Triển khai Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, theo thỏa thuận đã ký kết với UBND tỉnh Lai Châu, dựa vào những thế mạnh và năng lực hiện có, VNPT cam kết bảo đảm hỗ trợ Lai Châu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại 2 huyện nghèo nhất nước là Sìn Hồ và Mường Tè.

 

Từ tháng 5/2009, VNPT là một trong những Tập đoàn đầu tiên triển khai các hoạt động cụ thể để thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại 2 huyện nghèo nhất nước này.

Khai giảng lớp đào tạo BCVT đầu tiên

Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng BCVT, hỗ trợ y tế - khám chữa bệnh, xóa nhà tạm cho người dân, hỗ trợ tiền ăn cho học sinh người dân tộc Mảng và La Hủ… một trong những nội dung quan trọng của thỏa thuận hợp tác là VNPT tổ chức đào tạo dạy nghề cho con em địa phương tại 2 huyện Sìn Hồ và Mường Tè tại các trường Trung cấp nghề của VNPT và sau đó là tạo việc làm cho các em.

vmc
Niềm vui của các em học sinh trong ngày khai giảng.

Ngày 15/4/2010, tại trường Trung học BCVT-CNTT Miền Núi (Thái Nguyên), lần đầu tiên VNPT đã tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo BCVT-CNTT cho 35 em học sinh dân tộc thiểu số thuộc 2 huyện Sìn Hồ và Mường Tè – Lai Châu.

Trước ngày khai giảng, đích thân thầy Hiệu phó Nguyễn Văn Thái đã lên tận Lai Châu đón các em học sinh về nhập học. Lớp có 23 học sinh nam và 12 nữ, với trình độ học vấn tốt nghiệp cấp II, chưa một ai biết mặt nhau. Để tập trung đủ các em về trường, nhà trường đã chia làm 3 đợt đón tiếp. Một số em ở các xã xa xôi, hẻo lánh nhất của Sìn Hồ, Mường Tè như xã Nậm Cuối (Sìn Hồ), cách huyện 88 km; xã Nậm Hăn (Sìn Hồ) cách 112 km, xã Thu Lũm (Mường Tè) cách huyện tới 113 km, phải đi mất 4 ngày mới đến được trường.

Trong thời gian 6 tháng, Trường Trung học BCVT & CNTT Miền Núi sẽ trang bị cho các em những kiến thức cơ bản và có hệ thống về thể lệ, quy trình cung cấp các dịch vụ Bưu chính viễn thông tại điểm Bưu điện Văn hoá xã; kiến thức về máy tính, về cách sử dụng các dịch vụ BCVT…

Hiệu trưởng Trường Trung học BCVT & CNTT Miền Núi Đinh Quang Minh cho biết: “Chúng tôi đã điều chỉnh chương trình phù hợp trình độ của các em, với phương châm cụ thể hóa, đơn giản hóa để các em thấy dễ hiểu nhất và tiếp thu kiến thức nhanh nhất”.

Nhà trường đã bố trí các phòng ở được xây dựng khép kín. Do trình độ văn hoá của các em hạn chế, sống tại các vùng cao, ít va chạm và tiếp xúc xã hội, sống theo tập tục của địa phương, nên Nhà trường đã sắp xếp, và cử Giáo viên quản lý học sinh thường xuyên gần gũi, giúp đỡ các em mọi mặt trong thời gian đào tạo tại nhà trường.

Hàng tháng, ngoài tiền ăn, các em sẽ được Nhà trường cấp tiền sinh hoạt 100.000 đồng/tháng/em. Sau giờ học, các em sẽ được tham gia các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần như chơi cầu lông, đá bóng, bóng chuyền, đi tham quan...

Vượt khó đến trường

Theo Thầy Hiệu trưởng Đinh Quang Minh, tại 2 huyện khó khăn và nghèo nhất nước này, việc tìm được các em có trình độ lớp 9 rất khó khăn; bởi số em đạt trình độ này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thực tế, để được đi học và đến trường, bản thân các em đã phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm vượt khó cao. Đường sá đi lại khó khăn, nhiều nơi trong huyện Sìn Hồ và Mường Tè chưa có đường; chưa có điện; lại lũ lụt, hạn hán, thường xuyên thiếu nước, rau xanh và cả gạo. Nhưng ước mơ lớn nhất của các em là được bố mẹ cho đi học, được ăn no, và được tự mình kiếm sống, ở miền núi vùng sâu vùng xa này, với phần đông các gia đình, điều này rất khó thực hiện.

