Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) vừa tiếp nhận một trẻ có các biểu hiện của bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là loại bệnh nguy hiểm, thường để lại di chứng nặng nề.

40 tỉnh thành có người bệnh viêm não Nhật Bản

Theo ông Đỗ Thiện Hải - phó trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, mặc dù năm nay tỉ lệ trẻ mắc viêm não Nhật Bản bị để lại di chứng đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn trên 10% các cháu bị di chứng như chậm phát triển tinh thần, vận động... sau khi mắc bệnh.

Kết quả giám sát điểm bệnh viêm não Nhật Bản năm 2017 vừa qua cho thấy tại 6 tỉnh Sơn La, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bến Tre, Gia Lai có 316 ca nghi nhiễm viêm não Nhật Bản được ghi nhận, kết quả xét nghiệm có 33 ca dương tính, chiếm tỉ lệ 11,3% trong số các bệnh nhi được lấy mẫu bệnh phẩm.

Tại hai phòng thí nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong số 683 mẫu của 33 tỉnh thành gửi về có 77 ca dương tính với viêm não Nhật Bản. Tổng số năm 2017 có 40 tỉnh thành ghi nhận 200 bệnh nhân viêm não Nhật Bản.

Từ các căn cứ này cho thấy mặc dù đã triển khai tiêm ngừa viêm não Nhật Bản nhiều năm, đặc biệt từ hai năm gần đây văcxin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào tiêm chủng thường xuyên, nhưng viêm não Nhật Bản vẫn đang là bệnh lưu hành tại nhiều địa phương.

Chủ động tiêm ngừa

Trong số 200 ca mắc viêm não Nhật Bản năm qua, có đến 33,5% các cháu 5-9 tuổi, đây là nhóm có số cháu mắc bệnh nhiều nhất trong 200 bệnh nhân viêm não Nhật Bản được xác nhận. Về tiền sử tiêm chủng, có 8,8% các cháu mắc bệnh đã tiêm chủng đầy đủ, gần 34% không tiêm, trên 42% không rõ và trên 15% là tiêm chủng chưa đầy đủ.

Tiêm chủng đầy đủ có tác dụng rất tốt trong bảo vệ trẻ tránh được căn bệnh nguy hiểm viêm não Nhật Bản. Năm nay, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết sẽ dành 3,8 triệu liều văcxin viêm não Nhật Bản để tiêm chủng cho trẻ trong các chiến dịch tiêm vét, tiêm tại điểm tiêm chủng thường xuyên.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung văcxin viêm não Nhật Bản B cho trẻ 6-15 tuổi tại các vùng nguy cơ cao (28 huyện thuộc 16 tỉnh), mục tiêu đảm bảo trên 90% trẻ trong độ tuổi này được tiêm chủng ngừa bệnh.

Năm ngoái, một chiến dịch tương tự cũng đã được tổ chức và có trên 192.000 trẻ được tiêm đầy đủ 2 mũi văcxin viêm não Nhật Bản B, đạt gần 93% số các cháu trong độ tuổi, tỉ lệ tiêm chủng đã vượt mục tiêu đề ra. Năm nay mục tiêu đề ra cũng là tiêm chủng đủ 2 mũi cho 90% các cháu trong độ tuổi của chiến dịch, đồng thời là các cháu trong độ tuổi tiêm chủng tại trạm y tế.

Mùa dịch viêm não Nhật Bản thông thường bắt đầu khoảng tháng 5-6 hằng năm, kéo dài tới khoảng tháng 8.

3 bệnh nhân thủy đậu biến chứng nặng do corticoid

Ông Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho hay vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận điều trị ba bệnh nhân thủy đậu có biến chứng rất nặng do dùng corticoid không có chỉ định của bác sĩ.

Hiện tại viện còn một nam bệnh nhân 28 tuổi chuyển từ Sơn La, có các biến chứng như chảy máu ở nhiều cơ quan nội tạng, tụt huyết áp, rối loạn đông máu... Ông Cấp cho hay bệnh nhân được chuyển đến hôm 11-5, trước khi vào viện 4 ngày bệnh nhân thấy ho và sốt nên đã tự mua thuốc về uống, trong đó có corticoid và bệnh chuyển nặng như kể trên.

Ông Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho hay thói quen của nhiều người dân là cứ thấy sốt, ho thì đi mua kháng sinh kháng viêm về uống, mà không biết các tác hại của thuốc kháng viêm. Kháng viêm nếu dùng không đúng chỉ định, với bệnh nhân thủy đậu khi dùng kháng viêm bệnh sẽ nặng lên nhiều.

Thủy đậu là bệnh hay gặp vào mùa đông-xuân, thường gặp ở trẻ em, nhưng gần đây nhiều người lớn cũng mắc bệnh và mùa dịch kéo dài sang đến tận thời điểm nghịch mùa đầu hè như hiện nay.


                                                                           Theo LAN ANH/ Tuổi trẻ


Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục