Ðề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 của Chính phủ là một luồng gió mới thổi vào mảnh đất hiếu học nhưng còn nghèo như Hà Tĩnh...

Có lẽ chưa bao giờ, các em học sinh vùng sâu, vùng xa của trường THCS Hương Lâm (Hương Khê, Hà Tĩnh) lại háo hức bước vào năm học mới như vậy. Trên vùng đất xa xôi, khó khăn này giờ đây hiện hữu một ngôi trường hai tầng, sáu phòng học khang trang thay thế cho những lớp học tạm bợ, xuống cấp và chật chội. Em Ðinh Thị Trang học sinh lớp 7B hồ hởi nói: "Thích lắm chú ạ. Bây giờ chúng cháu đã có thể ngồi học trong những lớp học sạch đẹp như các bạn dưới xuôi". Cũng trong giai đoạn này, trường THCS Hương Lâm còn được đầu tư xây dựng năm phòng ở cho giáo viên. Với nguồn đầu tư này, về cơ bản, các thầy cô giáo đã ổn định được chỗ ở. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, quê ở Can Lộc, tâm sự: "Em lên đây dạy học đã ba năm, trước toàn phải ở nhà dân hoặc phòng tập thể của trường vừa chật chội, thiếu thốn đủ bề, nhất là điện chiếu sáng để soạn giáo án. Nhiều khi không khỏi chạnh lòng. Bây giờ thì có thể chuyên tâm với nghề dạy học rồi, "an cư - lạc nghiệp" mà".


Niềm vui từ những ngôi trường mới của giáo viên và học sinh xã Hương Lâm cũng chính là niềm vui của rất nhiều thầy, trò các xã miền núi, xã khó khăn của huyện miền núi Hương Khê như Hương Giang, Hương Vĩnh, Phương Ðiền, Hương Trạch, Hương Ðô... Ðặc biệt, vùng rốn lũ Phương Mỹ, từ xưa đến nay người dân luôn phải vật lộn với biết bao khó khăn cách trở khi mùa lũ đến để tìm con chữ, thì một ngôi trường hai tầng, tám phòng học vừa được xây dựng là nguồn động viên quý giá cho vùng đất hiếu học này. Ðồng thời, ngôi trường cao tầng này cũng là địa điểm chống lũ lụt lý tưởng cho bà con, thầy cô giáo và học sinh ở chung quanh trường.


Với ngành giáo dục và đào tạo huyện Vũ Quang, Ðề án Kiên cố hóa trường học đã trở thành một "cây cầu" vững chắc nối bờ dạy - học. Với nguồn vốn gần 7 tỷ đồng đã giúp lãnh đạo địa phương tìm ra lời giải cho bài toán về hạ tầng cơ sở của huyện miền núi non trẻ. Ðặc biệt là nhà công vụ cho giáo viên, những người đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Chủ tịch UBND huyện Phan Ðức Cung cho biết: "Trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, với điều kiện kinh tế của địa phương, để xây dựng được cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu là rất khó khăn. Với chương trình này, huyện đã tích cực triển khai, mặc dù bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin rằng, tất cả đã đi đúng hướng bởi ý nghĩa, mục đích của đề án này lớn lắm. Mong rằng trong thời gian tới, huyện Vũ Quang được các cấp, ngành quan tâm nhiều hơn để phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương".


Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Ðào tạo, giai đoạn 2008 - 2012, Hà Tĩnh cần phải xây dựng gần ba nghìn phòng học để thay thế 322 phòng học tạm thời, 2.667 phòng học cũ, đã bị xuống cấp và 1.610 phòng công vụ. Từ nguồn trái phiếu Chính phủ, toàn tỉnh sẽ được đầu tư gần 420 tỷ đồng (chưa kể nguồn vốn đối ứng hơn 100 tỷ đồng). Trong hai năm 2008 - 2009, Hà Tĩnh đã đầu tư gần 300 tỷ đồng để xây dựng 183 công trình gồm 961 phòng học và 196 nhà công vụ trên địa bàn 12/12 huyện, thị xã, thành phố. Ðến nay, nhìn chung đề án đã được tổ chức triển khai đúng quy trình, các hạng mục thi công được thực hiện đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng. Trong đó, nổi bật nhất là các huyện Can Lộc, Ðức Thọ, Kỳ Anh đã thực hiện tương đối tốt về quá trình đầu tư xây dựng và giải ngân nguồn vốn. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Kỳ Anh thầy Quốc Anh cho biết: "Thực hiện đề án, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, khảo sát tình hình cụ thể của các trường học và tính toán, phân bổ nguồn vốn theo đúng nhu cầu thực tế của mỗi địa phương. Trong quá trình thi công các công trình, ban chỉ đạo huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc nhà thầu, đơn vị thi công và giám sát thực hiện đúng các tiểu chí đề ra, gấp rút hoàn thành các hạng mục theo đúng thời hạn. Ðến nay, có 18/21 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhờ đó, năm học này, chúng tôi đã phần nào bớt được gánh nặng về nỗi lo trường, lớp".


Có thể nói Ðề án đầu tư kiên cố hóa trường học, phòng công vụ là chủ trương mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Tất cả những kết quả đạt được đã vẽ nên một bức tranh nhiều gam mầu sáng về đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những khoảng tối cần được các cấp, ngành và mỗi cá nhân, đơn vị tập trung khắc phục, tìm giải pháp tháo gỡ. Trong đó, vướng mắc nhất hiện nay của các địa phương khi được hưởng lợi từ đề án vẫn là phần vốn đối ứng. Theo quy định, ở các xã miền núi, vốn đối ứng là 10%, các xã đồng bằng, tỷ lệ là 20% và địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn là 30%. Với nguồn ngân sách hạn hẹp, nhất là với những xã nghèo, tìm nguồn vốn đối ứng là một bài toán nan giải. Theo quy định, không được thu từ nguồn đóng góp của phụ huynh học sinh cho nên nhiều địa phương, chỉ vì kiên cố hóa trường học mà "chính quyền thành con nợ". Ông Lê Ðăng Liệu - Chủ tịch UBND xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) tâm sự: Ðể có được các công trình trường học đáp ứng nhu cầu của con em địa phương, xã đang phải gồng mình lãnh nợ. Chỉ riêng việc xây dựng trường học bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, xã phải đối ứng hơn 500 triệu đồng. Ðến nay, trường đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng nguồn đối ứng không biết đến bao giờ và lấy nguồn nào để trả". Bên cạnh đó, việc phân cấp chủ đầu tư cho cấp xã là chưa thật sự hợp lý vì cán bộ xã là những người kiêm nhiệm, thiếu năng lực quản lý. Một số chủ đầu tư cố tình vi phạm, thi công kém chất lượng mà vụ việc sập tường dẫn đến hậu quả chết người ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) là một điển hình. Mặc dù đề án có quy định, trên cơ sở mẫu thiết kế chung, chủ đầu tư nghiên cứu bổ sung phù hợp tình hình thực tiễn ở địa phương, nhưng hầu như các chủ đầu tư đều không dám vì không đủ năng lực để thay đổi. Vì vậy, phòng công vụ cho giáo viên theo định mức đầu tư 150 triệu đồng/phòng là chưa hợp lý. Một cô giáo ở Hương Khê cho biết: Trường em có gần 30 giáo viên nội trú mà chỉ được đầu tư năm phòng. Mỗi phòng chỉ ở được hai người mà xây hết 150 triệu đồng là quá lãng phí. Giáo viên bọn em không cần sang trọng thế đâu, chỉ tiện nghi là được rồi".


Có thể nói, giai đoạn 2008 - 2012 của Ðề án kiên cố hóa trường học, phòng công vụ cho giáo viên hai năm qua đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh Hà Tĩnh. Hy vọng rồi đây, đề án này sẽ được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và sát thực tế hơn để sự nghiệp trồng người trên đất Hà Tĩnh ngày càng gặt hái được nhiều thành công.
 
 
                                                                                    Theo ND

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục