Hai chị em Thúy Duy và Minh Thường trong căn phòng trọ.
Để có tiền lo cho đứa em trai học đại học, người chị gái phải bỏ quê lặn lội lên thành phố tìm việc làm. Không chỉ thế, với nghị lực phi thường, người chị gái này đã đăng ký học thêm rồi thi đỗ vào một trường cao đẳng.
Sau nhiều lần điện thoại hẹn gặp, một tối tháng 4, chúng tôi tìm đến khu nhà trọ mà 2 chị em Lê Thúy Duy (23 tuổi) và Lê Minh Thường (22 tuổi) đang trọ học ở số 401/5, khu vực 6, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Bỏ quê lên phố kiếm tiền nuôi em ăn học
Căn phòng trọ chừng hơn chục m2 nhưng chứa đủ thứ đồ đạc từ nồi niêu xoong chảo đến quần áo, sách vở và thêm 2 chiếc xe đạp cũ kỹ khiến phòng đã hẹp lại càng chật chội hơn. Căn phòng này 2 chị em Duy đã ở gần 4 năm nay. Em Thường cho biết: “Lúc mới ở chỉ chừng 200.000 đồng/tháng, đến giờ đã lên hơn 600.000 đồng/tháng, con số này cũng là một gánh nặng cho 2 chị em em”.
Duy và Thường sinh ra trong gia đình rất nghèo ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Nhà có 5 chị em gái, 2 chị gái đầu đã lấy chồng ở xa, Duy là con thứ 3, Thường thứ 4, còn một em gái út đang học lớp 11. Thường nhớ lại: “Trước đây nhà em cũng có đất đai canh tác nhưng rồi khoảng năm 2005 cha bị bệnh, nhà em phải bán đất lo chữa trị cho cha nhưng cũng không có kết quả gì. Cha bị tâm thần từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân đều do một tay mẹ em chăm sóc và kinh tế gia đình đặt luôn lên đôi vai của mẹ”.
Sau khi bán hết đất đai, cả nhà phải ở đậu trên đất mượn của một người chú. Ngoài nền nhà thì chú cũng cho mượn đất để canh tác nhưng cũng chỉ làm được mấy liếp rau cải bán mua gạo đắp đổi qua ngày. Thường bộc bạch: “Số tiền bán rau cũng chỉ đủ để mẹ lo cho cha và đứa em gái đang học lớp 11”.
Khi cha bị bệnh cũng là lúc Duy vừa học xong lớp 11, em quyết định nghỉ học ở nhà phụ mẹ chăm bệnh cho cha. Sau 1 năm, sức khỏe của cha Duy dần hồi phục thì cũng là năm mà cậu em trai Minh Thường thi đậu vào ngành Bác sĩ Đa khoa, Trường ĐH Y - dược Cần Thơ.
Do nhà quá khó khăn không có khả năng lo việc học hành nên Duy quyết định bỏ quê nhà lặn lội lên TP Cần Thơ xin việc làm kiếm tiền nuôi Thường ăn học. Sau nhiều lần tìm kiếm chỗ này đến chỗ khác, Duy xin vào Công ty May Tây Đô với lương tháng thời điểm đó chừng hơn 500.000 đồng (năm 2006). Với số tiền ít ỏi này, Duy hết sức tiết kiệm trong mọi chi tiêu, tất cả đều dành lo cho em trai. Còn em Minh Thường cũng hiểu được công sức của chị nên cố gắng học và dè xẻn từng đồng trong chi tiêu.
Vừa làm vừa học lo tương lai
Làm được 1 năm và sau bao trăn trở, Duy quyết định đăng ký học bổ túc lớp 12 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Cần Thơ để hoàn thành cấp học phổ thông. Duy đi làm ban ngày, đi học ban đêm như thế suốt 1 năm trời và cuối cùng Duy cũng học xong lớp 12. Duy bày tỏ: “Hồi học xong lớp 11 rồi nghỉ em buồn lắm nhưng vì hoàn cảnh nên em đành chịu. Bởi thế khi có điều kiện em quyết định học cho đến nơi đến chốn để có thể lo cho tương lai của mấy đứa em sau này”.
Năm 2009, Duy thi đậu vào Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ ngành Nông học năm 2009. Từ lúc đó, chi phí cho việc học của 2 chị em tăng lên. Thường đóng học phí một năm gần 2,5 triệu đồng, còn Duy thì cũng gần 1,5 triệu đồng. Rất may, thời điểm này sinh viên được vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội (mỗi học kỳ 4 triệu đồng) nên cả 2 chị em đều làm hồ sơ vay để có tiền đóng học phí.
Chị em Duy bày tỏ: “Mọi chi phí của tụi em đều phụ thuộc vào tiền vay này. Ngoài tiền đóng học phí, còn lại tụi em phải tiết kiệm mới đủ để mua sách vở, giáo trình rồi tiền nhà trọ, ăn uống nữa. Nhiều khi phải ăn mì tôm thay cơm để tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Hiện 2 chị em thiếu ngân hàng gần 30 triệu đồng. Học xong xin được việc làm cũng là một trở ngại nên thấy con số hàng chục triệu đó mà tụi em thấy sợ quá”.
Qua hơn 1,5 năm học, Duy đều đạt kết quả sinh viên giỏi nên mỗi tháng cũng được lãnh thêm tiền học bổng của trường. Dù số tiền không nhiều nhưng cũng góp thêm vào việc chi tiêu cho cả 2 chị em. Riêng Thường thì hơn 4 năm qua cũng có kết quả học tập loại khá.
Và ước mơ có thành hiện thực?
Kể về bố mẹ, Duy chia sẻ: “Ở nhà mẹ em cực lắm, phải vừa lo cho cha, vừa lo kiếm miếng cơm ăn hàng ngày cho 3 miệng ăn, rồi tiền học cho đứa em gái út. Thương mẹ nên tụi em đều cố gắng học cho thật tốt, mong sau này ra trường có việc làm kiếm tiền để đỡ đần cho mẹ”.
Nói về ước mơ sau này, em Thường cho biết: “Còn hơn 1 năm nữa em mới ra trường. Mong là sau khi học xong em xin được việc ở gần quê nhà để có thể vừa làm, vừa ở nhà giúp đỡ gia đình”. Còn Duy ước ao: “Nếu có điều kiện thì học xong, em muốn được học liên thông lên dại học. Còn không thì xin việc làm để ngoài lo cho bản thân còn phụ em lo cho gia đình nữa”.
Gia đình không giúp được gì cho 2 chị em, mọi việc ăn học đều do 2 chị em tự gánh lấy. Nhưng thời gian sắp tới, chương trình học sẽ nhiều hơn, chi phí sẽ cao hơn rồi tiền nợ ngân hàng sẽ lại tăng cao… Những khó khăn này có thể sẽ làm trở ngại con đường học tập của 2 chị em. Biết đâu, Duy lại phải một lần nữa dở dang học hành.
Nghị lực của 2 chị em Thúy Duy, Minh Thường quả thật khiến chúng tôi cảm động và khâm phục. Nhưng không biết rồi ước mơ của 2 chị em có thành hiện thực khi trước mắt họ có nhiều khó khăn như thế?
Theo Dantri
Ngành giáo dục rất cần một sự cải tổ theo hướng giảm tải mạnh hơn nữa, tăng thời gian thảo luận, tự học và sáng tạo theo sở thích, và nên coi đây là công việc cấp bách, có tầm quan trọng sống còn. Ngay lúc này, có thể thành lập hệ thống câu lạc bộ Sáng Tạo Kiên Trì (CLB STKT ) ở các trường phổ thông, nhằm thu hút học sinh tham gia trong thời gian rỗi, đặc biệt là các em có năng lực trí tuệ trên mức trung bình, có khả năng giải quyết nhanh các bài tập được giao ở trường.
Phải chấp nhận lịch học theo thời gian rảnh của giảng viên, thường xuyên đối diện với việc nghỉ học bất ngờ, chịu học dồn ngày thứ 7, chủ nhật... Đó chính là nỗi khổ của sinh viên học các khoá liên thông tại nhiều ĐH, CĐ.
Ngày 20-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Ðào tạo phối hợp Liên minh chiến dịch toàn cầu hành động vì giáo dục tổ chức hưởng ứng Tuần toàn cầu vì mục tiêu giáo dục cho mọi người từ ngày 19 đến 25-4 với chủ đề chính "Tăng cường đầu tư cho giáo dục".
(HBĐT) - Ngày 20/4, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn công tác tổ chức thi tốt nghiệp năm học 2009 – 2010 cho hiệu trưởng, hiệu phó các trường THPT và giám đốc, phó giám đốc Trung tâm GDTX trong toàn tỉnh.
(HBĐT) - Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2009 – 2010, đoàn học sinh giỏi tỉnh ta có 74 em tham dự ở 12 môn thi gồm: Toán, Vật Lý, Hoá Học, Sinh Học,Tin Học, Ngữ Văn, Địa Lý, Lịch Sử, Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Pháp, Tiếng Nga. Kết quả đã có 40 em đạt giải, trong đó có 39 em ở trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, 1 em ở trường Phổ thông DTNT tỉnh.
Bộ GD-ĐT quy định, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh không theo học hết chương trình ngoại ngữ hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy - học được thi thay thế bằng môn Vật lí.