(HBĐT) - Chỉ trong 2 tháng (4 - 5/2018), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước, làm 8 người chết, tất cả đều là trẻ em. Liên tiếp các vụ tử vong do đuối nước trong mùa hè lại gióng lên hồi chuông cảnh báo để mỗi người, mỗi gia đình cần cẩn trọng hơn và cơ quan chức năng, cộng đồng có thêm nhiều giải pháp hiệu quả hơn.


Nhiều người dân tắm sông Đà tại bến Thịnh Minh, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình).

Liên tiếp trẻ tử vong do đuối nước

Mới 2 tuổi nhưng cháu Bùi Thanh Thủy ở xã Bình Chân (Lạc Sơn) đã sớm về với đất mẹ. Ngày 15/5, tại đập Cành, nhân dân đã phát hiện cháu tử vong do đuối nước. Công an huyện Lạc Sơn phối hợp với các đơn vị chức năng đã tổ chức khám nghiệm hiện trường và bàn giao thi thể cho gia đình.

Trước đó, ngày 1/5, tại khu vực suối Vai thuộc xã Cao Thắng (Lương Sơn), nhân dân cũng đã phát hiện cháu Bùi Thị Linh, sinh năm 2005 và cháu Bùi Thị Kim Tuyến, sinh năm 2003 cùng trú tại xã Cao Thắng tử vong do đuối nước.

Theo số liệu của Công an tỉnh, trong tháng 4/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ đuối nước, làm 5 người tử vong. Trong tháng 4 - 5/2018, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ đuối nước, làm 8 người tử vong tại các huyện: Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lương Sơn. Tất cả nạn nhân của các vụ đuối nước xảy ra từ đầu năm đến nay đều là trẻ em sinh các năm 2003, 2005, 2006, 2007, 2010, 2014, 2016.

Phân tích các vụ đuối nước tử vong cho thấy, vụ việc chủ yếu xảy ra vào buổi chiều. Địa điểm tại khu vực bến sông Đà, đập tràn, suối, ao, hồ. Đặc biệt, trường hợp cháu Bùi Tiến Huy, sinh năm 2014 ở xóm Đồng Sương, xã Thành Lập (Lương Sơn) do bất cẩn trong sinh hoạt bị đuối nước và tử vong tại ao cạnh nhà. Nguyên nhân các vụ đuối nước tập trung vào mùa hè do thời điểm này thời tiết nắng nóng, trùng với thời gian các cháu được nghỉ hè. Bố mẹ, người lớn bận đi làm, trẻ không được quản lý, giám sát chặt chẽ thường rủ nhau ra sông, suối, ao, hồ tắm, trong khi không biết bơi, thiếu kỹ năng sống đã dẫn đến những cái chết thương tâm. Mặt khác, sân chơi cho trẻ còn thiếu, môi trường sống chưa an toàn cũng là những căn nguyên được các cơ quan chức năng chỉ ra từ nhiều năm nay.

Đừng để nối tiếp những đau thương

Thời tiết mùa hè tiếp tục có những đợt nắng nóng, người lớn, trẻ em vẫn tìm cách giải nhiệt, vui chơi. Bến Thịnh Minh thuộc phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đông nghịt người tắm sông. Thời điểm nắng nóng hay vào ngày thứ bảy, chủ nhật người đông như ở bãi biển. Ghi nhận của phóng viên vào chiều 10/6 có khoảng hơn 200 người tắm sông, từ người cao tuổi, thanh - thiếu niên đến trẻ nhỏ. Hầu hết mọi người đều mặc áo phao, trẻ em có người lớn đi kèm. Nhiều bố, mẹ kiên trì hằng ngày cho con ra sông tập bơi. Đáng lo ngại nhất là nhóm thanh - thiếu niên lứa tuổi học THCS và THPT đi tắm theo từng nhóm và không có áo phao. Trong khi cách đó khoảng 50 m có điểm nước quẩn, xoáy. Tại điểm này, TP Hòa Bình đã cắm biển "Khu vực nước xoáy không nên tắm” nhưng đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017 đã cuốn phăng và đến mùa hè năm 2018 chưa được cắm lại. Hầu hết các biển cảnh báo nguy hiểm dọc hai bên bờ sông Đà khu vực TP Hòa Bình cũng đã bị nước lũ cuốn đi.

Nắm thông tin các vụ tử vong do đuối nước liên tiếp xảy ra và nguy cơ vẫn hiện hữu, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tham mưu chính quyền địa phương có các biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa. Một số phòng, Công an huyện đã có những hành động thiết thực. Cuối tháng 5, Phòng PC45, Công an huyện Kim Bôi phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em cho học sinh xã Vĩnh Đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hiến, Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), phòng tránh đuối nước cho trẻ cần sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là sự quản lý, giám sát của gia đình. Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ trong dịp hè. Dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ; xây dựng môi trường sống an toàn. Các gia đình nên làm hàng rào quanh ao, hố nước; luôn đậy giếng, bể nước bằng nắp đảm bảo. Chỉ tắm, bơi ở nơi nước nông và phải được người lớn giám sát, cho phép hay người cứu đuối đi kèm.

Từ thực tế các vụ đuối nước cho thấy, dù trẻ em hay người lớn khi đi tắm nên có áo phao. Khởi động kỹ trước khi xuống nước; không nhảy xuống nước khi mới đi ngoài nắng về hoặc người có nhiều mồ hôi. Không nên tắm ở những khu vực nước xoáy, nước sâu, nơi có biển cấm. Mùa mưa lũ đang đến, người dân cũng cần cẩn trọng, không cố đi qua ngầm tràn khi nước lũ dâng cao, chảy siết.

Cẩm Lệ

 


 


Các tin khác


Sớm tháo gỡ tình trạng thiếu vắc xin, vitamin A và thuốc ARV

(HBĐT) - Cũng như nhiều tỉnh, thành phố, các địa phương trong tỉnh đang đối mặt với tình trạng thiếu các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), vitamin A và thuốc kháng HIV (ARV). Tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ có phương án tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bộ Y tế yêu cầu tuân thủ quy định về hỗ trợ sinh sản

Yêu cầu này được Bộ Y tế đưa ra trước tình trạng buôn bán tinh trùng, noãn, phôi, mang thai hộ vì mục đích thương mại tại một số địa phương.

Nắng nóng kéo dài, bệnh nhân nhập viện có xu hướng gia tăng

Thời tiết nắng gắt kéo dài trong nhiều ngày khiến số bệnh nhân nhập viện tăng lên rõ rệt, trong số này đa phần là người già và trẻ em.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu vaccine

Do thiếu vaccine nên trong năm 2022, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm và thấp hơn năm 2021.

Bảo đảm chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát, trong đó nhấn mạnh việc cần nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc.

Ngộ độc sau khi ăn trứng cá hỏa tiễn

(HBĐT) - Ngày 27/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận và điều trị cho 6 người bị ngộ độc sau khi ăn trứng cá sấu hỏa tiễn. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục