Chủ quan với bệnh dại
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, đồng thời thuộc danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người. ở tỉnh ta, bệnh dại lưu hành nhiều năm nay, hàng năm vẫn xuất hiện các trường hợp tử vong do bệnh dại. Từ năm 2013-2017 ghi nhận trên 10.000 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại và 16 ca tử vong do bệnh dại. Trong đó, năm 2013 có 8 ca; năm 2014, 2015 có 3 ca; năm 2016 giảm còn 2 ca. Các ca tử vong đều do bị chó cắn, không được điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Năm 2017 không ghi nhận ca tử vong nào do dại. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh có 4 trường hợp tử vong do dại ở các huyện: Kỳ Sơn, Lương Sơn, Cao Phong và Đà Bắc.
Sau khi bị chó cắn, chị Bùi Thị Hiền ở xã Hiền Lương (Đà Bắc) đi tiêm phòng vắc xin kháng dại tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.
Thống kê của ngành Y tế dự phòng cho thấy, từ đầu năm đến ngày 14/6/2018, cả nước có 35 trường hợp tử vong do bệnh dại. Hòa Bình là 1 trong 3 tỉnh có tỷ lệ mắc cao nhất cả nước. Số lượng người điều trị dự phòng bệnh dại từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 948 trường hợp, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 4 trường hợp tử vong đều không được điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. 3 trường hợp tử vong dưới 15 tuổi. 2 trường hợp không nói với bố, mẹ; 2 trường hợp do chủ quan không đi tiêm phòng.
Nguy cơ bệnh dại từ chó, mèo
Nguồn lây truyền bệnh dại chủ yếu là chó nuôi không được tiêm phòng vắc xin dại. Đàn chó nuôi không được tiêm phòng vắc xin dại sẽ làm cho miễn dịch quần thể không bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút dại lưu hành, từ đó truyền lây vi rút cho người và động vật nuôi khác. Mầm bệnh lây truyền bệnh dại cho người chủ yếu là từ chó nuôi và khi bị chó dại cắn không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng, chắc chắn sẽ tử vong. Do vậy, công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo là quan trọng nhất, bởi không có chó, mèo thì không có bệnh dại. Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Năm 2017, đạt tỷ lệ 78,2%, 5 tháng đầu năm đạt 66,9%. Nhiều địa phương năm 2017 đạt tỷ lệ tiêm thấp như Mai Châu 24,3%, Đà Bắc 32,8%, Lương Sơn 54,8%, Yên Thủy 72%...
Qua phân tích của Ban chỉ đạo phòng - chống dịch của tỉnh thì nguyên nhân chính là do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương trong tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc thống kê, lập sổ quản lý đàn chó nuôi, xích nhốt nên hiện tượng chó thả rông cắn người còn phổ biến, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong năm 2017, do số ca bệnh dại giảm và không xuất hiện trường hợp tử vong, vì thế cộng đồng và các đơn vị liên quan có tâm lý chủ quan, ít quan tâm đến bệnh dại, công tác truyền thông không được duy trì dẫn đến nhiều người không quan tâm đến bệnh dại, không nhận thức bệnh dại nguy hiểm như thế nào và không biết các biện pháp phòng tránh bệnh dại.
Do vậy, theo đồng chí Lương Thanh Hải, cần tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, biện pháp phòng, chống bệnh dại và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại để người dân hiểu và nhận thức được tính chất nguy hiểm của bệnh "Khi đã mắc bệnh dại thì không thể chữa được, sẽ dẫn đến những cái chết thương tâm” và thực hiện triệt để việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo chính là phòng bệnh dại cho con người…
Việt Lâm
Theo báo cáo từ 21 tỉnh/thành tại Việt Nam, số lượng người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 46% số người sử dụng ma túy. Một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp trên 80% là Trà Vinh, Đà Nẵng, Quảng Trị...