Vũ Thanh Tùng cung cấp thông tin du lịch cho du khách nước ngoài
Họ đều còn khá trẻ nhưng lại là những người khai phá các lĩnh vực mới mẻ, gai góc ở VN. Một người khao khát làm một công việc liên quan đến du lịch để giới thiệu VN ra thế giới, người kia quyết tâm thổi hồn vào các món ăn Việt
Bạn đường của du khách
Ngay góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ ở TPHCM là nơi tọa lạc Trung tâm Thông tin du lịch (TIC). Trung tâm này được sáng lập từ ý tưởng của Vũ Thanh Tùng, Giám đốc điều hành TIC.
Sinh tại TPHCM nhưng Tùng có đến 14 năm sống tại Canada. Năm 1997, anh trở về nước tìm địa điểm cho đoàn làm phim Jame Bond 007. Vịnh Hạ Long được chọn để quay những cảnh chính trong bộ phim “bom tấn” này. Tuy nhiên, sau gần một năm theo đuổi, đoàn làm phim đã chuyển qua Thái Lan.
Dù thất bại nhưng thời gian ở vịnh Hạ Long đã giúp Tùng khám phá được nét đẹp của quê hương. Từ đó, anh nung nấu ý định làm một công việc liên quan đến du lịch để giới thiệu VN ra thế giới. Khi nghe nhiều người bạn nước ngoài than phiền ở VN còn thiếu thông tin cho du khách, Tùng lóe lên ý tưởng xây dựng một trung tâm thông tin du lịch đúng nghĩa.
Thế là TIC ra đời với mục tiêu hoạt động rõ ràng: Cung cấp các thông tin du lịch. Đến TIC, du khách được hưởng nhiều dịch vụ miễn phí. Du khách nào gặp sự cố mất giấy tờ, tiền bạc hay phiền hà về cung cách phục vụ, TIC cũng sẽ hướng dẫn họ cách giải quyết thấu đáo.
Tùng nhớ lại: “Ban đầu, khi chúng tôi làm việc với các đơn vị lữ hành, dịch vụ để nắm thông tin về giá cả phục vụ du khách, nhiều nơi đã hỏi thẳng tôi có phải là cò du lịch hạng sang không! Dù đã giải thích nhưng TIC vẫn chỉ nhận được sự hoài nghi”.
Để vận hành được TIC, Tùng đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác để có lợi nhuận nuôi trung tâm. “Cả năm trời, dù phải móc tiền túi hàng tỉ đồng để trả phí thuê mặt bằng và lương nhân viên nhưng tôi vẫn không nhụt chí, chỉ vì muốn chứng minh mình không phải là cò du lịch” - anh tâm sự.
Sau một năm thành lập, Tùng quyết định đổi lại toàn bộ thiết kế của TIC. Anh thổ lộ: “Dù cung cấp thông tin miễn phí nhưng TIC phải thể hiện tính chuyên nghiệp mới tạo lòng tin cho du khách”. Cùng với nhiều dịch vụ mới, TIC đã thu hút ngày càng nhiều khách hàng. Đến nay, mỗi ngày TIC đón tiếp trên dưới 300 du khách, mùa cao điểm hơn 500 người.
Với mục tiêu là cầu nối giữa du khách với các đơn vị lữ hành, dịch vụ, ngoài việc tạo niềm tin cho du khách, mỗi lần nhận được phản ánh của họ, TIC đều chuyển cho các đơn vị lữ hành, dịch vụ để nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ. Nhiều lần như vậy, từ chỗ nghi kỵ, nhiều đơn vị đã xem TIC như đối tác và sẵn sàng hỗ trợ một phần chi phí để TIC có điều kiện mở rộng hoạt động, thành lập thêm trung tâm ở nhiều nơi trên cả nước.
Nhiều du khách quốc tế mỗi lần trở lại VN đều tìm đến TIC. Peter, một du khách Mỹ, nói: “Đây là lần thứ hai tôi đến VN cùng vợ và hai con nhỏ. Lần trước, thông qua TIC, tôi được trải nghiệm chuyến xuyên Việt rất thú vị. Lần này, chúng tôi sẽ nhờ TIC thiết kế tour miệt vườn Nam Bộ”.
Gặp chúng tôi, Tùng khoe: “Trước khi rời VN, nhiều du khách đã điện thoại cho TIC chào tạm biệt hoặc gửi những tấm thiệp ghi dòng chữ Cám ơn TIC, người bạn đường của chúng tôi. Điều đó làm tôi mãn nguyện lắm. Tôi thấy mình như người lữ hành hết cô độc”.
Thổi hồn vào món ăn Việt
Thời gian gần đây, poster quảng cáo món mì xào Tiểu Nhị thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Đĩa mì xào được trình bày rất đơn giản song lại có sức hấp dẫn đặc biệt khiến người xem muốn ăn ngay.
Thành công của poster quảng cáo này có phần đóng góp không nhỏ của Nguyễn Đăng Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Green Olive, chuyên tư vấn, thiết kế, quảng cáo ẩm thực. Chỉ mới 26 tuổi nhưng Phương được xem là người đầu tiên khai phá “mảnh đất” food stylist (thiết kế, tạo hình cho các món ăn để chụp ảnh quảng cáo hoặc lên show truyền hình) ở VN.
“Khi làm biên tập viên chuyên trang ẩm thực cho một tờ báo, tôi phát hiện việc thiết kế, tạo hình để chụp ảnh quảng cáo cho các món ăn thường rất đơn điệu, nhàm chán. Kinh nghiệm tích lũy từ thời làm nhân viên phục vụ ở các nhà hàng lúc học đại học đã giúp tôi thấy được hạn chế trong cách trình bày món ăn. Do đó, tôi quyết tâm làm một cuộc “cải cách” thực sự cho khâu thiết kế, tạo hình món ăn” – Phương nhớ lại.
Vậy là, ý tưởng đơn giản hóa cách trình bày và tạo điểm nhấn cho món ăn bằng những gam màu nổi bật nhờ hiệu ứng ánh sáng lẫn góc chụp, góc quay được Phương trình bày với các nhiếp ảnh gia. Từ đó, những tấm ảnh chụp các món ăn với chủ thể chính được làm nổi bật, phong cách sắp xếp đơn giản song vẫn tạo cảm giác “thèm ăn” được trình bày theo ý tưởng của Phương lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Nguyễn Đăng Phương tạo hình một món ăn Việt. Ảnh: Tấn Thạnh
Từ thành công này, cuối năm 2007, Phương quyết định rẽ ngang khi thành lập Green Olive, công ty đầu tiên ở VN trong lĩnh vực food stylist. Dần dà, tên tuổi của chàng trai phó giám đốc trẻ măng có nhiều ý tưởng này lập tức gây sự chú ý của các đại gia kinh doanh thực phẩm khi bắt tay quảng bá sản phẩm.
“Ở nước ngoài, nghề food stylist có từ rất lâu nhưng ở VN thì lại rất mới mẻ. Do vậy, để biến ý tưởng thành hiện thực, đòi hỏi người làm nghề phải có vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc. Muốn vậy, phải học, học mọi lúc mọi nơi” - Phương bộc bạch.
Cuối năm 2008, Phương gây sốc cho bạn bè khi hùn vốn mở quán nướng có cái tên khá lạ: Giấy Bạc. Nhiều người cho rằng Phương “hâm”, bởi kinh doanh nhà hàng không đơn giản nhưng anh lại nghĩ khác. “Cứ mạnh dạn làm những gì mình thích, thành công ắt sẽ đến”- Phương mạnh mẽ.
Dù điều hành cùng lúc công ty và quán ăn nhưng Phương vẫn luôn giữ được phong thái thư thả. Tâm sự với chúng tôi, chàng cựu sinh viên ngành Trung Quốc học Trường Đại học Sư phạm TPHCM này cho biết vẫn đang ấp ủ nhiều ý tưởng mới lạ.
Theo NLĐ
Tết Canh Dần đang đến gần, không khí mùa xuân tràn ngập khắp phố phường. Hòa chung niềm vui xuân, hàng ngàn sinh viên nước ngoài háo hức chờ đón tết. Mỗi người có một cảm nhận về tết theo cách riêng của mình, nhưng nét chung nhất là họ cảm thấy rất ấn tượng, bởi những phong tục truyền thống được lưu giữ trong ngày tết của người Việt.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi với 3 nội dung chính: Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi; giữ vững, củng cố nhà trẻ và mẫu giáo 3 - 4 tuổi; xây dựng thêm trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các huyện khó khăn. Trong đó, lấy phổ cập mẫu giáo 5 tuổi làm trọng tâm.
Bộ GD-ĐT vừa thông báo xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 11. Theo đó, quan tâm đến các nhà giáo trực tiếp giảng dạy, giáo viên tại các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, các nhà giáo là người dân tộc ít người và nhà giáo nữ.
Cứ đến tết sinh viên Việt tại Úc lại khăn gói về Việt Nam ăn tết với má, để được lì xì, ăn món thịt kho nước dừa quen thuộc... Số ở lại còn nhộn nhịp ăn tết theo kiểu riêng. Online suốt để cập nhật thông tin về "tết quê mình". Có nhóm bạn còn "sang" lập hẳn một cầu truyền hình để ăn tết Việt xa xứ...
Ðề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 của Chính phủ là một luồng gió mới thổi vào mảnh đất hiếu học nhưng còn nghèo như Hà Tĩnh...
Thưởng tết - nỗi niềm của giáo viên
(HBĐT) - Tết năm nay, trong khi người lao động ở các ngành nghề khác đều được hưởng tháng lương thứ 13, có đơn vị thưởng vài chục triệu đồng hoặc chí ít cũng là vài trăm ngàn để động viên, thì những người giáo viên của tỉnh vẫn chỉ biết trông chờ vào đồng lương còm cõi để trang trải Tết cho gia đình