Ngày 10-8, Báo SGGP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để trúng tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3?”. Trong gần 3 giờ, hàng trăm thắc mắc của bạn đọc đã được giải đáp bởi Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, thành viên Hội đồng điểm sàn Bộ GD-ĐT; Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen; Th.S Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang; Th.S Nguyễn Văn Long Giang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật; Th.S Huỳnh Tổ Hạp, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn. Các chuyên gia khẳng định: Cơ hội vào NV2, 3 không ít nhưng không dễ vào và gợi mở “bí quyết” giúp thí sinh (TS) nắm chắc cơ hội để chiến thắng trong cuộc đua này.

 

Buổi giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để trúng tuyển NV2, NV3” do Báo SGGP tổ chức. Ảnh: MAI HẢI

NV2: Cửa rộng nhưng có dễ vào?

Mức điểm sàn ĐH-CĐ được giữ nguyên như năm 2009 (khối A,D: 13 điểm; khối B, C: 14 điểm) trong khi mặt bằng điểm thi năm nay thấp hơn khiến cuộc đua vào NV2, NV3 trở nên căng thẳng. Theo tính toán, gần 200.000 TS trên sàn sẽ bắt đầu cuộc xét tuyển cam go để giành một suất vào ĐH trong số 70.000 chỉ tiêu dành cho NV2, 3. Khối A có hơn 37.000 chỉ tiêu nhưng có đến 90.000 TS trượt NV1 có điểm thi từ “sàn” trở lên sẽ tranh đua ở NV2, NV3; khối B còn thiếu 6.000 chỉ tiêu nhưng con số TS đủ điều kiện xét tuyển lên đến hơn 50.000 TS. Tương tự, khối C còn 6.552 chỉ tiêu nhưng “cuộc chiến” lại thu hút hơn 13.400 TS, khối D có 18.923 chỉ tiêu cho NV2 cũng có đến 31.000 TS xét tuyển. Cơ hội vào ĐH bằng NV2 tuy nhiều nhưng TS chỉ có một lựa chọn duy nhất.

“Ngoài yếu tố điểm thi cao, còn những yếu tố nào quyết định đến đậu – rớt ở NV2?”. Câu hỏi của một bạn đọc cũng là băn khoăn chung cho tất cả TS đang cân nhắc NV2 đã được Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa giải đáp: Khi rớt NV1, nhiều TS có tâm lý lo lắng, căng thẳng liền vội vàng đăng ký xét tuyển NV2 theo kiểu vơ… đại nhưng đây là điều tối kỵ. TS cần hiểu, việc nộp hồ sơ xét tuyển NV2 sớm không phải là tiêu chuẩn để quyết định đậu rớt trong xét tuyển NV. Tiêu chí quan trọng nhất là điểm thi và số lượng TS xét tuyển. Thời gian xét tuyển NV2 khá dài, đủ để TS bình tĩnh, cân nhắc kỹ trước khi quyết định. TS cần nắm đầy đủ thông tin về ngành, trường xét tuyển NV2, điểm xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển NV2... Cơ hội trúng tuyển NV2, 3 cao khi chỉ tiêu xét tuyển nhiều (thường là những trường không tổ chức thi). Để an toàn, điểm thi của TS nên cao hơn mức điểm xét tuyển từ 2-3 điểm. Dự kiến ngày 15-8, Bộ GD-ĐT sẽ công bố toàn cảnh chỉ tiêu và mức điểm xét tuyển NV2, NV3 của các trường ĐH-CĐ.

Hết hy vọng ở hệ ĐH, nhiều TS băn khoăn: “Em thi NV1 vào ĐH Sài Gòn ngành CĐ Kế toán được 12 điểm. Trường thông báo đến 15-8 mới công bố điểm trúng tuyển NV1. Vậy em có đậu NV1 hay không để xin xét tuyển NV2 ở trường khác?”. Th.S Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn cho biết: Tuy không công bố cùng với NV1 hệ ĐH nhưng những TS đã chọn hệ CĐ của trường làm NV1 vẫn được ưu tiên hơn so với các TS NV2 hệ CĐ. Cụ thể, ở mỗi ngành điểm chuẩn NV2 phải cao hơn điểm chuẩn NV1 ít nhất là 0,5 điểm.

Nhiều phụ huynh cũng quan tâm đến những chương trình chất lượng cao của các trường ĐH công lập. Một phụ huynh tìm hiểu: “Con tôi thi khối A được 17,5 điểm (ở KV3). Tôi muốn xét tuyển vào ngành Kế toán (chất lượng cao) có điểm xét tuyển là 16,5. Cho tôi hỏi chương trình này có được xem là hệ chính quy của trường không?”. Th.S Nguyễn Văn Long Giang, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trả lời: TS có thể đăng ký xét tuyển vào ngành Kế toán (chất lượng cao) với số điểm xét tuyển là 16,5. Hệ chất lượng cao của trường là hệ chính quy, cấp bằng ĐH chính quy, lớp học có số lượng sinh viên giới hạn khoảng 30 người/lớp, giảng viên lựa chọn tốt và điều kiện học tập tốt nhất so với sinh viên đại trà của trường.

Trường ngoài công lập: Dễ thở!

Năm 2010, tỷ lệ xét tuyển NV2 của nhiều trường ĐH công lập như ĐH Nông Lâm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Công nghiệp, ĐH Sư phạm TPHCM… ở mức từ 25%-30% so với tổng chỉ tiêu. Nhưng để vào được những trường này, TS phải hết sức cân nhắc vì lượng TS xét tuyển sẽ rất đông. Trong khi đó, nhiều trường ngoài công lập dành 80%-90% chỉ tiêu để xét tuyển NV2.

“Thi khối D1 được 15 điểm chưa nhân hệ số, chưa cộng điểm ưu tiên KV. Em đăng ký vào ngành tiếng Anh được không”, một TS hỏi. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen lưu ý: Với kết quả thi như thế, em có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành tiếng Anh. Ngành này có 3 chuyên ngành: Tiếng Anh kinh doanh, Biên-phiên dịch và Giảng dạy tiếng Anh. Cho nên, em hoàn toàn có điều kiện thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, trường chỉ mở chuyên ngành nếu có đủ sinh viên. Từ vài năm qua, số người chọn ngành giảng dạy tiếng Anh chưa đủ để mở ngành, vì đa số các bạn thích chuyên ngành Tiếng Anh kinh doanh. Nhưng học chế tín chỉ cho phép em chọn một số các môn học phù hợp với sở thích của mình và cá biệt hóa lộ trình học trong chừng mực nào đó.

Một TS cho biết: “Em thi được 13 điểm (khối A), 14 điểm (khối B) và thuộc khu vực 2. Em có thể vào ngành nào của Trường ĐH Văn Lang? Em thấy trường có tuyển ngành CNTT với chương trình CMU, ngành đó học như thế nào; học phí, học bổng ra sao?”. Th.S Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang hướng dẫn cặn kẽ: Năm 2010, trường xét tuyển NV2 ngành CNTT đối với TS dự thi ĐH khối A và D1 đạt từ điểm sàn trở lên. Từ năm 2008, Khoa CNTT triển khai đào tạo ngành CNTT theo chương trình chuyển giao của ĐH Carnegie Mellon (CMU, Hoa Kỳ) - trường đại học đứng vị trí 1 trong tốp 100 trường đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật và CNTT tốt nhất Hoa Kỳ. Về học phí của ngành CNTT, vì là chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài nên học phí của ngành cao hơn so với các ngành kỹ thuật công nghệ khác. Học phí được công bố vào đầu mỗi khóa và không tăng trong suốt khóa học. Ngoài học phí ra, sinh viên không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào.

Nỗi lo học phí

Không chỉ quan tâm đến cơ hội trúng tuyển, nhiều TS còn tìm hiểu kỹ về ngành nghề, cơ hội việc làm, mức học phí… Một TS lo lắng: “Năm học mới, Trường ĐH Hoa Sen có tăng học phí hay vẫn giữ mức học phí cũ của năm học 2009-2010. Học phí ở hệ trung cấp là bao nhiêu?”. Cô Ngô Thị Mỹ Lan, Phó phòng Đào tạo ĐH Hoa Sen cho biết: “Tùy vào số lượng tín chỉ đăng ký trong năm học mà số tiền học phí có thể khác nhau. Mức học phí của khóa học 2010 - 2011 bình quân 23 triệu đồng/năm đối với bậc đại học, 19,5 triệu đồng/năm đối với bậc cao đẳng. Bậc trung cấp chuyên nghiệp, mức học phí là 10,5 triệu đồng/năm đối với ngành Kế toán, Du lịch (khách sạn - nhà hàng), Thư ký văn phòng; 14,5 triệu đồng/năm đối với ngành Công nghệ thông tin (hợp tác với Học viện NIIT - Ấn Độ). Học phí được chia 2 lần đóng/năm. Cụ thể về đặc điểm của từng chương trình, hợp tác quốc tế và văn bằng được cấp.

Giải đáp thắc mắc của TS về vấn đề “đầu tiên” khi nhập học, Th.S Võ Văn Tuấn khẳng định: Trường sẽ công bố mức học phí và được giữ đến hết khóa học. Về chính sách học bổng: Ngoài chính sách học bổng chung theo quy định của Bộ GD-ĐT, sinh viên học chương trình của CMU được nhận thêm học bổng của Hãng máy bay Boeing, là một học bổng danh tiếng và có giá trị lớn (1.000 USD/ năm). Đặc biệt, 30% suất học bổng được dành cho sinh viên người dân tộc thiểu số, sinh viên nữ và sinh viên khuyết tật…

An – Hà – Hùng

Xét tuyển NV2, yếu tố nào quan trọng nhất?

Rất chia sẻ những băn khoăn của TS vì cuộc đua vào NV2, NV3 cũng quyết liệt không kém, thậm chí còn hơn cả khi thi tuyển ở NV1. Nên nhớ rằng phần lớn chỉ tiêu trúng tuyển của các trường tổ chức thi đã dành cho NV1, thậm chí có nhiều trường, nhiều ngành không xét tuyển NV2, NV3. Tính bình quân trên cả nước, chỉ tiêu dành cho NV2, NV3 chỉ còn khoảng 20%-30%. Hơn nữa, những TS tham gia xét tuyển NV2, NV3 phải đạt điều kiện “sơ tuyển” là điểm sàn của khối thi nên sự cạnh tranh lại càng quyết liệt. Vì vậy, để có cơ hội trúng tuyển NV2 cao, TS cần tham khảo đầy đủ các thông tin như chỉ tiêu xét tuyển, mức điểm xét tuyển của ngành, trường quan tâm.

Theo dự kiến, trước ngày 25-8, Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp các thông tin về xét tuyển NV2, NV3 của tất cả các trường ĐH-CĐ và công bố trên mạng cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. TS cần theo dõi để có sự chọn lựa hợp lý khi đăng ký xét tuyển NV2, NV3. Đặc biệt, TS cần phải cập nhật liên tục thông tin về xét tuyển NV2 của các trường ĐH và CĐ như: chỉ tiêu, điểm sàn xét tuyển, thời hạn nộp hồ sơ... Hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 bao gồm: giấy xác nhận điểm (phiếu số 1, bản chính) ghi rõ ngành xin xét NV2; hai bao thư có dán tem ghi rõ địa chỉ người nhận và điện thoại liên lạc (nếu có). TS có thể nộp trực tiếp tại trường hoặc gửi đảm bảo theo đường bưu điện từ ngày 25-8 đến 10-9.

 

                                                                               Theo SGGP

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục