GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ sự lo lắng trước tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao đột biến năm nay
- Ông Nguyễn Minh Thuyết: Chúng ta cần bàn thảo một cách bình tĩnh để đánh giá đúng kết quả kỳ thi này. Theo tôi, tỉ lệ đỗ cao năm nay cũng dễ hiểu vì trước hết, đề thi sát với trình độ trung bình của học sinh (HS).
Tiếp đó, khả năng kiểm soát kỷ cương trường thi cũng khó, khi mà số lượng giám thị biệt phái của Bộ GD-ĐT năm nay rất ít. Qua báo chí, tôi cũng thấy hiện tượng “phao” trắng sân trường ở nhiều điểm thi. Đây là thực tế cần suy nghĩ để đánh giá đúng thực chất.
Có tác động của nhà tổ chức
. Ông mừng hay lo trước con số tỉ lệ tốt nghiệp THPT “đẹp” như năm nay? Ông có cho rằng tỉ lệ tốt nghiệp cao bất thường ấy phản ánh chất lượng giáo dục tăng đột biến?
- Giáo dục là lĩnh vực mà chất lượng không thể tăng đột biến. Về nguyên tắc, đây là một lĩnh vực mà chất lượng tăng chậm nhất vì không có phép màu nào tạo ra sự thay đổi đột ngột chỉ sau một năm học.
Cần phải phân tích kỹ cách tổ chức thi. Tôi cảm thấy lo bởi chưa có giải pháp hữu hiệu nào nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Thi đỗ tốt nghiệp THPT cao như thế cũng không làm cho tôi vui mừng. Tôi lo không phải vì con số đẹp mà lo vì chưa thấy có một sự thay đổi nào về cách tổ chức thi, quan niệm và cách đánh giá chất lượng...
. Nếu không phản ánh chất lượng tăng đột biến thì kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay phản ánh điều gì? Phải chăng là người tổ chức kỳ thi mong muốn có con số đẹp?
- Tôi nghĩ có tác động của người tổ chức. Tỉ lệ tốt nghiệp cao hay thấp chịu tác động của nhiều nguyên nhân, như đề thi dễ hay khó, coi thi lỏng hay chặt... Còn tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất có phải là mong muốn của người tổ chức về một con số đẹp sau 4 năm triển khai cuộc vận động “Hai không” hay không thì hiện chưa đủ cơ sở để đánh giá.
Các thí sinh vui mừng sau khi làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Ảnh: TẤN THẠNH
Dù rất nhiều người cùng có suy nghĩ đó nhưng để khẳng định thì phải có bằng chứng. Tôi không đủ căn cứ để nói rằng kết quả đẹp này là biểu hiện của bệnh thành tích. Tuy nhiên, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên quan tâm và đánh giá thật nghiêm khắc xem có đúng như vậy không.
Dồn gánh nặng cho thi ĐH
. Thưa ông, tỉ lệ tốt nghiệp cao bất thường sẽ tác động thế nào tới kỳ thi ĐH sắp tới?
- Thực tế, ai cũng mơ vào ĐH và HS tốt nghiệp THPT hoàn toàn đủ quyền thi vào ĐH. Vì thế, tỉ lệ tốt nghiệp cao cũng dẫn tới con số đăng ký thi vào ĐH, CĐ năm nay sẽ tăng cao.
Tôi nghĩ, dù tốt nghiệp THPT cao nhưng chất lượng đầu vào ĐH năm nay vẫn như những năm trước, chỉ có số người thi đông hơn, số bài phải chấm nhiều hơn. HS học lực yếu mà vẫn đăng ký thi ĐH, CĐ là lãng phí tiền, thời gian vì hầu như không có cơ hội đỗ đạt.
Tỉ lệ tốt nghiệp cao chắc chắn sẽ dẫn tới hệ quả là tốn kém thêm cho người dân và Nhà nước trong kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới. Tôi cho rằng mỗi gia đình và HS cần tự phân tích, đánh giá năng lực thực sự của mình cũng như điều kiện kinh tế để quyết định thi hay không thi ĐH, CĐ.
. Nhằm tránh tạo áp lực quá lớn cho các kỳ thi ĐH, CĐ, cần phải có sự phân luồng trong giáo dục phổ thông nhưng ngành giáo dục đã làm công tác này thế nào?
- Đây là điều dở nhất của ngành giáo dục nước ta hiện nay. Việc triển khai thực tế của ngành giáo dục hiện không đúng theo định hướng phân luồng HS. Thực tế hiện nay là sau THCS, HS lên THPT gần hết, thiếu trường công đã có trường tư. Duyệt cho mở trường tư chính là ngành giáo dục. Tốt nghiệp THPT, HS lại đua nhau vào ĐH.
Thế là hàng loạt trường tư ra đời, trong đó thậm chí có nhiều trường không đủ điều kiện, để thỏa mãn nhu cầu của HS. Thỏa mãn nhu cầu học tập của người dân là đúng song cách làm hiện nay là hình thức. Tôi muốn nói thẳng là thỏa mãn mục đích của một số người có ý định kinh doanh giáo dục khi mở trường tư.
Tâm lý đổ lỗi
. Tỉ lệ tốt nghiệp cao đột biến sẽ tác động thế nào tới chất lượng giáo dục ĐH, thưa ông?
- Chất lượng tốt nghiệp THPT là chất lượng đầu vào của giáo dục ĐH. Nếu chúng ta phân luồng tốt thì việc HS tốt nghiệp THPT đông sẽ không ảnh hưởng xấu tới chất lượng ĐH nhưng nếu phân luồng không tốt sẽ làm cho số thí sinh đăng ký thi ĐH, CĐ cao lên.
Tuy nhiên, việc tuyển chọn của các trường ĐH lại là vấn đề hoàn toàn khác, điều này phụ thuộc vào từng trường. Nếu vào những trường ĐH mà thi được 7-8 điểm/3 môn cũng trúng tuyển thì chỉ phí thời gian và tiền của.
Hiện nay, có tâm lý người này đổ lỗi cho người khác, cấp học trên đổ lỗi cho cấp học dưới. Thầy ĐH kêu chất lượng sinh viên đầu vào kém, thầy THPT lại kêu chất lượng học sinh THCS yếu... Cứ đổ lỗi loanh quanh như vậy thì không giải quyết được vấn đề. Tôi cho rằng mỗi người ở cương vị của mình hãy làm tốt công việc thì công việc chung tự khắc sẽ tốt.
. Ông có lo chất lượng đầu vào không tốt trong bối cảnh trường ĐH tư mọc lên như nấm sau mưa vừa qua sẽ cho ra “lò” một đội ngũ nhân lực không bảo đảm yêu cầu?
- Tôi rất lo về điều này. Chưa nói tới những trường không tên tuổi, ngay cả các trường uy tín hiện nay cũng chưa làm tốt việc sàng lọc sinh viên. Trong số sinh viên tốt nghiệp ở các trường ĐH danh tiếng vẫn có những người kém cỏi. Những người tốt nghiệp ở các trường ĐH chạy theo mục tiêu càng nhiều càng tốt thì chất lượng càng đáng lo lắng hơn.
Theo Báo NLĐ
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã khẳng định như vậy. Ông Chương cho biết, trong những năm qua, toàn ngành giáo dục đã vận động đổi mới phương pháp giảng dạy, không nặng lý thuyết, tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức. Do đó, đề thi tuyển sinh lớp 10 yêu cầu thí sinh phải biết cách vận dụng kiến thức đã học, không học thuộc lòng.
Nắng nóng cộng thêm mất điện, lại sống trong những khu nhà trọ lợp mái tôn pro xi măng. Tất thảy biến nơi ở của không ít sinh viên thành “ lò hấp” chính hiệu. Sinh viên đang tìm đủ mọi cách tránh “lò hấp” này.
Ngày 17/6 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô - Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Phật học cho trên 300 tăng, ni sinh khóa V(2006-2010) và khai giảng khóa học thứ VI (2010-2014).
(HBĐT) - Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức,3 năm qua, tỉnh ta đã dành nguồn kinh phí trên 10,5 tỷ đồng để mở 358 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 14.973 lượt cán bộ, công chức, viên chức.
(HBĐT) - “Bồi dưỡng giáo viên giỏi, học sinh giỏi luôn được trường PTDTNT huyện Tân Lạc xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi năm học. Có nhiều giáo viên giỏi, học sinh giỏi mới tạo được niềm tin với học sinh và các bậc phụ huynh, nhất là đối với một ngôi trường DTNT có 100% học sinh phải sống xa gia đình, việc dạy dỗ phần lớn nhờ vào vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo”. Thầy giáo hiệu trưởng Bùi Văn Hiệp chia sẻ.
Nhiều chương trình liên kết công khai tuyển sinh và đào tạo, đến khi sinh viên (SV) gặp rắc rối mới vỡ lẽ đó là chương trình trái phép.