Nhiều câu hỏi hay, thú vị của học sinh và phần trả lời xác thực của Ban Tư vấn đã giải tỏa được nhiều băn khoăn cho học sinh trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” tại Đà Nẵng

Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2010 do Báo NLĐ phối hợp với Sở GD-ĐT Đà Nẵng và Trường THPT Phan Chu Trinh - Đà Nẵng tổ chức sáng 7-3 đã thu hút hơn 1.000 học sinh (HS) và các bậc phụ huynh đến từ các trường THPT trên địa bàn TP: Phan Chu Trinh, chuyên Lê Quý Đôn, Hoàng Hoa Thám, Thái Phiên, Trần Phú, Ngô Quyền... tham dự. Chương trình cũng quy tụ lực lượng tư vấn hùng hậu đến từ các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng, Trường ĐH FPT tại Đà Nẵng, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Hoa Sen, cùng nhiều trường CĐ, trung cấp uy tín của TPHCM và Đà Nẵng tham gia.


Học sinh đua nhau đặt câu hỏi với ban tư vấn


Thực sự là tư vấn


Đúng 8 giờ, hội trường Trường THPT Phan Chu Trinh với hơn 1.000 HS sôi động hẳn lên khi MC Trà My giới thiệu thành phần Ban Tư vấn, vì đó là những người đến từ nhiều trường ĐH, CĐ, trung cấp mà các em quan tâm, muốn tìm hiểu cho kỳ thi tuyển sinh 2010 sắp tới.


Mở đầu buổi tư vấn, TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM, nhấn mạnh: “Điểm mới trong kỳ tuyển sinh 2010 là thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường”. TS Quang cũng “mách nước” cho HS những điều nên làm và những điều cần tránh trong việc chọn ngành đăng ký dự thi, làm hồ sơ đăng ký dự thi, khi đi thi và cách làm bài thi sao cho đúng quy định, đạt điểm cao. Đồng thời, thí sinh chỉ được phép chọn 1 trong 2 phần thi để làm bài, nếu làm cả 2 phần sẽ vi phạm quy chế và không được công nhận.


TS Quang vừa dứt lời cũng là lúc hàng trăm cánh tay HS mạnh dạn đưa lên đặt câu hỏi cho Ban Tư vấn với nhiều câu hỏi đa dạng, phong phú và thú vị. HS Huỳnh Thị Hạnh, Trường THPT Phan Chu Trinh, hỏi: “Thưa Ban Tư vấn, có phải tỉ lệ “chọi” cao thì điểm chuẩn sẽ cao không?”. TS Quang thay mặt Ban Tư vấn trả lời: “Tỉ lệ “chọi” chỉ là yếu tố để HS tham khảo chứ không phải là sự quyết định hoàn toàn đến điểm chuẩn sẽ cao, bởi điểm chuẩn còn phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh và năng lực học tập của thí sinh thi vào ngành đó thế nào. Nếu ngành, trường đó thu hút nhiều thí sinh giỏi thi vào thì điểm chuẩn sẽ cao...”.


Em Trần Thị Mai, HS Trường Thái Phiên, quan tâm đến cơ hội việc làm của ngành công nghệ sinh học ở Truờng ĐH Bách khoa Đà Nẵng. PGS-TS Hoàng Dương Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, giải thích: “Ngành này được Nhà nước đầu tư rất nhiều. Riêng tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã được đầu tư 2 triệu USD cho phòng thí nghiệm. Đây là ngành có cơ hội việc làm rất cao và sinh viên cũng có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ...”.


Quan tâm cơ hội chuyển ngành


Không chỉ quan tâm đến ngành học, việc làm, nhiều HS còn quan tâm đến việc học ở nước ngoài và những ngành nghề mới lạ. “Sau hai năm học ở VN nhưng không có điều kiện tiếp tục học ở nước ngoài, vậy sinh viên có được tiếp tục học tại Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM không?” - em Trương Thanh Hằng, HS Trường Chuyên Lê Quý Đôn, thắc mắc. “HS sẽ được tiếp tục ở lại học trong nước nhưng với điều kiện điểm đầu vào phải cao hơn điểm đầu vào nguyện vọng 1 của nhà trường” - đại diện tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế trả lời.


Em Hồ Thị Thanh Mai, HS Trường THPT Trần Phú, cũng đưa ra câu hỏi thú vị: “Sau thời gian học ĐH thì phát hiện mình không phù hợp với ngành đó, vậy em chuyển sang học ngành khác của trường có được không?”. TS Trần Quang Khải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, cho biết riêng trường ĐH công lập thì không được. Tuy nhiên, đại diện Trường ĐH FPT tại Đà Nẵng cho rằng riêng tại Trường ĐH FPT, HS có quyền chuyển sang ngành học khác nhưng học khối A thì chuyển qua những ngành đào tạo khối A chứ không thể sang khối C hay D được.


Tại buổi tư vấn, nhiều HS cũng mạnh dạn đặt ra những câu hỏi quan tâm đến các ngành mới lạ, như công nghệ nano hay điện hạt nhân... Nhiều HS cũng băn khoăn về chuyên ngành quản lý nhà hàng - khách sạn và quản trị du lịch - khách sạn khác nhau như thế nào. TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng, nhiệt tình giải thích: “Hai ngành này giống nhau trong lĩnh vực dịch vụ nhưng quản trị nhà hàng - khách sạn được đào tạo rộng hơn, sinh viên ra trường không chỉ làm hướng dẫn du lịch mà còn quản lý nhà hàng, khách sạn...”.


Học sinh Đà Nẵng nhận tài liệu tuyển sinh của chương trình

Tư vấn riêng: Thu hút đến phút cuối


Không chỉ quan tâm đến các trường ĐH, nhiều HS Đà Nẵng còn đặt ra những câu hỏi cho các trường CĐ, trung cấp. Em Hồ Thị Thanh Nhàn, HS Trường Ngô Quyền, hỏi: “Nếu học ngành đầu tư tài chính - ngân hàng hệ trung cấp tại Trường CĐ Kinh tế Việt Tiến, khi ra trường sẽ làm ở đâu?”. “Em có thể xin làm thủ quỹ ở ngân hàng hay công ty chứng khoán, bất động sản...” - đại diện Trường CĐ Kinh tế Việt Tiến trả lời.


Sau hơn 1 giờ 30 phút tư vấn chung tại hội trường, Ban Tổ chức đã bố trí các phòng riêng để các trường có dịp giải thích sâu hơn về quy chế, ngành nghề tuyển sinh của từng trường. Chương trình tư vấn riêng cũng thu hút khá nhiều HS quan tâm. Đặc biệt, Trường ĐH FPT tại Đà Nẵng phải ngồi lại đến hơn 11 giờ mới đáp ứng được cơ bản nhu cầu của HS.


Bà Nguyễn Thị Lan, phụ huynh em Phan Thị Thanh Hiền, HS Trường THPT Trần Phú, cũng đến tận phòng tư vấn riêng để nhờ Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cho lời khuyên về kinh nghiệm khi làm bài thi cũng như nên chọn học tiếng Anh hay tiếng Hàn. “Tôi rất tâm đắc với chương trình tư vấn của Báo NLĐ. Qua buổi tư vấn, tôi và con gái đã giải tỏa được băn khoăn về thủ tục đăng ký dự thi cũng như chọn ngành nghề cho đúng với sở thích, thế mạnh của con mình”.

Thiết thực, hữu ích


Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” tại Đà Nẵng năm 2010 do Báo NLĐ phối hợp với sở và Trường THPT Phan Chu Trinh tổ chức là chương trình hết sức thiết thực, hữu ích cho HS ở địa phương. Ông Hùng nhìn nhận: “Trước kỳ thi, HS và cả các bậc phụ huynh đều đứng trước những câu hỏi không dễ trả lời. Nhiều sự lựa chọn được đặt ra và cần sự tư vấn thỏa đáng. Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” của Báo NLĐ đã đáp ứng được sự mong đợi của HS và phụ huynh”.


“Thay mặt ngành giáo dục TP Đà Nẵng, các bậc phụ huynh và các em HS, tôi xin cảm ơn Báo NLĐ cùng đại diện những trường đã thực hiện buổi tư vấn có ý nghĩa này. Tôi mong rằng năm nào Báo NLĐ cũng tổ chức chương trình này tại Đà Nẵng, giúp HS nắm vững thông tin để chọn trường vừa sức, chọn ngành phù hợp với khả năng và điều kiện của từng em” – ông Hùng bày tỏ.

Trao 20  học bổng cho học sinh


Tại buổi tư vấn, Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng phối hợp với VPĐD Báo NLĐ tại Đà Nẵng đã trao 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, cho 10 HS Trường THPT Phan Chu Trinh đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện và HS có hoàn cảnh khó khăn nhưng vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 10 suất học bổng tiếng Anh, tin học, trị giá mỗi suất từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, cho những HS đặt câu hỏi hay với Ban Tư vấn

 

                                                                                    Theo NLĐ

Các tin khác

Không có hình ảnh
Đừng để thí sinh khốn khổ vì những câu chuyện
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân
phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Không có hình ảnh

6 ngành học mới nhất lần đầu được đào tạo hệ ĐH tại Việt Nam

Quy hoạch phát triển, Kế hoạch phát triển, Chính sách công, Chính sách phát triển, Kinh tế đối ngoại (Quản lý ODA và FDI) và ngành Tài chính công là 6 chuyên ngành mới lần đầu tiên được đào tạo hệ ĐH tại Việt Nam.

Thí sinh rối khi chọn ngành, chọn trường

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến thời điểm bắt đầu nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ nhưng không ít thí sinh vẫn rối bời khi chọn ngành, chọn trường...

Trường Mầm non Hoa Mai thị trấn Đà Bắc: Hướng tới môi trường giáo dục thân thiện

(HBĐT) - Năm 2008, trường Mầm non Hoa Mai (thị trấn Đà Bắc) vinh dự là trường duy nhất thuộc khối Mầm non của huyện Đà Bắc được UBND tỉnh cấp bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Những trường ĐH Việt Nam như thế nào sẽ phải đóng cửa?

"Sẽ có chế tài đóng cửa trường ĐH không đủ điều kiện" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà đã cho biết như vậy tại buổi họp báo triển khai những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012.

Đổi mới quản lý là khâu đột phá để đổi mới giáo dục đại học

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị việc đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá để tạo ra sự đổi mới toàn diện của giáo dục đại học, từ đó bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học một cách bền vững.

Chuyện 13 tuổi thẳng tiến vào đại học ở Việt Nam

Không lo lắng sẽ không theo được chương trình nếu học vượt lớp (để 13 tuổi vào ĐH) mà chỉ sợ sự khác biệt, ít tuổi hơn dễ bị bắt nạt hay anh chị lớn tuổi không cùng sở thích với mình...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục