Tủ bảo quản vắc xin Quinvaxem của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp phát cho Trung tâm y tế các huyện, thành phố đã trống rỗng từ tháng 9/2018.
Trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đà Bắc tổ chức tiêm chủng cho trẻ định kỳ vào ngày 2, 3, 4 hàng tháng. Việc bảo quản vắc xin luôn phải giữ ở nhiệt độ 2 - 8oC. Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện chỉ đến Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh lấy vắc xin trước 1 - 2 ngày và vận chuyển vắc xin bằng thiết bị chuyên dụng phân bổ cho các xã theo cụm. Đối với các xã gần thị trấn Đà Bắc, cán bộ trạm y tế tự đến lấy vắc xin ngay trong ngày tổ chức tiêm. Đối với 6 xã vùng cao và 4 xã vùng trung, xe chuyên dụng của huyện chuyển vắc xin đến vào ngày hôm trước.
Đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đà Bắc cho biết: Do trong tháng 9/2018 xảy ra đợt mưa lũ, 10 xã vùng cao và vùng trung giao thông bị chia cắt và thường hay bị mất điện ảnh hưởng đến việc bảo quản vắc xin nên huyện đã hoãn tiêm cho trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc trong tháng 9/2018, Trung tâm Y tế huyện lấy số lượng vắc xin Quinvaxem ít hơn và xây dựng kế hoạch tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm. Tuy nhiên, thời điểm tháng 10/2018, Trung tâm YTDP tỉnh đã hết vắc xin Quinvaxem. Số lượng vắc xin tồn lại trong kho của Trung tâm Y tế huyện chỉ đủ để cấp tiêm cho gần 50% số trẻ trên địa bàn theo kế hoạch.
Có những xã trên địa bàn huyện Đà Bắc, số trẻ được tiêm ít. Trạm trưởng Trạm y tế xã Đồng Nghê Đinh Duy Nam cho biết: Lịch tiêm tháng 10/2018, trạm chỉ tiêm được cho 5/17 trẻ theo kế hoạch. Trong khi đó, trong tháng 9/2018 có 15 trẻ đã phải hoãn tiêm. Như vậy, có những trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh trong 2 tháng liên tiếp. Cán bộ trạm đã thông báo việc tạm thời hết vắc xin cho nhân dân biết. Còn đến bao giờ có vắc xin thì trạm chưa nắm được.
Theo chương trình TCMR quốc gia, vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Năm 2018, Dự án TCMR - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cấp 789.450 liều vắc xin Quinvaxem cho các tỉnh sử dụng tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên. Tuy nhiên, từ tháng 8/2018, Dự án chưa thểtiếp tục cấp phát vắc xin Quinvaxem do phía Hàn Quốc ngừng sản xuất loại vắc xin này.
Đồng chí Phan Văn Vũ, Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (Trung tâm YTDP tỉnh) cho biết: Vắc xin trong chương trình TCMR trên địa bàn tỉnh phụ thuộc hoàn toàn vào dự án TCMR quốc gia. Dự án chưa tiếp tục cung cấp vắc xin cho tỉnh nên đã dẫn đến việc thiếu vắc xin tiêm cho trẻ khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tính đến tháng 9/2018, kho vắc xin của tỉnh chỉ còn 2.410 liều vắc xin Quinvaxem và đã cấp hết cho các huyện, thành phố để phục vụ đợt tiêm chủng tháng 9. Trong khi đó,theo kế hoạch tiêm tháng 10/2018, toàn tỉnh cần 3.160 liều vắc xin để tiêm cho trẻ. Lượng vắc xin Quinvaxem còn tồn tại các huyện, thành phố chỉ đủ tiêm cho 1.462 trẻ, có nghĩa 1.698 trẻ chưa được tiêm đúng lịch tháng 10.
Trong thời gian chờ dự án TCMR quốc gia cấp vắc xin mới, các phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng đưa trẻ đến trạm y tế để uống vắc xin ngừa bại liệt OPV theo lịch hàng tháng và lập danh sách trẻ để tiêm bù. Cần vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chăm sóc tốt dinh dưỡng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Phụ huynh có thể lựa chọn giải pháp thay thế bằng tiêm vắc xin dịch vụ cho trẻ. Song, thời điểm giữa tháng 10/2018, một số loại vắc xin dịch vụ ngoài chương trình TCMR như viêm não mô cầu, phế cầu khuẩn... cũng thiếu do các hãng chưa cung cấp về.
* Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã có Công văn (khẩn) số 997/VSDTTƯ-TCQG ngày 17/7/2018 thông báo về việc "Cung ứng vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng”. Dự án sẽ cấp phát ngay sau khi vắc xin mới thay thế được cấp phép xuất xưởng và có hướng dẫn triển khai tới các tỉnh, thành phố.
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, nước ta có 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản (tương đương hơn 1 triệu cặp) gặp phải các vấn đề vô sinh hiếm muộn và có nhu cầu điều trị.