Bác sỹ tại phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn khám, tư vấn cho bệnh nhân có "H”.
Trước thực tế đó, Sở Y tế đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng - chống HIV /AIDS giai đoạn 2018 - 2020, trong đó, 100% bệnh nhân nhiễm "H” được cấp miễn phí thẻ BHYT; hỗ trợ đồng chi trả khám - chữa bệnh bằng BHYT cho bệnh nhân HIV /AIDS khi thực hiện xét nghiệm CR4, tải lượng virus…
Bác sỹ Nguyễn Thị Nghĩa, Trung tâm phòng - chống HIV / AIDS tỉnh cho biết: Xét nghiệm CR4 và tải lượng virus là 2 xét nghiệm rất quan trọng xác định tình trạng của hệ thống miễn dịch và mức độ hoạt động của virus trong cơ thể người bệnh. Sự gia tăng tải lượng virus thường có thể là một dấu hiệu của thất bại điều trị, tuân thủ thuốc kém hoặc cả hai. Tuy nhiên, giá thành của 1 lần xét nghiệm tải lượng virus lên đến 928.000 đồng. Với nhiều bệnh nhân nhiễm "H”, số tiền này nằm ngoài khả năng thanh toán. Việc tỉnh ta đồng chi trả thông qua BHYT các xét nghiệm này đã cho thấy sự quan tâm dành cho người nhiễm "H”, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ trong khám - chữa bệnh.
Tỉnh ta có 5 cơ sở điều trị HIV /AIDS, đặt tại các huyện, thành phố có tỷ lệ người mắc bệnh cao. Hiện các cơ sở này đều đã hoàn thành việc ký hợp đồng khám - chữa bệnh thanh toán qua BHYT với Bảo hiểm xã hội tỉnh. Việc cấp thẻ miễn phí cho bệnh nhân "H”, chia sẻ gánh nặng về tài chính với người mang bệnh, hiện tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ liều điều trị thuốc ARV và được làm xét nghiệm tải lượng virus của tỉnh ta đang dẫn đầu cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, có gần 90% bệnh nhân HIV /AIDS đang điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng virus. Trong đó, trên 94% bệnh nhân làm xét nghiệm này có kết quả dưới ngưỡng phát hiện.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác khám - chữa bệnh cho bệnh nhân nhiễm "H” đang phải đối mặt với một số khó khăn. Trước đây, các phòng khám nhận được sự hỗ trợ của các dự án quốc tế về phòng, chống HIV /AIDS (dự án dự phòng lây nhiễm HIV; chăm sóc, hỗ trợ, điều trị toàn diện HIV /AIDS...). Tuy nhiên vài năm trở lại đây, các dự án đã cắt giảm dần và đến cuối năm 2017 thì ngừng hỗ trợ. Bên cạnh đó, tại các huyện, thành phố, sau sáp nhập bệnh viện đa khoa với trung tâm y tế dự phòng đã tạo nên những biến động trong công tác cán bộ. Nhiều cán bộ chuyên trách về HIV /AIDS hiện nay chưa được đào tạo, tập huấn, dẫn đến việc tiếp cận, nắm bắt tâm lý người bệnh… còn có những hạn chế.
Bác sỹ Nguyễn Thị Nghĩa cho biết thêm: Khi chuyển sang thanh toán qua BHYT, bệnh nhân cần thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh như: lấy số thứ tự, xuất trình thẻ, chứng minh thư… trong khi đó có không ít người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân. Đa số bệnh nhân đã quen được dự án hỗ trợ, chỉ việc đến phòng khám lấy thuốc nên khi phải thực hiện các quy trình trên thì nổi nóng hoặc mặc cảm, dẫn đến bỏ điều trị. Đây là những hạn chế đang được Trung tâm phòng - chống HIV /AIDS tỉnh và các cơ sở điều trị phối hợp khắc phục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có "H” trong khám - chữa bệnh.
H.Y