Là đơn vị được chọn làm điểm triển khai chuyên đề, trường mầm non Unicef (TP Hòa Bình) tích cực thực hiện chương trình giáo dục lồng ghép kiến thức về ATGT cho trẻ. Theo đồng chí Trần Việt Hà, Hiệu trưởng nhà trường: Việc giáo dục, trang bị kỹ năng về ATGT cho trẻ bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, như: cho trẻ nhận biết hình dạng các biển báo, loại phương tiện giao thông, đèn tín hiệu, quan sát khi qua đường, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy... Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên tích hợp nội dung ATGT vào tiết học thông qua các bài thơ, bài hát dễ học, dễ nhớ, phù hợp từng độ tuổi và khả năng tiếp nhận của trẻ. Ngoài ra, nhà trường đầu tư xây dựng mô hình hệ thống giao thông, biển báo, đèn tín hiệu giao thông... Nhờ đó giúp trẻ được giáo dục trực quan vừa chơi vừa học.
Mặc dù ở địa bàn vùng cao nhưng theo cô giáo Nguyễn Thị Lương, Hiệu trưởng trường mầm non Ngọc Sơn (Lạc Sơn), trường đã đầu tư hệ thống mô hình tuyến đường giao thông và hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông. Trong quá trình học tập, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên tổ chức những trò chơi có nội dung liên quan đến ATGT, cho trẻ sắm vai làm cảnh sát giao thông, tài xế để các cháu tập xử lý tình huống. Để trẻ dễ hiểu, giáo viên không chỉ truyền đạt nội dung ATGT bằng lời nói, cử chỉ để trẻ tiếp thu mà còn giới thiệu bằng tranh, ảnh trực quan và bằng các trò chơi lồng ghép nội dung ATGT. Qua đó vừa tạo sân chơi vừa cung cấp những thông tin cần thiết về ATGT, giúp trẻ linh hoạt trong ứng xử các tình huống khi tham gia giao thông. Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, nhà trường thường xuyên phối hợp Công an huyện Lạc Sơn, Công an xã Ngọc Sơn tổ chức các hoạt động ngoại khóa đưa các chủ đề về ATGT để giáo dục trẻ...
Theo thống kê của ngành GD&ĐT tỉnh, tính đến năm 2022, toàn tỉnh có 222/222 trường mầm non đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề "ATGT trong các cơ sở giáo dục mầm non giai đoạn 2020 - 2024”. Trong 2 năm triển khai chuyên đề, Sở GD&ĐT đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 356 lượt cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán; các phòng GD&ĐT huyện, thành phố tổ chức bồi dưỡng chuyên đề cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non.
Ghi nhận thực tế tại các trường cho thấy: Từ những bài học hữu ích ở trường, trẻ nhanh chóng tiếp thu và áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh việc góp phần hình thành thói quen tốt về ATGT cho trẻ, một hiệu quả nữa mà chương trình giáo dục ATGT ở bậc học mầm non mang lại, đó là trẻ góp phần làm thay đổi ý thức chấp hành luật giao thông của cha mẹ và người thân.
Đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong mỗi năm học, sở đều có văn bản yêu cầu, đôn đốc các nhà trường đưa nội dung ATGT vào kế hoạch giảng dạy phù hợp từng độ tuổi. Căn cứ vào đó, các trường học tổ chức nhiều hoạt động về chủ đề giáo dục ATGT. Qua đây, trẻ mầm non được cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản về đảm bảo ATGT. Qua kiểm tra, đánh giá định kỳ trong năm học 2021 - 2022, 100% trẻ mẫu giáo trong trường mầm non được tham gia các hoạt động giáo dục về ATGT, các hoạt động trải nghiệm với mô hình ATGT trong và ngoài nhà trường. Với kết quả đạt được, có thể khẳng định việc giáo dục về ATGT trong trường mầm non đã có ảnh hưởng tích cực đến ý thức của trẻ em. Từ những bài học nhỏ được học trên lớp từng bước giúp trẻ hình thành thói quen, ý thức chấp hành đúng luật giao thông, những thói quen tốt về ATGT.
Thu Trang