Đã hết cái thời học thêm là tự nguyện. Từ chỗ đáp ứng nhu cầu chính đáng, việc dạy thêm, học thêm đang ngày càng tràn lan và biến tướng lạ lùng...
Lịch học thêm dày đặc đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của ngành giáo dục.
Một buổi học thêm sau giờ học của học sinh tại Q.5, TP.HCM |
Sau buổi họp phụ huynh ở Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), một phụ huynh than: “Ban đại diện cha mẹ HS phát cho mỗi phụ huynh một tờ đơn xin học thêm đã đánh máy sẵn. Phụ huynh chỉ việc ký vào phần để trống bên dưới nếu đồng ý với lịch học thêm vào ba buổi sáng/tuần từ 7g30-10g30. Sau đó đến 12g30 tiếp tục tiết học đầu tiên của buổi học chính khóa. Không thể đưa đón con 4 lần/ngày, nhiều phụ huynh đã phải tính đến chuyện cho con mang đồ ăn trưa đi, tìm quán ăn cho con gần trường. Cả lớp đều học nên mình cũng phải theo, không ai dám từ chối lá đơn viết sẵn”.
Không học thêm phải... chịu trách nhiệm
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, một giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Đền Lừ (Hà Nội) đã trực tiếp phát hai mẫu đơn xin tự nguyện học thêm cho từng phụ huynh. Một đơn xin học thêm ở lớp do trường tổ chức (trong trường), một đơn xin học lớp của cô giáo tổ chức (bên ngoài trường). Để tăng thêm “sức nặng”, cô giáo cho biết “sẽ mời các giáo viên trực tiếp phụ trách các môn học ở lớp dạy thêm để tiện theo dõi HS” - một phụ huynh kể.
Tại Trường THCS Tăng Bạt Hổ A (Q.4, TP.HCM), phụ huynh tên M., có con học lớp 9, bức xúc: “Chúng tôi cảm thấy bực bội khi giáo viên dạy toán tên là H.U. phát cho mỗi HS một tờ phiếu xác nhận đồng ý cho con đi học thêm tại nhà cô. Học thêm là chuyện tự nguyện, tại sao cô giáo lại gợi ý trắng trợn như thế?”. Trong tờ “gợi ý” có tên gọi là “phiếu xác nhận”, giáo viên đã in sẵn dòng chữ “nay tôi đồng ý cho con tôi tham gia học ngoài giờ môn toán” để phụ huynh ký vào. Ở cuối phiếu có phần riêng dành cho những phụ huynh không cho con đi học “vì nhiều lý do, tôi không đồng ý cho con tôi tham gia lớp học và xin chịu trách nhiệm về việc học tập sa sút của con” và cũng có chỗ trống để phụ huynh ký tên xác nhận. Nếu đồng ý đi học thêm, con chị M. sẽ học một tuần hai buổi tại nhà cô giáo ngay sau giờ học ở trường với học phí 250.000 đồng/tháng.
Một phụ huynh có con học lớp 8 tại Q.Đống Đa (Hà Nội) nói: “Vấn đề không phải chỉ là tốn tiền, mà thời gian tự học, thời gian nghỉ ngơi của con không có. Những buổi phải học thêm hai ca (hai môn) khi về nhà cháu chỉ kịp ăn cơm vội vàng là lại lên đường đi học”.
Mượn trường để tiện dạy thêm
Trong khi đó, HS khối 5 Trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) đã bắt đầu vào cuộc chiến “nâng cao” ngay từ tuần đầu tiên năm học mới. “Ban đầu giáo viên thông báo sẽ tổ chức lớp học thêm từ 17g30-19g30 ngay tại trường cho khoảng 40 học sinh khá giỏi để bồi dưỡng. Khối 5 có ba lớp, nhưng tôi thấy hầu hết phụ huynh đều đăng ký cho con mình học lớp này vì sợ thua thiệt” - chị T., một phụ huynh, cho biết. Theo chị, lớp học này được tổ chức 3 buổi/tuần với mức học phí 200.000 đồng/tháng. Sau khi tan trường, HS sẽ tự lo ăn uống ở bên ngoài để có sức học tiếp buổi học cuối ngày. “Ngoài các buổi sáng học chính khóa, buổi chiều theo thời khóa biểu lịch học bán trú là các môn phụ, ngoại khóa, nhưng nhiều buổi giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm ở trường ngay trong buổi hai này. Đương nhiên, gọi là học thêm thì phải đóng thêm tiền” - chị T. bộc bạch.
Để thuận tiện cho việc dạy thêm, học thêm, nhiều giáo viên đã thuê địa điểm gần trường hoặc ngay trong trường để tổ chức dạy học ngoài giờ. Trên thực tế, hình thức dạy thêm này đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận phụ huynh không có điều kiện đón con trong giờ tan tầm. Một phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội) kể: “Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 10 cô tổ chức lớp học thêm. Giờ học sẽ bắt đầu từ 17g-19g ngay sau khi các cháu tan lớp. Cô giáo đã thuê một địa điểm gần trường và phụ trách luôn việc dẫn các cháu sang điểm học mới sau giờ chính khóa”.
Tại Trường tiểu học Lạc Long Quân, Q.Tân Bình (TP.HCM), ban giám hiệu xác nhận: “Trường không tổ chức dạy thêm nhưng giáo viên có mượn sáu phòng học bán trú để giữ HS và kèm HS sau giờ tan trường, chờ tới lúc phụ huynh đón con về. Việc tổ chức hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện”. Anh L.V., có hai con học tại trường này, cho biết: “Tôi nghĩ học cả ngày đã mệt nhưng không hiểu sao giáo viên lại tổ chức học tiếp. Nếu không tham gia, tôi lo cháu sa sút hơn các bạn và bị đối xử không công bằng”. Tại TP.HCM, việc thuê nhà trọ gần trường hoặc thuê cơ sở vật chất của trường để dạy thêm (dưới hình thức giữ con giúp phụ huynh đón trễ) đang dần phổ biến.
Một phụ huynh Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) bức xúc: “Nhà trường vừa tham khảo ý kiến phụ huynh về việc mở các lớp ôn bài tại trường sau giờ học với mức phí 75.000 đồng/HS/tháng vì giờ tan học buổi hai hiện nay là 15g45, phụ huynh chưa thể đón con ngay. Nhưng tôi cho rằng đây chỉ là một hình thức dạy thêm mà thôi, tham gia cũng khó mà không tham gia cũng khó cho phụ huynh chúng tôi”.
Theo Báo Thanhnien
Thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng Lê Văn Lâm vừa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cấp học bổng toàn phần trị giá gần 50.000 USD du học tại CHLB Nga.
“Kiểm định chất lượng đào tạo là hoạt động nhằm mục đích bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, do vậy phải trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học”.
Hầu hết các trường ngoài công lập (NCL) đều phải thông báo xét tuyển NV3 với chỉ tiêu rất lớn. Bên cạnh đó, số trường công lập tham gia tuyển NV3 cũng không hề ít, khiến “cuộc đua” tìm thí sinh hết sức mệt mỏi.
Chủ trương giảm tải là tín hiệu vui với hi vọng giúp học sinh (HS) bớt căng thẳng. Nhưng trên thực tế, HS vẫn phải “cày” hàng đống bài tập và bài “thuộc lòng”, phải nhồi nhét đủ thứ kiến thức mới mong đủ sức đi thi.
(HBĐT) - Chẳng nhìn đâu xa, chỉ nhìn lại thời điểm giáo dục Hoà Bình nhập tỉnh Hà Sơn Bình (cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỷ XX) cũng thấy bộc lộ những khó khăn hiện hữu. Đội ngũ cán bộ, giáo viên người bản địa thiếu, chắp vá; cơ sở vật chất tạm bợ, tình trạng học ca 3 là chuyện thường ngày.
(HBĐT) - Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong toàn ngành.