(HBĐT) - Tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm, tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nâng cao nhận thức của cả cộng đồng để kiên quyết tẩy chay việc sản xuất và buôn bán thực phẩm không an toàn… Đó đang được coi là những “vũ khí” lợi hại nhất để triển khai “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn hiện nay.

 

Là cơ quan quản lý Nhà nước luôn chú trọng thực hiện công tác bảo đảm VSATTP trong các lĩnh vực quản lý, những năm gần đây, Sở NN & PTNT đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với các vấn đề liên quan đến VSATTP lĩnh vực nông nghiệp. Một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu được thực hiện quyết liệt nhất là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đối tượng hướng tới là người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, các tổ chức CT -XH, cán bộ các cấp chuyên quản lý về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản. Thống kê trong 5 năm (2011 – 2015), Sở NN &PTNT đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo, lớp tập huấn… qua đó phổ biến, tư vấn, hướng dẫn cho trên 22.580 lượt người; đã in và phát 37.250 tờ rơi, tờ dán; phát hành 330 đĩa DVD, VCD, 145 băng rôn, pa nô; đồng thời phối hợp thực hiện 130 chuyên mục, phóng sự; 132 bản tin và hàng loạt bài viết về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng… Riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn ngành đã xây dựng văn bản và chuyển phát 20.000 tờ rơi tuyên truyền về đảm bảo chất lượng VSATTP cho các huyện, thành phố; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức và các quy định của pháp luật về ATTP cho 1, 74 nghìn lượt nông dân; xây dựng 2 video thông điệp tuyên truyền, 1 chuyên mục tuyên truyền về ATTP; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ cho 559 hộ giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật… Thông qua các hoạt động tuyên truyền, ngành NN &PTNT đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức của người sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp về ATTP. Mặt khác, đóng vai trò là kênh kết nối thông tin quan trọng giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo nguồn gốc và chất lượng VSATTP.  

Qua thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, lực lượng quản lý thị trường (Sở Công Thương) quyết liệt “nói không” với thực phẩm bẩn, tịch thu và tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo VSATTP ảnh  hưởng xấu đến sức khỏe con người. (ảnh: Chi cục QLTT (Sở Công Thương) tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo ATTP).

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT nhấn mạnh: Hiện nay, ngành NN &PTNT chịu trách nhiệm quản lý trên 1.880 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong nỗ lực thực hiện công tác bảo đảm ATTP, ngành xác định  gốc của vấn đề là nâng cao nhận thức của cả cộng đồng. Trong đó, chú trọng cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng các loại nông sản an toàn, đồng thời định hướng dư luận đấu tranh một cách trực diện đối với các hành vi sản xuất không an toàn, kiên quyết tẩy chay thực phẩm bẩn. Có thể nói, đây là “vũ khí” lợi hại nhất trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn - một cuộc chiến lâu dài cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chung sức của cả cộng đồng xã hội.  

Để chung tay đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn nói riêng và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP nói chung, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch sẽ được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, tập trung vào 10 nhóm nội dung, trong đó, xác định trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác ATTP là của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và việc bảo đảm ATTP là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành. Cụ thể, UBND các cấp sẽ chịu trách nhiệm về bảo đảm ATTP trên địa bàn. Chủ tịch UBND trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành ATTP của địa phương; chủ động tổ chức lực lượng, tăng cường thanh kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn. Khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn, lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý. Có thể nói, việc quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và các cấp chính quyền địa phương là một bước tiến mới nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo đảm ATTP.  

Đặc biệt để góp thêm một “vũ khí” đắc lực cho “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn hiện nay, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về ATTP cũng có những điểm mới theo hướng nâng cao sức răn đe. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, vi phạm về ATTP sẽ có mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam. Những hành vi gây hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng con người như sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc BVTV nằm trong danh mục cấm sử dụng… từ lâu đã trở thành vấn nạn. Tuy nhiên trước đây, những chế tài xử lý của pháp luật đối với các hành vi này còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe, chủ yếu mới dừng lại ở mức cảnh cáo, xử lý hành chính, chỉ khi có hậu quả xảy ra thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Những bất cập trên đã được khắc phục tại Bộ luật Hình năm 2015, quy định chi tiết tại 4 điều: 190, 191, 193, 195 và đặc biệt là có một điều luật mới (Điều 317 quy định về vi phạm VSATTP). Thay đổi đáng chú ý nhất trong bộ luật mới khi quy định xử lý các hành vi vi phạm về ATTP là: Thay vì như trước đây phải gây ra hậu quả mới đủ căn cứ để xử phạt thì hiện nay, chỉ cần phát hiện có hành vi là đã cấu thành tội phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu hình phạt về tiền và tù có thời hạn, hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm (theo từng điều luật). Ví dụ, chỉ cần có hành vi đưa chất cấm sử dụng vào thực phẩm là đã cấu thành tội phạm mà không cần chứng minh hậu quả trên sức khỏe người tiêu dung. Với chế tài xử phạt nghiêm khắc và được quy định rõ ràng, bộ luật mới được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trọng, trở thành “vũ khí” có đủ sức mạnh răn đe để các cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm, góp phần đắc lực trong cuộc chiến đẩy lùi sự xâm hại của thực phẩm bẩn – kẻ thù số 1 của sức khỏe con người.  

                                                                       Thu Trang 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh

Bảo đảm an toàn cho khách du lịch

(HBĐT) - Tỉnh ta có địa hình núi non hùng vĩ, mộng mơ, với những khu bảo tồn thiên nhiên còn giữ được nét hoang sơ, kỳ vĩ. Núi non, thác nước, lòng hồ Hòa Bình mênh mang đem lại sự hấp dẫn cho du khách là cơ hội để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy hiểm khi thưởng ngoạn, khám phá du lịch. Việc bảo đảm an toàn cho du khách, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển lành mạnh được ngành chức năng và chính quyền quan tâm.

Hướng phát triển kinh tế bền vững của phụ nữ huyện Lương Sơn

(HBĐT) - Chị Nguyễn Thị Thức, chi hội trưởng phụ nữ, trưởng nhóm sản xuất rau an toàn nhóm Nà Lều, thôn Đồng Sương, xã Thành Lập (Lương Sơn) cho biết: Nhóm có 8 hội viên phụ nữ tham gia với phương thức canh tác chỉ sử dụng phân bón vi sinh và hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Các sản phẩm khi cung cấp ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

“Cháy” xe chuyên dụng cứu hộ trong những ngày mưa lũ

(HBĐT) - Mỗi mùa mưa đến, nghề cứu hộ xe ô tô gặp sự cố lại khấp khởi “vào mùa”. Thậm chí những ngày mưa lũ lớn còn xảy ra tình trạng “cháy” xe cứu hộ. Thường các loại xe bị hỏng hóc do ngập nước, va quệt bởi đường trơn trượt...nhiều khi buộc phải gọi cứu hộ.

Mai Hịch “lao đao” trong cơn lũ lịch sử

(HBĐT) - Xã Mai Hịch (Mai Châu) là một trong những địa bàn chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận mưa lũ vừa qua. Cơn lũ lịch sử bất ngờ đổ về trong đêm khiến cho hàng trăm hộ trên địa bàn không chịu trở tay.

Chung tay, góp sức xoa dịu nỗi đau da cam

(HBĐT) - Theo thống kê của phòng LĐ - TB&XH huyện Lạc Thuỷ, hiện nay, trên địa bàn huyện có 476 đối tượng bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) đang hưởng trợ cấp. Trong đó, trực tiếp 432 đối tượng và 72 đối tượng gián tiếp. Nạn nhân CĐDC trên địa bàn huyện chủ yếu là những cán bộ, chiến sỹ trong quân đội, công an nhân dân và thanh niên xung phong đã từng công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường từ vĩ tuyến 17 trở vào và những vùng mà quân đội Mỹ đã rải chất độc hóa học làm cho họ bị phơi nhiễm CĐDC và ảnh hưởng đến các thế hệ con cháu sau này.

Chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika

(HBĐT) - Virus Zika (ZIKV) là một vi rút RNA (arbovirus) thuộc chi Flavivirus họ Flaviviridae được lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedesbị nhiễm. Tên của vi rút lấy tên của khu rừng Zika, gần hồ Victoria ở Uganda, nơi đã được tìm thấy ca bệnh đầu tiên vào năm 1947.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục