Chủ trương giảm tải là tín hiệu vui với hi vọng giúp học sinh (HS) bớt căng thẳng. Nhưng trên thực tế, HS vẫn phải “cày” hàng đống bài tập và bài “thuộc lòng”, phải nhồi nhét đủ thứ kiến thức mới mong đủ sức đi thi.
Truy bài cuối giờ học của học sinh lớp 9/1 Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM chiều 27-9 - Ảnh: Như Hùng |
Nhiều phụ huynh có con học lớp 4 và lớp 5 Trường tiểu học Trung Tự, Hà Nội cho chúng tôi xem một loại vở khá lạ là vở “tăng cường”. Trong vở này, HS ghi lại các yêu cầu của giáo viên và chuẩn bị cho bài học hôm sau.
Tăng vẫn cứ tăng
Một phụ huynh có con học lớp 4 trường này cho biết: “Chỉ riêng yêu cầu về tập viết và tiếng Việt thôi, cả mẹ và con đã phải đánh vật đến tận khuya. Nếu ngày hôm sau ở trường có giờ tập viết, thì tối hôm trước con phải viết trước một trang vào vở”. Giáo viên giải thích phải cho HS tập viết nhiều để “lớp được chấm 100% vở sạch chữ đẹp”.
Một phụ huynh khác nói: “Riêng môn tiếng Việt phải chuẩn bị bài ở nhà rất nhiều, trong khi con tôi đã học ở lớp hai buổi/ngày. Cô giáo yêu cầu HS về nhà phải đọc, trả lời tất cả câu hỏi theo sách giáo khoa của mỗi bài học sẽ dạy vào buổi hôm sau. Ngoài ra, cô còn có thêm những câu hỏi riêng liên quan đến bài học mới”.
Còn HS lớp 1 Trường tiểu học Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội chỉ sau một tháng vào học đã phải viết chính tả. Chị M. - phụ huynh lớp 1 - bức xúc: “Để có thể làm được việc này, các bé phải nghe và hiểu được các từ, cách viết đúng chính tả”.
Trong khi đó, giáo viên lớp 1 ở Trường tiểu học Thịnh Hào, Hà Nội cho biết: “Tuần thứ ba của học kỳ 1, đầu mỗi tiết học các em phải tự viết ngày tháng vào vở, viết tên bài vào vở theo nội dung cô giáo ghi trên bảng”. Anh H. - phụ huynh HS, đồng thời cũng là giáo viên THPT - bức xúc: “Tôi không hiểu chương trình giáo dục hiện nay thế nào. Trên thì bảo giảm tải nhưng ở trường vẫn có những yêu cầu quá sức HS như thế. Để có thể chép nội dung cô giáo yêu cầu khi mới bắt đầu học kỳ đầu tiên, nếu không học trước chương trình, các bé lớp 1 phải bổ túc thêm ngoài giờ”.
Ở trường này, ngoài các yêu cầu bài tập trong sách giáo khoa và vở bài tập của NXB Giáo Dục, phụ huynh HS phải mua cho con sách Tiếng Việt thực hành, Toán thực hành và sách Tiếng Việt của riêng trường soạn. Trong hai buổi học ở trường, HS phải hoàn thành bài tập ở tất cả cuốn sách trên. Trong số những bài tập ở các sách “thêm”, có những yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đã đề nghị lược bỏ ở tài liệu giảm tải vừa ban hành.
Tối mắt tối mũi
Chính vì yêu cầu quá cao từ chương trình học, HS phải tăng ca mới mong theo kịp bài vở trên lớp. Thời lượng một HS ở TP.HCM phải đến lớp học chính khóa, tăng tiết, phụ đạo và học thêm có thể lên đến hơn 10 tiết học mỗi ngày (60-80 tiết/tuần).
Chị M., phụ huynh có con học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, bức xúc: “Từ hồi lên cấp III, con gái tôi lúc nào cũng trong tình trạng thức đêm, dậy sớm, mỏi mệt. Ăn trưa phải ăn ở trường để kịp học phụ đạo buổi chiều. 17g mới ra, lại phải tắm rửa để đi học thêm tiếng Anh và toán buổi tối. Đã vậy bài tập về nhà lại quá nhiều, tối nào cũng làm bài tập 4-5 trang giấy. Sáng dậy sớm học thuộc lòng nhưng cháu bảo học như thế vẫn không hết bài.”
Trong khi đó, một phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Tăng Bạt Hổ, Q.4, TP.HCM kể: “Con tôi nói giáo viên bộ môn thường cho bài về nhà yêu cầu làm, trong khi phần lý thuyết ở lớp cô chỉ nói sơ, như định nghĩa một định lý, đọc cho HS chép vào vở, vẽ được hình minh họa trên bảng là hết giờ, ít có thời gian giảng giải. Mỗi môn 3-4 bài tập thì mỗi ngày con tôi phải giải hơn chục bài tập, không còn thời gian để thở”.
Còn chị P., có con học lớp 9 Trường THCS Văn Thân, Q.6, TP.HCM, kể: “Sáng cháu học năm tiết. Buổi chiều học ở trường, ca một bắt đầu từ 13g-14g30, ca hai từ 15g-16g30, ca ba từ 16g45-18g15 và ca bốn từ 18g30-20g để phụ đạo, bồi dưỡng các môn chính là toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh. Tùy ngày hai ca hay ba ca mà vợ chồng tôi thu xếp đón đưa cháu”.
Bên cạnh đó, chuyện tăng tiết, phụ đạo đã trở thành chuyện bình thường. Trước đây, nếu tăng tiết, phụ đạo chỉ dành cho HS yếu, kém thì hiện nay HS nào cũng phải được tăng tiết, phụ đạo mới mong theo kịp chương trình.
Thầy Nguyễn Đình Độ, giáo viên môn hóa có gần 30 năm giảng dạy tại TP.HCM, cho biết: “Chương trình hiện thời vẫn còn quá nặng dù đã giảm tải khoảng 5%. Dứt khoát phải có tăng tiết, phụ đạo thì giáo viên và HS mới chạy theo kịp chương trình để đáp ứng yêu cầu thi cử”.
Cũng vì chạy theo chương trình và chỉ tiêu, giáo viên buộc phải cho HS nhiều bài tập hơn và dạy nâng cao hơn để đạt thành tích cao hơn.
Một giáo viên dạy lớp 5 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết: “Nhiệm vụ của giáo viên là phải làm sao thì làm, phấn đấu càng nhiều HS đạt loại giỏi càng tốt. Muốn vậy, ngoài bài trong sách, phải cho các em bài tập tăng cường và yêu cầu cao, kiểm tra, hỏi bài liên tục và phối hợp với phụ huynh kèm thêm bài tập ở nhà”.
Quá tải do bị nhồi nhét, yêu cầu quá cao ở trên lớp, khiến nhiều HS không hiểu bài, bị điểm kém và đó là kết cục tất yếu dẫn đến việc phải học thêm ngoài giờ.
Theo Báo Tuoitre
(HBĐT) - Năm học mới 2011 - 2012 cũng là năm thứ hai, thầy, trò trường TH Hùng Sơn, (Lương Sơn) được đón khai giảng trong ngôi trường mới. Khuôn viên rộng rãi, lớp học khang trang, những tiết mục văn nghệ và những trò chơi dân gian thú vị đã giúp cho các em có một ngày hội đến trường thực sự ý nghĩa. Đó là kết quả của quá trình thực hiện xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực của nhà trường.
Chiều 27/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng Giáo sư Hoàng Tụy vừa được Tổ chức quốc tế Tối ưu Toàn cục trao tặng Giải thưởng “Constantin Caratheodory Prize,” mang tên nhà toán học lừng danh người Đức, gốc Hy Lạp.
Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các trường ĐH, CĐ, TCCN yêu cầu báo cáo kết quả tuyển sinh 2011 và kế hoạch tuyển sinh TCCN năm 2012.
(HBĐT) – Những năm qua, tập thể giáo viên trường mầm non Phú Lão (Lạc Thuỷ) đã cùng nhau cố gắng học tập, xây dựng trường ngày càng hoàn thiện hơn. Đến nay, nhà trường đã có một khuôn viên rộng 12.408 m2, thoáng mát với 17 phòng học, sân chơi ngoài trời và một số phòng chức năng đảm bảo nhu cầu học tập cũng như sinh hoạt của trẻ.
(HBĐT) - Ngày 26/9, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức toạ đàm kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996-2/10/2011) và kỷ niệm 14 năm thành lập Hội Khuyến học tỉnh. Dự và chủ trì buổi toạ đàm có đồng chí Quách Thế Tản, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, uỷ viên T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, Hội Khuyến học các huyện và thành phố Hoà Bình.
Đã hơn 6 giờ chiều, tại một trường tiểu học, vẫn còn 4-5 HS đang chờ bố mẹ đến đón. Cùng đó, một giáo viên đang ngồi đọc báo trước phòng bảo vệ canh chừng HS. Chỉ khi nào trò về hết, cô mới kết thúc ngày làm việc của mình để về nhà với con.