Niềm vui đã đến với đồng bào thiểu số ở hai huyện nghèo nhất cả nước.
Niềm vui đã đến với đồng bào thiểu số ở hai huyện nghèo nhất cả nước.

Nếu ai đã từng gặp em Sùng A Chá – xã Tà Tổng, Mường Tè, đều khó có thể quên nổi ánh mắt đau đáu niềm hy vọng được đi học, được đi làm, để gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Tà Tổng trước đây vốn thường xuyên “nổi tiếng” vì nghèo khó nhưng lại “gợi nhắc” đến tệ nạn rượu và thuốc phiện. Từ thị xã Lai Châu, phải mất một ngày xe, với hơn 200 km mới đến thị trấn Mường Tè. Từ trung tâm huyện đến Tà Tổng chỉ 30 km, nhưng thời gian cũng mất một ngày đi bộ.

Nhiều xã thuộc Tà Tổng hiện vẫn đang ở trong tình trạng không điện, không đường, không trường, không trạm. Trong số 35 em học sinh, Chá là một trong số ít các em đã tốt nghiệp lớp 12. Từ khi 13 tuổi, Chá đã thường xuyên đi bộ 15 km, sau đó tiếp tục đi xe ôm khoảng 25 km để đến trường nội trú học.

“Chỉ đi học mới thoát nghèo và nâng cao đời sống gia đình được thôi chị ạ! Em còn mong được học cao hơn như đại học hoặc lớp nào đại loại như thế” - Bằng chất giọng lơ lớ, nói tiếng Kinh đang còn chưa sõi, Chá tâm sự, để được đi học ở Thái Nguyên, trước khi đi, gia đình em đã phải bán một con dê để lấy tiền mua quần áo và đồ dùng cá nhân.

Để tiết kiệm tiền đi học, em Phùng Mò Pứ - xã Bum Tở, Sìn Hồ đã dành dụm tiền bán củi và bán củ giềng đi mót trong rừng. Mò Pứ là học sinh duy nhất người La Hủ. Trước đây, người La Hủ được biết đến với tên gọi người Xá Lá Vàng, bởi tập tục dựng nhà từ thân tre, mái lợp bằng lá chuối. Hễ cứ đến ngày lá trên mái nhà chuyển sang màu vàng, dân chuyển đến nơi khác và dựng nhà mới. Hiện tại, dân tộc La Hủ đã sống định canh định cư thành từng bản và La Hủ vẫn là một trong số năm dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nhất nước.

Nhà em Phùng Mò Pứ có 4 chị em, bố mất sớm vì bị bệnh, nhà em thường xuyên thiếu ăn, và phải ăn sắn, ăn khoai thay cơm và chưa có điện. Khi nói chuyện, cô gái có dáng vẻ rắn rỏi, mạnh mẽ này đã không kìm được nước mắt và liên tục nhắc “khổ lắm chị ạ, giờ em đang được làm cán bộ chuyên trách về dân số trên xã, và kiêm luôn làm việc ở BĐVH xã nên đời sống mới đỡ khó khăn”.

Đã và đang làm ở điểm BĐVH xã Bum Tở, nên với Mò Pứ, việc tham gia lớp học BCVT-CNTT khiến em rất vui. Hôm khai giảng, em dậy từ sáng sớm tinh mơ và diện ngay bộ trang phục dân tộc La Hủ để chuẩn bị tham dự.

Vào tháng 10 tới, 35 em học sinh dân tộc thiểu số được đào tạo hôm nay sẽ tốt nghiệp khóa học và trở về công tác tại địa phương mình. Hẳn các em sẽ không thể quên những tháng ngày được học tập cùng nhau, lại càng không thể quên mái trường Trung học BCVT-CNTT Miền Núi đã góp phần giúp các em “đổi đời” trong cuộc sống còn nhiều  khó khăn này.

 

                                                                      Theo VietNamnet

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục