(HBĐT) - Trong 3 tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 2 ổ dịch dại. Đáng lo ngại đây là các vụ chó thể cuồng dại cắn người và động vật "liên hoàn”.


Mặc dù có tỷ lệ tiêm phòng dại hàng năm cao (trên 80%) nhưng với việc đàn chó chưa được tiêm phòng triệt để, thành phố Hòa Bình vẫn ghi nhận ổ dịch dại mới đây. (Ảnh chụp tại điểm tiêm phòng dại phường Phương Lâm).

Cụ thể, tại thị trấn Cao Phong (Cao Phong) vào ngày 7/8, chó cuồng dại đã tấn công, cắn 9 người dân bị thương, trong đó có trẻ em, đặc biệt có cả vết thương mức độ III. Vào trung tuần tháng 10, tại xóm Mỵ, xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình), chó cuồng dại đã tấn công, cắn bị thương 9 người và 3 con chó khác. 1 trong 3 con chó bị cắn đã lên cơn dại sau 4 ngày, 1 con chó không rõ lên cơn do chủ nhà đã bán cho người giết thịt. 6/9 người bị cắn là trẻ em, 7/9 vết thương mức độ III. 18/18 người trong 2 vụ ổ dịch bị chó cuồng dại cắn đều đã được tiêm phòng dại. Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng chó nghi dại cắn "liên hoàn” người và các động vật khác, đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Việc chó nghi dại cắn lung tung rất dễ xảy ra nhưng thực tế những năm trước đây ít gặp. Tình trạng chó cắn liên tiếp nhiều người và các con vật khác trong 3 tháng gần đây cho thấy chỉ cần lơ là trong vấn đề tiêm phòng dại chó, mèo có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, kể từ năm 2010 đến hết tháng 10/2018, toàn tỉnh ghi nhận 24 trường hợp tử vong do bệnh dại. Lý do của việc không đi điều trị sau khi bị súc vật cắn của những người tử vong gồm chủ quan, điều trị bằng thuốc nam, không hiểu biết về bệnh dại và không có tiền. Tình trạng tiêm phòng của súc vật truyền bệnh dại cho những người tử vong chủ yếu là không được tiêm phòng vắc xin (37,4%), không rõ tiền sử tiêm phòng vắc xin (58,3%), có được tiêm phòng vắc xin (4,3%). Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo trong 10 tháng của năm 2018, toàn quốc ghi nhận 68 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 25 tỉnh. Tỉnh ta thuộc nhóm đứng thứ 3 trong cả nước (4 ca), chỉ đứng sau tỉnh Lào Cai (8 ca) và tỉnh Tuyên Quang (5 ca).

Các trường hợp tử vong do bệnh dại trong năm là Bàn Việt Thìn, 6 tuổi, dân tộc Dao ở xã Vầy Nưa (Đà Bắc) bị cắn hồi tháng 5, khởi phát vào ngày 8/6, tử vong ngày 12/6, lý do chủ quan không tiếp cận vắc xin. Bùi Đức Dương, 12 tuổi, dân tộc Kinh ở xã Đông Phong (Cao Phong) bị chó cắn tháng 6/2017, khởi phát ngày 23/5, tử vong ngày 26/5/2018, lý do trẻ không nói với bố mẹ. Nguyễn Văn Lực, 57 tuổi, dân tộc Mường ở xã Cư Yên (Lương Sơn) bị chó cắn tháng 4/2017, ngày khởi phát 9/4, ngày tử vong 11/4/2018, lý do chủ quan không tiêm. Đồng Tiến Anh, 15 tuổi, dân tộc Kinh, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) bị chó cắn ngày 14/12/2017, ngày khởi phát 2/1, ngày tử vong 3/1/2018, lý do không nói với bố mẹ. Qua đây cho thấy có 3/4 trường hợp tử vong là trẻ nhỏ, 4/4 trường hợp không được tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn. 2 trẻ không nói với gia đình bị chó cắn cho đến khi lên cơn dại. Thời gian từ khi bị chó nghi dại cắn đến khi lên cơn dại từ 1 tháng đến 1 năm, trường hợp bị khởi phát nhanh nhất là 1 tháng bị cắn vào khu vực đầu, mặt, cổ.

Cũng trong 10 tháng, toàn tỉnh ghi nhận 6 ổ dịch tại các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong, Đà Bắc và thành phố Hòa Bình. Số điều trị dự phòng đến hết thời điểm này khoảng hơn 2.300 người, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước. Số người phải điều trị dự phòng sau khi bị chó nghi dại cắn ghi nhận ở tất cả các tháng trong năm, đặc biệt tăng vào mùa hè – thu. Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo:Khi chưa xảy ra dịch, cần tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại để người dân hiểu "Khi đã mắc bệnh dại thì không thể chữa được, sẽ dẫn đến những cái chết thương tâm” và thực hiện triệt để việc "tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo chính là phòng bệnh dại cho con người”. Kiên quyết xử lý chó không thực hiện tiêm phòng và chủ nuôi chó chống đối việc tiêm vắc xin dại theo quy định. Phát động tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó vào tháng 3-4, tổ chức tiêm phòng bổ sung thường xuyên cho chó mới phát sinh hoặc bị bỏ sót chưa được tiêm, đảm bảo tỷ lệ 100% trong diện tiêm. Khi dịch bệnh dại xảy ra, tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định. Để phòng – chống dịch trên người, những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt nội dung sau: xử lý vết thương, rửa thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng ở vòi nước chảy, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để giảm lượng vi rút tại vết cắn. Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay. Trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì UBND xã chịu trách nhiệm tiêu hủy để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại… Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp, tiêu diệt những con chó, mèo không tiêm. Tất cả những người bị chó, mèo cào, cắn, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương và đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị dự phòng, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam, thuốc đông y. Cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tiêm phòng dại vì "Không có bệnh dại trên động vật thì không có bệnh dại trên người”.

Bùi Minh


Các tin khác


Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận Hệ thống máy CT - Scanner

(HBĐT) - Chiều 26/10, dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và đồng bằng Sông Hồng ( NORRED), Ban quản lý dự án TW ( Bộ y tế ) phối hợp với Sở y tế tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ bàn giao Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 32 dãy CT - Scanner trang bị cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tham dự lễ bàn giao có PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng bộ y tế - giám đốc dự án NORRED. Về phía tỉnh ta có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Vào vùng nguy cơ cao sốt xuất huyết

(HBĐT) -Đợt dịch sốt xuất huyết hồi tháng 8 năm ngoái, xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) có 4 bệnh nhân. Trong đó, 2 bệnh nhân đi làm xa về nhà và ở nơi khác đến sinh sống. Còn 2 bệnh nhân là Bùi Thị Lợi và Vũ Thị Khánh Huyền ở xóm Rậm và xóm Chùa là bệnh nhân nội sinh tại địa phương.

Liên tiếp 2 vụ tử vong vì truyền dịch: Báo động tình trạng lạm dụng truyền dịch

Ngày 16.10, bệnh nhi 22 tháng tuổi đã tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư ở quận Long Biên, Hà Nội. Cùng ngày, một bé gái 6 tuổi cũng tử vong sau khi truyền bù nước điện giải tại BVĐK quận Lê Chân, Hải Phòng.

Vì sao thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng?

(HBĐT) - Nhiều phụ huynh lo lắng khi đến lịch tiêm chủng định kỳ tháng 10/2018 nhưng lại không có đủ vắc xin để tiêm cho trẻ. Vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib đã hết. Ngay cả một số loại vắc xin tiêm dịch vụ thời điểm giữa tháng 10 cũng thiếu, khiến nhiều cha mẹ "đỏ mắt” ngóng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Hợp tác chuyên môn quân y Việt Nam - Đức

Chiều 24-10, tại TP Hồ Chí Minh, đoàn lãnh đạo cao cấp Bệnh viện Bad Schmiadeberg, Cộng hòa Liên bang Đức đã đến thăm, trao đổi hợp tác chuyên môn Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).

“Cậu bé người cóc” đáp ứng tốt điều trị ngoài da

Theo BS Nguyễn Thị Hoa, Khoa D2 chuyên về da liễu bà mẹ - trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương thì sau một tuần nằm viện (16-10), bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên (5 tuổi ở xóm Pác Táng, xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) được chẩn đoán bị bệnh vẩy nến thể mụ đã đáp ứng tốt với thuốc điều trị ngoài da.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục