Kỳ thi tuyển sinh đại học luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Ðúng 10 giờ 15 phút ngày 10-7, khi hai đợt thi đại học chính thức khép lại, những mong muốn về một kỳ thi nghiêm túc, hiệu quả đã cơ bản được đáp ứng.

 
Khắc phục nhiều hạn chế


Kỳ thi tuyển sinh đại học dù không phải là tất cả nhưng cũng là thước đo quan trọng nhằm phân loại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Kỳ thi tuyển sinh năm nay có 195 lượt cơ sở đào tạo là học viện, trường đại học tổ chức thi tuyển. Số hồ sơ đăng ký dự thi năm 2010 có hơn 1,6 triệu hồ sơ (giảm 10,74% so năm 2009) nhưng số thí sinh đến dự thi lại đạt tỷ lệ cao, với 77%  so đăng ký (cao hơn năm 2009 là 6,93%). Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt cao so với đăng ký cho thấy những điều chỉnh trong quy chế thi tuyển sinh năm 2010 phù hợp  nhu cầu thực tiễn thi cử hiện nay; phần nào đã khắc phục được những điểm yếu của các kỳ thi trước đây. Trong đó, các trường thực hiện ba công khai để thí sinh biết rõ mức thu chi học phí, các điều kiện bảo đảm chất lượng của từng trường; đối tượng dự thi được mở rộng với các học sinh đã tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề; lệ phí hồ sơ và lệ phí thi tăng từ 60 nghìn lên 80 nghìn đồng và thực hiện thu ngay từ khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi nhằm giảm lượng hồ sơ ảo... Mặt khác, số thí sinh dự thi đạt tỷ lệ cao, phản ánh sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của mỗi thí sinh và phụ huynh: con đường tiến thân là phải vào đại học. Các thí sinh đã từng bước xác định được khả năng kiến thức và mục tiêu phấn đấu của mình trong việc lựa chọn ngành thi, trường thi.


Là năm thứ chín liên tiếp Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) thực hiện Ðề án cải tiến thi tuyển sinh, giữ ổn định theo giải pháp ba chung (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả để xét tuyển vào nhiều trường) góp phần giảm thiểu những hạn chế, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Theo Hiệu trưởng Trường đại học Thủy lợi Nguyễn Quang Kim, giải pháp thi hiện nay giảm đáng kể những chi phí không đáng có. Ngoài ra, với điểm sàn sử dụng cho tất cả các trường sẽ giữ được chuẩn nhất định cho chất lượng tuyển sinh không quá thấp. Các trường giảm hẳn gánh nặng trong khâu ra đề và bảo mật đề thi, một trong những khâu dễ xảy ra rủi ro và tốn kém; tránh được tình trạng trường ra đề thi dễ, đề thi khó theo mục tiêu tuyển sinh của mình. Áp dụng phương thức thi hiện nay còn giúp thí sinh có nhiều cơ hội hơn trong chọn ngành, chọn trường.


Ðáng chú ý, đề thi năm nay được bảo mật tuyệt đối, không có sai sót về nội dung và hình thức. Các cán bộ biên soạn, phản biện đề thi là giáo viên các trường THPT, giảng viên các trường đại học có trình độ chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, của thí sinh và dư luận xã hội, đề thi nằm trong chương trình THPT, không quá dài, quá khó, phù hợp với thời gian làm bài theo từng bộ môn và phân loại được thí sinh.


Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội, từ các ngành công an, giao thông vận tải; lực lượng sinh viên, thanh niên tình nguyện và các tổ chức đoàn thể khác... chung tay góp sức cùng ngành GD và ÐT tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Trật tự, trị an kỷ luật phòng thi được giữ vững đến giờ thi cuối cùng. Cán bộ coi thi cũng như mọi thí sinh nêu cao tinh thần trách nhiệm; thực hiện nghiêm quy chế thi nhằm hạn chế số trường hợp bị xử lý kỷ luật. Trong cả hai đợt thi, thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng vấn đề an toàn vệ sinh được bảo đảm tốt, không xảy ra sự cố đáng tiếc nào; không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện góp phần quan trọng hỗ trợ các công tác bảo đảm giao thông, hỗ trợ thí sinh dự thi. Cả nước cũng đã có hàng trăm nghìn chỗ trọ miễn phí, giá rẻ và hàng chục nghìn suất ăn từ thiện thể hiện tình tương thân, tương ái được các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện, góp phần quan trọng giúp thí sinh, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi thuận lợi.    


Cần thêm những điều chỉnh linh hoạt


Mặc dù đạt được nhiều kết quả góp phần nâng cao chất lượng và đổi mới kỳ thi nhưng qua hai đợt thi cũng bộc lộ một số tồn tại. Việc tổ chức thi theo hình thức ba chung, tập trung quá nhiều thí sinh về các thành phố lớn cho nên tình trạng các hội đồng tuyển sinh phải thuê mượn địa điểm thi ở các trường tiểu học còn khá phổ biến làm cho thí sinh phải ngồi làm bài ở bàn ghế của học sinh tiểu học ngắn và thấp không phù hợp. Nhiều trường có đến 30% - 40% số điểm thi là trường tiểu học, như Trường đại học Công đoàn, Viện đại học mở Hà Nội... Ngoài ra, lệ phí thi, tuyển sinh đã có sự điều chỉnh tăng lên và thu cùng vào thời điểm thí sinh nộp hồ sơ nhưng do một số trường không tổ chức thi, trong khi nhiều trường  phải tổ chức cho cả thí sinh thi nhờ của trường khác gây nên sự tốn kém kinh phí, sự bị động trong công tác tổ chức thi. Nhất là giá in sao mỗi đề thi quá cao gây tốn kém cho các trường. Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa, GS Trần Trọng Giảng lo ngại: Việc tổ chức thi hiện nay đang hạn chế trong việc phân chia các trường có đẳng cấp. Cụ thể, trường "cao" đòi hỏi chất lượng "đầu vào" cao hơn mà thi chung thì chưa thể đánh giá đúng. Theo Trưởng Phòng đào tạo Viện đại học mở Hà Nội Nguyễn Hoàng, hình thức thi hiện nay giảm được gánh nặng ra đề cho các trường nhưng các trường tuyển sinh  quá nhàn rỗi thì về lâu dài là không tốt vì các trường cần phải tính đến chiến lược phát triển của đơn vị mình. Mặt khác, để chất lượng giáo dục đại học thật sự được nâng cao cần sự phát triển đa dạng và các trường đại học thể hiện được trách nhiệm tự chủ của mình trên cơ sở các quy định chung và trên cơ sở năng lực đào tạo, năng lực tài chính và uy tín của trường. Quyền Trưởng Phòng đào tạo Trường đại học Hà Nội Lê Quốc Hạnh nhận định, những điều chỉnh của kỳ thi năm nay là hợp lý. Hình thức thi đại học hiện nay tạo một "sân chơi" chung cho các trường. Kết quả thi, tuyển sinh sẽ lộ rõ trình độ, chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo giữa các trường. Tuy nhiên, việc tổ chức thi tuyển sinh đại học hiện nay đã biến hoạt động bình thường của một ngành trở thành một việc của toàn xã hội, gây tâm lý nặng nề. Mặt khác, nếu Bộ GD và ÐT can thiệp quá sâu vào các hoạt động thi cử, tuyển sinh... của các cơ sở đào tạo rất dễ trở thành kiểu hoạt động "công ty mẹ-công ty con" trong thi cử nói riêng, GD và ÐT nói chung.


Mặt khác, dù có những chuyển biến về tâm lý, nhận thức trong việc xác định đỗ vào đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất. Tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn còn 23% số hồ sơ ảo khiến cho công tác chuẩn bị thi tốn kém hàng chục tỷ đồng. Tâm lý thi cử vẫn còn là áp lực nặng nề với thí sinh, phụ huynh. Nhiều thí sinh sau khi ôn tập thi cử miệt mài cùng với áp lực và tâm lý nên bị ốm, không làm được hết bài thi theo khả năng kiến thức hoặc phải bỏ thi giữa chừng. Ðây là điều rất đáng lưu tâm cho các kỳ thi sau, cần trang bị kiến thức và giúp các em có bình tĩnh, tự tin, xác định năng lực của mình ngay từ quá trình học tập và ôn tập trước khi bước vào kỳ thi. Công tác phổ biến quy chế thi, kỷ luật phòng thi được siết chặt nhưng tình trạng giám thị và thí sinh vi phạm quy chế vẫn diễn ra. Kết thúc hai đợt thi có tổng số chín cán bộ và 256 thí sinh bị xử lý kỷ luật. Trong đó có sáu cán bộ và 200 thí sinh bị đình chỉ. Một số hội đồng thi còn xếp quá nhiều thí sinh/phòng thi sai quy định. Ngoài ra, thời tiết những ngày thi khá nắng nóng nhưng vẫn xảy ra tình trạng mất điện ở một số điểm thi.


Có thể nói, kỳ thi đại học năm 2010 mặc dù vẫn còn một số khuyết điểm nhưng về cơ bản đã khắc phục được nhiều hạn chế của các kỳ thi trước đây. Những bước đi thích hợp trong tổ chức thi, tuyển sinh đại học nhằm giảm thiểu gánh nặng tâm lý thi cử, hạn chế tối đa những tốn kém không đáng có và thực hiện kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực sẽ góp phần tạo tiền đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.


                                                                                        Theo ND

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục