(HBĐT) - Mỗi mùa mưa đến, nghề cứu hộ xe ô tô gặp sự cố lại khấp khởi “vào mùa”. Thậm chí những ngày mưa lũ lớn còn xảy ra tình trạng “cháy” xe cứu hộ. Thường các loại xe bị hỏng hóc do ngập nước, va quệt bởi đường trơn trượt...nhiều khi buộc phải gọi cứu hộ.

 

Trận mưa kéo dài với lượng mưa lớn từ chiều ngày 13 đến rạng sáng 14/8 đã gây ngập trên diện rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều địa bàn ngập sâu cả mét nước so mặt đường dẫn đến tình trạng nhiều xe ô tô bị ngập dưới nước phải gọi cứu hộ khẩn cấp.

 

Vào khoảng 14h ngày 14/8, sau cơn mưa lớn, một tốp khách đường xa đi trên chiếc xe 4 chỗ bị hỏng vất vưởng bên lề đường tại khu vực lưng chừng đèo Thung Khe, quốc lộ 6 địa bàn huyện Mai Châu. Nghe kể, sau khi di chuyển qua những vùng nước ngập sâu khu vực nội thị do mưa lớn, chủ xe có việc đột xuất phải đi công tác. Qua đến đoạn đèo Thung Khe không hiểu sao chiếc xe cứ lịm dần rồi đột ngột tắt máy mà không rõ nguyên nhân. Lái xe có kinh nghiệm nên táp xe ngay vào lề đường nhanh tay tìm được vài cành cây nhỏ, dài đặt trước và sau xe một đoạn nhằm cảnh báo các phương tiện lưu thông khác đi qua tránh đâm phải.

 

Một xe ô tô bị sự cố phải gọi cứu hộ trong sau trận mưa lũ ngày 14/8 vừa qua.

 

Sau khi tìm mọi cách kể cả “gọi điện thoại cho người thân” cũng chẳng tài nào khiến cho chiếc xe khởi động trở lại, buộc lòng chủ xe phải gọi đến xe cứu hộ.

Hơn 2 tiếng đồng hồ mong mỏi, cuối cùng chiếc xe chuyên dụng cũng xuất hiện. Bác chủ xe cứu hộ tên Đại sau khi kéo chiếc xe con bị sự cố lên thùng tất tưởi nhảy lên ca bin chưa kịp nổ máy đã có ngay một cuộc điện thoại gọi lên cách đó chừng chục km nữa cứu hộ tiếp một chiếc xe con đang trong tình trạng ngập sâu dưới nước lũ. Với vẻ mặt nhăn nhó, bác Đại vừa nói, vừa thở hổn hển: “Anh muốn ngay thì chịu thôi, tôi đang cứu hộ xe khác rồi. Anh có đợi được thì khoảng 4 tiếng nữa, không thì gọi xe khác nhé!”.

 

Sau khi tắt máy, quăng chiếc điện thoại vào táp lô xe phía trước, bác Đại than thở: “Từ  1 h sáng đến giờ chuyến cứu hộ này là chuyến thứ 3 rồi các anh ạ. Có chuyến còn phải chở về tận trung tâm bảo hành của hãng tại Hà Nội. Mệt quá, sức người chứ sức “trâu” đâu mà làm như gọi cứu hộ là có ngay”. 

 

Sau 2 tiếng lẽo đẽo trên ca bin chật chội, cuối cùng cả người và xe cũng về đến ga ra để sửa chữa. Tại đây, chủ chiếc xe 4 chỗ bị hỏng “buốt ruột” khi phải thanh toán tiền công cứu hộ cho bác Đại với mức giá 1, 5 triệu đồng cho gần 40 km của chặng đường nhưng ngoài mặt vẫn phải tươi cười cảm ơn.

 

Tình trạng xe ô tô gặp sự cố còn xảy ra trên nhiều địa bàn trong tỉnh. Tại bến xe khách trung tâm thuộc phường Phương Lâm (TP Hoà Bình), một bác bảo vệ tại đây cho biết: vào lúc 1h30 sáng ngày 14/8, nhân viên của bến xe đã phải nháo nhác gọi các chủ phương tiện đang đỗ tại đây đến ngay để di dời các xe ra khỏi bến. Trận mưa lớn, kéo dài trước đó đã khiến gần 40 xe ô tô các loại trong phút chốc bị ngập trên cả mét nước. Ngay cả khu nhà điều hành có cốt nền nhà cao hơn một mét so với sân bến xe cũng bị nước ngập quá chân tường gần 30 cm.

 

Không riêng gì bến xe khách trung tâm, trên địa bàn thành phố còn có nhiều hộ gia đình để xe ô tô trong hầm ngầm cũng thường xuyên bị ngập nước nhờ xe chuyên dụng tới ứng cứu mỗi khi mưa lớn kéo dài. Thực tế trong ngày 14/8 vừa qua, chỉ riêng tại một ga ra sửa chữa chữa ô tô địa bàn thành phố đã có đến 3 chiếc xe con trong tình trạng bị ngập nước được cứu hộ kéo đến đây sửa chữa.

 

Theo ông Nguyễn Đình ứng, chủ ga ra sửa chữa, bán phụ tùng và chuyên cứu hộ ô tô, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) cho biết: Nắm bắt được nhu cầu ngày tăng cao trong cứu hộ ô tô nên nhiều chủ ga ra trên địa bàn đã đầu tư các loại xe chuyên dụng này.

 

Thống kê, năm 2014, toàn tỉnh có duy nhất một chiếc, đến nay trên địa bàn đã có tới gần 15 xe chuyên dụng cứu hộ. Riêng ga ra nhà ông Nguyễn Đình ứng hiện có đến 3 chiếc. Mỗi chiếc xe chuyên dụng cứu hộ được đầu tư từ 800 triệu đồng  đến hơn 1, 5 tỷ đồng. Còn giá mỗi km của xe cứu hộ tuỳ vào từng loại, dao động từ 30.000 - 60.000 đồng /km đối với đường dài vài chục km trở lên. Còn cứu hộ trong phạm vi vài km có giá từ 500.000 - 800.000 đồng /lần.

 

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đình Ứng, nhiều khi vào mùa mưa lũ vẫn xảy ra tình trạng “cháy” xe cứu hộ, nhiều trường hợp có khi phải đợi cả nửa ngày mới có xe đến ứng cứu.

 

 

                                                                     Hồng Trung

 

 

Các tin khác


Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lây lan ra cộng đồng

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, một số bệnh truyền nhiễm (BTN) như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu... đã xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập địa bàn tỉnh và lan rộng nếu không được giám sát, phát hiện và xử trí kịp thời. Cùng với đó, nhu cầu giao thương, du lịch của người dân lớn. Các hoạt động tập trung dịp đầu năm học và Tết Trung thu… có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và bùng phát các dịch BTN trong cộng đồng.

Các địa phương cần tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu

Tỉnh Hà Giang và Điện Biên đã ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh bạch hầu. Trước tình hình bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, ngày 18/9, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.

Khởi động Dự án Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khúc xạ và kính mắt chất lượng tại huyện Lương Sơn và Đà Bắc

(HBĐT) - Ngày 18/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với tổ chức Orbis họp khởi động Dự án "Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khúc xạ và kính mắt chất lượng tại huyện Lương Sơn và Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình” do tổ chức Osbis viện trợ.

Hãy lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh

Ngày An toàn người bệnh thế giới (17/9) năm 2023 được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra chủ đề là "Người bệnh tham gia để bảo đảm khám, chữa bệnh an toàn” nhằm nhấn mạnh vai trò trung tâm của người bệnh, người nhà người bệnh và những người chăm sóc người bệnh trong việc bảo đảm an toàn khám, chữa bệnh. Khi người bệnh được tham gia, hiểu biết về quá trình sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy an tâm và hoạt động khám, chữa bệnh cũng vì thế được an toàn hơn.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Đa dạng hoạt động xã hội, từ thiện

(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh khẳng định: Thời gian qua, cùng với không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, BVĐK tỉnh luôn chú trọng công tác xã hội, từ thiện. Từ các hoạt động hỗ trợ người dân, đặc biệt là người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng KCB, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân

Lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ đạo hỗ trợ và tập trung tạo mọi điều kiện tốt nhất đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục