Xét tuyển sớm tạo điều kiện cho các trường top dưới, ít thu hút tiếp cận thí sinh sớm hơn, thuận lợi trong tuyển sinh.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp giao ban về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm, theo hình thức trực tuyến. Tại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lưu ý các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng nên tinh giản.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các trường rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù).
Ảnh minh họa: Ngọc Ánh
Giảm phương thức tuyển sinh nào do từng trường đại học quyết định
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Hà Văn Huân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Lâm nghiệp bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất giảm phương thức xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc tồn tại quá nhiều phương thức tuyển sinh làm thí sinh dễ dàng bị rối, không biết nên đăng ký những phương thức nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành, vào trường. Ngoài ra, nhiều phương thức còn gây tốn kém chi phí của phụ huynh và thí sinh.
Theo Phó Giáo sư Hà Văn Huân, việc giảm phương thức tuyển sinh nào phải phụ thuộc vào từng trường.
"Mỗi trường sẽ có những mục tiêu đào tạo, đặc thù khác nhau, trên cơ sở đó sẽ đưa ra những phương thức tuyển sinh để chọn lọc ra các đối tượng thí sinh phù hợp.
Một số trường top đầu hoặc các trường có đào tạo hệ quốc tế, liên kết đào tạo nước ngoài thì những phương thức chính thường sẽ đi kèm với một số tiêu chí phụ như điểm môn tiếng Anh (điểm IELTS, TOEIC)... Hoặc để chọn được những thí sinh giỏi, xuất sắc, một số trường sẽ thêm tiêu chí phụ như từng tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt các giải thưởng, học sinh hệ chuyên,...
Các trường top đầu cần đưa ra nhiều tiêu chí sàng lọc để lựa chọn được đối tượng thí sinh phù hợp, tuy nhiên các trường top dưới thì điều kiện xét tuyển đơn giản hơn. Vì lúc này, vấn đề ưu tiên của trường là tuyển đủ chỉ tiêu.
Chính vì vậy, muốn giảm phương thức nào thì tùy thuộc từng trường, từ dữ liệu hiện có các trường sẽ phân tích, xem xét phương thức nào nên giữ, phương thức nào nên bỏ”, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Lâm nghiệp phân tích.
Năm 2022,Trường Đại học Lâm nghiệp tuyển sinh theo 4 phương thức như sau:
Phương thức 1: Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.
Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ).
Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phương thức 4: Xét tuyển thẳng và xét tuyển theo đơn đặt hàng.
Tuy nhiên, sau khi thống kê, đánh giá, Phó Giáo sư Hà Văn Huân cho biết, thí sinh đăng ký và xác nhận nhập học phần lớn bằng 2 phương thức là xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét điểm học bạ; 2 phương thức còn lại có số lượng thí sinh đăng ký và xác nhận nhập học rất thấp, không đáng kể.
"Vì vậy, trước mắt, trường vẫn sẽ duy trì ổn định 2 phương thức tuyển sinh xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét điểm học bạ. Chưa kể, đây cũng là 2 phương thức mà các thí sinh từ vùng sâu, vùng xa đến vùng đồng bằng đều có thể dễ dàng tiếp cận được, tạo điều kiện cho học sinh vùng khó khăn không tiếp cận được các phương thức đặc thù khác có cơ hội học đại học.
Riêng với 2 phương thức còn lại, Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ phân tích, xem xét dựa trên dữ liệu về tính hiệu quả”, Phó Giáo sư Hà Văn Huân thông tin.
Cùng đánh giá về đề xuất này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc tinh giảm phương thức xét tuyển là cần thiết, tránh gây nhiễu cho thí sinh.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: NP
Hiện nay, tồn tại nhiều phương thức không đánh giá được thực chất năng lực học sinh, thậm chí gây mất công bằng giữa các thí sinh. Trong phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển nào tương ứng với ngành học nào, Bộ phải có quy định rõ ràng.
"Vừa qua, tự chủ tuyển sinh nên các trường quy định bao nhiêu tổ hợp để xét tuyển vào ngành đều được, có những tổ hợp không liên quan trực tiếp đến ngành xét tuyển. Việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, nhiều tổ hợp xét tuyển như vậy không hiệu quả, chỉ chú trọng đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng. Liệu rằng những thí sinh trúng tuyển đó có năng lực, phù hợp với ngành hay chưa?
Đối với một số phương thức nên có thêm các tiêu chí phụ. Đặc biệt là xét tuyển bằng điểm thi IELTS, TOEIC. Phương thức này đứng riêng không phản ánh được kết quả học tập toàn diện của học sinh, dễ dàng dẫn tới việc học sinh học lệch, mất công bằng giữa học sinh vùng sâu, vùng xa với vùng thuận lợi", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.
Xét tuyển sớm tạo điều kiện cho các trường tiếp cận thí sinh sớm hơn
Bên cạnh lưu ý cần giảm phương thức tuyển sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù). Tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông - tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Phó Giáo sư Hà Văn Huân cho hay, xét tuyển sớm của trường (xét tuyển học bạ trung học phổ thông, đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế, ưu tiên xét tuyển...), nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thời gian quy định mới chính thức được công nhận.
Với các trường dễ tuyển sinh, các trường top trên, việc xét tuyển sớm hay xét tuyển đồng loạt không khác nhau nhiều. Vì sức hấp dẫn của các trường này lớn, thí sinh đăng ký xét tuyển sớm vào trường hầu hết sẽ đặt nguyện vọng 1 khi nhập lên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh đăng ký vào trường đông, đảm bảo đủ chỉ tiêu, chất lượng.
Tuy nhiên, đối với các trường top dưới, ít thu hút hơn thì việc xét tuyển sớm có ý nghĩa quan trọng. Khi đó, các trường sẽ tiếp cận được thí sinh xét tuyển sớm đủ điều kiện trúng tuyển vào trường. Dựa trên cơ sở đó, trường sẽ làm công tác tư vấn tới thí sinh để các em hiểu hơn về ngành nghề của trường. Như vậy, thí sinh và trường có sự tương tác với nhau, nâng hiệu quả tuyển sinh của nhà trường và nâng cơ hội học đại học đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Phó Giáo sư Hà Văn Huân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Lâm nghiệp. Nguồn: website nhà trường
"Nếu không tổ chức xét tuyển sớm thì nhà trường không tiếp cận được các em thí sinh, không có sự tương tác, tư vấn. Các trường đại học sẽ ở thế bị động.
Thực tế, tự chủ trong tuyển sinh và xét tuyển sớm là cách để các trường top dưới thúc tiến tuyển sinh”, Phó Giáo sư Hà Văn Huân nói.
Công tác tuyển sinh năm 2022 có nhiều thay đổi so với các năm trước, vì vậy không tránh khỏi những vướng mắc cần được cải thiện. Để mùa tuyển sinh sau được thành công hơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Lâm nghiệp kiến nghị:
Thứ nhất, rút ngắn thời gian tuyển sinh. Thời gian từ khi công bố kết quả đến khi nhập học quá lâu, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, quyết định của các thí sinh. Trong thời gian chờ đợi, một số em có thể thay đổi định hướng, đi du học, xuất khẩu lao động, đi học nghề,...
Thứ hai, các trường cần hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023 sớm để các em học sinh nắm được, tìm hiểu.
Thứ ba, hoàn thiện phần mềm, hệ thống hỗ trợ phục vụ việc tuyển sinh. Trong mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh gặp một số rắc rối trong quá trình thực hiện thao tác trên hệ thống. Bên cạnh đó, các em còn gặp khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến. Như vậy, cần phải thay đổi phương thức, nâng cấp phần mềm hỗ trợ tối đa để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh các vùng miền.
Theo Báo Giaoduc.net
Là môn học tích hợp kiến thức từ ba môn học cơ bản là vật lý, hóa học, sinh học nên nội dung và yêu cầu bài kiểm tra môn khoa học tự nhiên (KHTN) nhận được sự quan tâm của học sinh lẫn phụ huynh.
Trở thành môn bắt buộc với lớp 3 từ năm nay, nhưng so với tiếng Anh thì môn tin học còn 'bi đát' hơn khi thiếu trầm trọng cả giáo viên lẫn máy tính.
(HBĐT) - "Chúng em là những người con dân tộc Mường Hòa Bình. Được sinh ra, lớn lên tại vùng đất giàu truyền thống lịch sử và đậm đà bản sắc văn hóa, chúng em vừa tự hào, vừa có động lực để tìm hiểu thêm về quê hương. Vì thế, vừa qua, chúng em đã cùng nhau thực hiện đề tài khoa học lịch sử nghiên cứu về Lễ hội đánh cá của người Mường Hòa Bình…” – em Sầm Bích Ngọc, học sinh trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh chia sẻ.
(HBĐT) Ngày 9/12, tại trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ,
Sở GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) và ngày hội STEM dành
cho học sinh trung học tỉnh năm học 2022 – 2023.
(HBĐT) - Ngày 8/12, Bộ CHQS tỉnh phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỉnh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Thái K52 cho 50 đồng chí cán bộ, chiến sỹ trong LLVT tỉnh năm 2022.
(HBĐT) - Trong quá trình phát triển, huyện Cao Phong phải đối mặt với nhiều "bài toán khó", trong đó có "bài toán" giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ghi nhận những năm gần đây, nhờ phát huy khá tốt vai trò của mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) nên huyện đã từng bước giải được "bài toán" này, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.