Cháu L. và gia đình - Ảnh: Thuỳ Dương
Vừa ăn cơm trưa xong, chị N.T.H (35
tuổi, ngụ ở Đắc Lắc) quay vào bếp dọn dẹp thì nghe con trai chị (bé L.N.T.L,
một tuổi rưỡi), đang chơi ở ngoài sân khóc ré lên.
Chị vội chạy ra sân thì thấy con trai
chị đã bị con chó to (chó bécgiê) trong nhà cắn lìa một phần mặt trong đó có
phần cánh mũi bên phải, trên tay con vẫn đang cầm một cái cây .
Ghép phần mặt bị rớt ngay trong đêm
Chị liền nhặt lấy phần mặt bị chó cắn
rớt xuống sân, rồi đưa con đến bệnh viện huyện.
Tại đây, phần mặt này đã được rửa
sạch, ướp đá. Con chị được chuyển lên bệnh viện tỉnh và tiếp tục được chuyển
lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 0h ngày 4-1.
Các bác sĩ cho biết khi nhập viện,
bệnh nhi đã bị mất một phần mũi, mất cả sụn mũi và một phần mặt.
Khoảng 30 phút sau khi bệnh nhi được
chuyển đến, các bác sĩ đã tiến hành ghép lại phần mặt đã bị rớt ra cho bé.
Hiện tại vết mổ đã khô nhưng các bác
sĩ lo ngại cánh mũi của bệnh nhi sẽ không sống được vì vùng cánh mũi hiện đang
đổi màu.
Hiện các bác sĩ vẫn tiếp tục theo
dõi. Trong trường hợp cánh mũi không sống được, các bác sĩ sẽ lấy một phần sụn
của tai bệnh nhi để lắp sang phần mũi. Tuy nhiên, đây là giai đoạn sau
này vì phải đợi bệnh nhi lớn lên.
Tương tự, người nhà bé trai N.T.Đ (4
tuổi rưỡi, ngụ ở Long Thành, Đồng Nai) cũng phát hiện bé bị con chó béc-giê nhà
nuôi (nặng khoảng 25kg) cắn khi nghe bé khóc ré lên.
Mẹ của bé kể lúc ba bé phát hiện ra,
bé đã trong tình trạng ngưng thở.
Ba bé phải hô hấp nhân tạo suốt trong
lúc chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Nai, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy
và bé tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 3h sáng 7-1.
Các bác sĩ cho biết bé Đ. được chuyển
đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng tràn khí trung thất, tràn khí dưới da,
tràn khí màng phổi và phải dẫn lưu màng phổi hai bên.
Tại đây, bệnh nhi đã được hồi sức cho
tỉnh, và được xông dẫn lưu màng phổi hai bên. Sau đó, bệnh nhi mới được
chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Trước đó, bệnh nhi bị chó cắn thủng
khí quản nên không khí tràn ra toàn thân bệnh nhi, khí tràn từ trên xuống đùi
bé, tất cả các khoang trong ngực bé bị tràn khí hết.
Ngay khi chuyển đến Bệnh viện Nhi
Đồng 1, các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu cho bé. Bé được mở cổ để tìm lỗ thủng thì
thấy một vết thủng lớn ở ngay khí quản.
Các bác sĩ đã may lỗ thủng lại cho bé
và tiếp tục chuyển hồi sức để tiếp tục theo dõi, chăm sóc bé.
Sáng 11-1, bé đã tỉnh, tiếp xúc được,
tình trạng tràn khí không còn và dự kiến hai ngày sau có thể rút nội khí quản
cho bé.
Không để trẻ chơi một mình với chó
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, cả hai bà
mẹ đều kể trong nước mắt về tai nạn mà con họ đã trải qua.
Gia đình của hai bé đều không thể ngờ
được con họ lại bị chính con chó nhà nuôi cắn thương tâm như vậy. Cả hai gia
đình này đều nuôi 3 con chó trong nhà và cả hai con chó cắn hai bé đều chưa
được chích ngừa trước đó.
ThS-BS Đào Trung Hiếu, phó giám
đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, chia sẻ là một bác sĩ ngoại khoa, điều trị nhiều cháu
bé bị tai nạn thương tâm nhưng ông vẫn bị "sốc" khi nhìn thấy những
tổn thương nặng nề mà hai cháu bé này phải trải qua do chính những con chó nuôi
trong nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Huy, phó khoa
Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 1, tai nạn do chó cắn đầu tiên sẽ ảnh
hưởng đến thẩm mỹ. Chiều cao của trẻ em thường bằng với tầm của con chó nên khi
bị con chó tấn công trẻ thường bị tấn công vào vùng mặt, ảnh hưởng nhiều thẩm
mỹ.
Ngoài ra, khi chó cắn có nguy cơ bị
nhiễm trùng, thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng sống như trường hợp
cháu Đ. bị chó cắn vào cổ, đường thở, có thể sẽ bị tử vong nếu không được
điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ khi trẻ
chơi với chó phải có người lớn ở cạnh bên, tuyệt đối không để trẻ một mình chơi
với chó.
Bác sĩ cũng lưu ý các gia đình nuôi
chó nên chích ngừa cho chó.
-
TheoTuoitre