Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia, đã có cuộc trao đổi với một số phóng viên xung quanh vụ việc chấm thỏa thuận bài thi tốt nghiệp THPT của 11 tỉnh ĐBSCL và kết quả kỳ thi năm nay. Ông cho biết:

 

Bộ GD-ĐT khẳng định, hướng dẫn chấm thi của Bộ là duy nhất và hướng dẫn này được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Việc điều chỉnh đáp án hay hướng dẫn chấm thi (nếu có) là quyền của Bộ GD-ĐT chứ không phải của các sở hay của hội đồng chấm. Còn việc thảo luận về cách chấm thi trước khi chấm là cần thiết. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT mới đồng ý cho các tỉnh được phép họp để thảo luận về cách chấm thi nhưng Bộ đã nêu rõ: phải thống nhất chấm thi theo đúng hướng dẫn của Bộ và quy định mà quy chế thi đã ban hành.

 

Các thí sinh ở Cần Thơ trao đổi sau giờ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: Thanh Dũng 

Tuy nhiên, các tỉnh đã đi quá giới hạn cho phép. Qua xem xét của các chuyên gia thì thấy hướng dẫn chấm thi 4 môn tự luận của các địa phương tuy mức độ có khác nhau nhưng đều có biểu hiện hạ thấp yêu cầu so với hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Nghiêm trọng hơn là hành động đưa hướng dẫn đó đến các hội đồng để vận dụng chấm thi. Rõ ràng là các địa phương đã sai, vi phạm quy chế thi.

Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với UBND, ban chỉ đạo thi của 11 tỉnh để xem xét, xác minh và xử lý. Việc xử lý này sẽ phải theo đúng quy trình chứ không thể kiến nghị xử lý ngay được. Mức độ vi phạm khác nhau nên chắc chắn mức xử lý kỷ luật sẽ khác nhau, người thì đứng ra tổ chức hành vi vi phạm, người thì đồng tình và tham gia thực hiện, người thì hướng dẫn...

Cả nước đạt tỷ lệ tốt nghiệp hơn 95%

Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT): ở khối THPT, cả nước có 95,72% học sinh đạt tốt nghiệp, trong đó có 13,8% đạt loại khá giỏi; hệ GDTX, tỷ lệ tốt nghiệp là 85,35%, trong đó có 3,56% khá giỏi.

Thanh tra ủy quyền của Bộ cũng ký đồng tình vào các biên bản thỏa thuận chấm thi đó thì sẽ xử lý ra sao?

Thanh tra ký vào đấy thì thanh tra cũng sai và sẽ phải xử lý.

Điều mà dư luận quan tâm nhất là Bộ GD-ĐT xử lý ra sao đối với bài thi 4 môn tự luận của học sinh 11 tỉnh nói trên, thưa ông?

Vì học sinh hoàn toàn không có gì sai phạm trong việc này nên Bộ GD-ĐT quyết định không “lấy lại” điểm thi đã công bố đến các em và chấp nhận kết quả thi đó, tạm thời công nhận tốt nghiệp đối với những thí sinh đủ điểm tốt nghiệp theo quy định.

Sau này thì Bộ có tính đến việc chấm lại hoặc chấm thẩm định để xem xét mức độ vi phạm của các địa phương không?

Chúng tôi không đặt vấn đề phải chấm lại vì chỉ cần đối chiếu bản hướng dẫn chấm thi của 11 tỉnh với bản hướng dẫn của Bộ  là chúng tôi đã thấy các địa phương có sai phạm, mức độ sai phạm đã rõ nên không cần phải chấm lại bài mới biết.

 

Ông Nguyễn Vinh Hiển 

Hướng dẫn sai thì đương nhiên kết quả bài thi của học sinh sẽ sai. Vì sao Bộ GD-ĐT lại quyết định không chấm lại?

Bộ GD-ĐT chủ trương, đó không phải là lỗi của học sinh, ai làm sai thì người ấy phải chịu trách nhiệm. Không vì vi phạm của người lớn mà đẩy học sinh vào tình huống xấu. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã gần kề, phải để các em có một tâm lý ổn định để dự thi.

Khi Bộ quyết định không chấm lại bài thi của thí sinh, mặc dù có lợi cho thí sinh nhưng chắc chắn sẽ có những ý kiến cho rằng Bộ không chấm lại bài để muốn giữ một tỷ lệ tốt nghiệp “đẹp”. Ông sẽ nói gì nếu có ý kiến  này?

Bộ GD-ĐT hoàn toàn không nghĩ đến điều đó khi đưa ra quyết định này. Trên thực tế, nếu có chấm lại và phải thay đổi kết quả bài thi thì tôi cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp ở những địa phương này cũng sẽ không giảm nhiều.

Tôi mong rằng, dư luận hãy nhìn vào quyền lợi của học sinh, không nên bắt học sinh phải chịu những hậu quả mà các em không có trách nhiệm gây ra nó.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng chấm đổi chéo bài thi tự luận mà Bộ áp dụng đã cho thấy không đạt hiệu quả như mong muốn, trái lại còn tốn kém và nảy sinh tiêu cực. Vậy Bộ GD-ĐT có chủ trương bỏ cách làm này trong kỳ thi năm tới không?

Chưa thể trả lời ngay một vấn đề cụ thể như vậy, nhưng chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh trong việc tổ chức kỳ thi này trong năm tới theo hướng phù hợp hơn, đúng mục tiêu hơn.

Có ý kiến nói rằng cuộc vận động “Hai không” đã bị phá sản khi nhìn vào kết quả thi tốt nghiệp hai năm gần đây. Xin ông cho biết quan điểm của Bộ GD-ĐT?

Bộ GD-ĐT xin khẳng định không thể có chuyện cuộc vận động “Hai không” phá sản. Thi cử ngày càng nghiêm túc hơn. Tôi cho rằng phải nhìn nhận kết quả tốt nghiệp nhiều chiều và khách quan hơn nữa, bao nhiêu sự cố gắng, nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng với ngành GD-ĐT để nâng cao chất lượng giáo dục. Bản thân Bộ GD-ĐT kiên trì quan điểm: lấy xây để chống, chất lượng giáo dục tăng thì thi cử mới nghiêm túc được. Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo rất sát sao ngay từ đầu năm học, đưa ra rất nhiều giải pháp, yêu cầu các nhà trường tập trung phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh khá giỏi. Chính vì vậy, năm nay không chỉ tỷ lệ tốt nghiệp tăng mà tỷ lệ tốt nghiệp loại khá giỏi cũng tăng so với năm ngoái, hơn 13% (năm ngoái chỉ hơn 10%). Tôi cho rằng, không nên vì một “con sâu” mà “làm rầu nồi canh”.

"Nghiêm trọng hơn là hành động đưa hướng dẫn đó đến các hội đồng để vận dụng chấm thi. Rõ ràng là các địa phương đã sai, vi phạm quy chế thi"

Với kết quả tốt nghiệp cao như năm nay thì ông có cho rằng nên bình thường hóa kỳ thi này và không nên coi đây là kỳ thi quốc gia nữa khi mà hầu hết học sinh đi thi đều đạt tốt nghiệp?

Tôi xin khẳng định rằng vẫn phải có một kỳ kiểm tra, đánh giá mang tính quốc gia. Còn việc tổ chức ở mức độ nào thì sẽ phải tính toán thêm. Phân cấp cho các địa phương thì phải dựa vào hai vấn đề: thứ nhất, địa phương có thể đảm đương được theo đúng yêu cầu hay không; thứ hai, Nhà nước có đủ khả năng quản lý, thanh tra, kiểm tra được hay không.

Những biểu hiện nào xung quanh kết quả của kỳ thi năm nay sẽ khiến Bộ GD-ĐT tiến hành chấm thẩm định?

Những dấu hiệu không bình thường như: tỷ lệ tốt nghiệp của hệ GDTX cao hơn hệ THPT, hoặc có địa phương tỷ lệ tốt nghiệp của hệ GDTX đạt tới 100%, tỷ lệ tốt nghiệp tăng quá cao so với năm trước, địa phương có kết quả tốt nghiệp cao trong khi chất lượng cả quá trình dạy học không cao... sẽ là căn cứ để Bộ quyết định chấm thẩm định.

 

                                                                              Theo Thanhnien

Các tin khác

Không có hình ảnh
Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học đã chuẩn bị 3 triệu bản SGK và sách bổ trợ đảm bảo cung cấp đầy đủ cho nhu cầu của người dân.
Các thí sinh trước ngưỡng cửa thi đại học.
Không có hình ảnh

Kết thúc kỳ thi vào lớp 10: Thí sinh “choáng” vì đề toán

Hôm qua, hơn 50.000 thí sinh tại TPHCM đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012. Nhiều thí sinh cho biết khá chật vật với môn Toán vì đề thi môn cuối cùng quá khó.

TP Hoà Bình: xây dựng trường học thân thiện đi vào thực chất

(HBĐT) -Sau 3 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là bằng ấy thời gian chất lượng GD&ĐT trên địa bàn TP Hòa Bình đạt những bước tiến mới. Thành phố đã huy động được sức mạnh các lực lượng trong và ngoài trường học xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đào tạo chương trình tiên tiến: Cơ hội rộng mở đối với sinh viên

Một trong 9 chương trình đào tạo tiên tiến được Bộ GD-ĐT thí điểm đầu tiên đã có SV tốt nghiệp. Ngoài kiến thức về chuyên môn vững chắc những SV này rất tự tin khi bảo vệ khóa luận bằng tiếng Anh trước một Hội đồng phản biện là các GS, PGS đầu ngành.

Chất lượng giáo dục không là Phù Đổng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng như nhiều năm qua đã đạt độ tin cậy thấp, mục tiêu đặt ra đã không khả thi

Tiếp tục thí điểm đào tạo ngành Quản trị - Luật

Bộ GD-ĐT vừa có quyết định chấp thuận giao Trường ĐH Luật TPHCM tiếp tục thí điểm đào tạo hệ chính quy trình độ đại học ngành Quản trị - Luật trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011. Theo đó, đơn vị này được tự chủ xác định chỉ tiêu, tuyển sinh, tổ chức xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của các nước tiên tiến, đồng thời kết thúc mỗi khóa trường phải báo cáo, đánh giá quá trình đào tạo cũng như kết việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp về Bộ GD-ĐT.

Nhận đơn phúc khảo bài thi tốt nghiệp đến 24.6

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa thông báo về quy định phúc khảo đối với bài thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Theo đó, thí sinh được quyền phúc khảo bài thi với điều kiện điểm bài thi phải thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó là 1,0 điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục