã từng bước giải được "bài toán" này, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
(HBĐT) - Chiều 5/12, UBND tỉnh tổ chức làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn VitJan (Nhật Bản) do ông Koji Nakano, Chủ tịch Tập đoàn VitJan làm trưởng đoàn. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành: GD&ĐT, KH&ĐT, TN&MT, Tài chính, Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh, UBND thành phố Hòa Bình.