Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Kim Bôi đã tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số cho học sinh, góp phần lan tỏa, bồi đắp tình yêu của thế hệ trẻ đối với văn hóa truyền thống.


Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Đào, xóm Sào Bắc, xã Sào Báy (Kim Bôi) cùng cô, trò Trường mầm non xã Nam Thượng tìm hiểu về văn hóa Mường tại buổi học ngoại khóa.

Có mặt tại buổi ngoại khóa "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường” tại Trường TH&THCS Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, chúng tôi bất ngờ khi thấy học sinh thuần thục trong từng điệu múa, tay đánh những bài chiêng Mường vang vọng khắp sân trường và được xem các em giới thiệu rất chi tiết về từng vật dụng, công cụ lao động sản xuất, ẩm thực truyền thống của dân tộc mình. Với trên 98% là học sinh người dân tộc Mường, Trường TH&THCS Bắc Sơn luôn quan tâm giảng dạy, giáo dục học sinh về những giá trị văn hóa, truyền thống các dân tộc ở địa phương thông qua việc giảng dạy về văn hóa, phong tục, tập quán, tổ chức truyền dạy hát dân ca Mường, đánh chiêng trong nhà trường.

Bùi Thị Lan Anh, học sinh lớp 6C, Trường TH&THCS Bắc Sơn chia sẻ: "Em rất vui vì qua các buổi ngoại khóa em được gặp gỡ các nghệ nhân, những người lưu giữ, truyền dạy các điệu múa, bài hát... của dân tộc để chúng em được tiếp nối, thêm yêu và tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo”.

Để triển khai các nội dung về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số, các trường học trên địa bàn huyện Kim Bôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác lồng ghép vào hoạt động giảng dạy trong một số môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Âm nhạc... và các hoạt động ngoại khóa như: Tìm hiểu về trang phục truyền thống, kiến trúc nhà sàn, trang phục và các trò chơi dân gian, các nhạc cụ dân tộc... từ đó giúp học sinh tiếp cận văn hóa truyền thống một cách sinh động, cụ thể, rõ nét hơn.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Kim Bôi là nơi tập trung đông con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện học tập. Nhiều năm qua, nhà trường luôn xác định việc giáo dục tình yêu văn hóa truyền thống trong học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Thầy giáo Lưu Mạnh Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường đã tổ chức các hoạt động sưu tầm, bảo quản di sản văn hóa, giao lưu ẩm thực... đồng thời duy trì cho học sinh mặc trang phục truyền thống vào thứ Hai hằng tuần và các buổi hoạt động ngoại khóa, ngày lễ trong năm, tổ chức các hội thi trang phục, văn nghệ truyền thống... qua đó giúp học sinh được tiếp cận đa dạng các bản sắc văn hóa dân tộc”.

Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn huyện Kim Bôi đã vận động phụ huynh, người dân ủng hộ các đồ dùng, công cụ lao động... để mở rộng góc học tập gắn với trưng bày không gian văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc khác trong khuôn viên nhà trường. Đồng thời, tổ chức những buổi học ngoại khóa tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của dân tộc và mời các nghệ nhân trên địa bàn huyện truyền dạy những làn điệu   dân ca, đánh chiêng mang đậm bản sắc của người Mường.

Có thể thấy, việc lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc vào các tiết học và hoạt động ngoại khóa đã nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu văn hóa và nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Kim Bôi.


 Bùi Thoa (Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi) 

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục