(HBĐT) - Dù ai đi ngược về xuôi, làm gì trong cả năm thì dịp Tết đều muốn sum vầy bên gia đình, đặc biệt là vào thời khắc thiêng liêng giao thừa. Song, đối với các y, bác sĩ trực Tết, đã chọn nghề là phải chấp nhận hy sinh, làm quen với việc xa tổ ấm vào lúc chuyển giao năm cũ, năm mới hay những chuyến du xuân cùng họ hàng, bạn bè… Tất cả vì sứ mệnh cao cả chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Cán bộ Trạm Y tế xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) tuyên truyền bảo vệ sức khỏe cho người dân trong dịp Tết.

Công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ năm 2001, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Diệu, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Ngoại có nửa thời gian xa gia đình trong đêm 30 Tết để trực ở bệnh viện. Bất đắc dĩ bệnh nhân mới phải vào viện dịp Tết và có lẽ cũng chỉ họa hoằn trong đời nhưng với các bác sĩ, điều dưỡng đã là chuyện thường xuyên. Ngày Tết, các bộ phận trực phòng khám, cấp cứu, phòng mổ là vất vả nhất vì các ca tai nạn hay bệnh lý bất thường như viêm ruột thừa, đột quỵ… có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bệnh tật đâu có thể chờ qua Tết, có những trường hợp phải mổ cấp cứu ngay trong thời khắc giao thừa.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Diệu kể: 21 giờ đêm 30 Tết Mậu Tuất 2018, khi mọi người trong ca trực đang sắp mâm bánh, kẹo, mứt chuẩn bị đón giao thừa và Ban giám đốc Bệnh viện đến chúc Tết đành bỏ dở để mổ cấp cứu cho một bệnh nhân bị chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông. Năm người trong ca mổ ai nấy đều khẩn trương, tập trung cao độ 4 tiếng liên tục đến 1 giờ sáng mùng 1 Tết. Kíp mổ không ai biết giao thừa đã đến và qua lúc nào, chỉ biết rằng một người đã qua cơn nguy kịch. Khi người dân háo hức tay trong tay cùng gia đình, bạn bè xem bắn pháo hoa, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất thì trong phòng mổ chỉ có tiếng tít tít của máy thở, các thiết bị hỗ trợ, máu, dịch tiết của bệnh nhân. Nhưng "cứu được một người hơn cả xây một tòa tháp”, đặc biệt là vào thời khắc giao thừa thì đó là niềm vui của những người mặc áo xanh. Xong ca mổ, mọi người mới quay lại phòng trực và tổ chức một lễ nhỏ đón năm mới.

Với điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Ngọc, khoa Răng - hàm - mặt, đây là năm thứ 4 công tác ở bệnh viện thì đã 3 năm trực Tết, chỉ trừ 1 năm nghỉ thai sản. Mỗi năm trực 3 ngày, có năm từ 29 đến mùng 1 Tết. Đặc thù trực điều dưỡng phải có mặt 24/24 giờ, dù là đêm nếu có y lệnh đều phải thức tiêm, truyền phục vụ bệnh nhân. Hết ca trực nếu có đông bệnh nhân vẫn phải ở lại hỗ trợ ca sau. "Năm đầu vào nghề, tôi cùng kíp trực với trưởng khoa. Giao thừa trôi qua được 10 phút, có bệnh nhân bị chấn thương lật hẳn má phải khâu. Vì say rượu nên bệnh nhân thở phì bắn vào cả mặt bác sĩ, điều dưỡng. Chúng tôi tập trung xử trí đến hơn 2 giờ ngày mùng 1 Tết. Sau mỗi ca bệnh được cứu chữa, tôi cảm thấy vui, yêu nghề, dù vất vả vẫn luôn sẵn sàng cống hiến” - Điều dưỡng Ngọc chia sẻ.

Các bác sĩ, điều dưỡng nữ có những thời điểm vất vả hơn đồng nghiệp nam. Phó khoa Răng - hàm - mặt Phạm Trung Thủy tâm sự: 11 năm gắn bó với bệnh viện thì 11 năm phải trực thường trú. Căng nhất là thời điểm mang bầu, khi đi trực ngửi mùi máu, bệnh phẩm bị nôn mửa nhưng vẫn phải kìm lại để phục vụ người bệnh. Ai cũng có gia đình, người thân, cũng muốn đi du xuân nhưng nhiều năm phải gác lại.

Tết là dịp lao động nhiều ngành nghề được nghỉ ngơi. Khó có thể so sánh ngành này với ngành khác nhưng thực tế ngành Y là ngành đặc biệt, có những vất vả riêng. Ngày Tết, chỉ những bệnh nhân nặng mới ở lại bệnh viện, còn lại được sắp xếp về nhà ăn Tết. Các khoa, phòng phải xếp lịch nghỉ cho bệnh nhân, lịch trực cho cán bộ sao cho bệnh viện luôn duy trì và sẵn sàng hoạt động 24/24 giờ. Trung bình mỗi cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh trực 2 - 3 ngày trong dịp nghỉ Tết. Ngoài trực ở bệnh viện, đơn vị còn thành lập đội cấp cứu nhanh sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Vì thế mà có trường hợp bác sĩ vừa bê bát cơm tất niên lên lại phải bỏ xuống để lập tức làm nhiệm vụ.

Gia đình cán bộ y tế rồi cũng dần quen với việc chồng hay vợ đi trực vắng nhà ngày Tết nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng khi những đứa con hồn nhiên hỏi: "Bố, mẹ lại đi trực ạ? Con muốn đi xem pháo hoa!” Sum vầy thời khắc giao thừa đôi khi là xa xỉ đối với những "chiến sĩ” mặc áo blu. Họ âm thầm, miệt mài với sự nghiệp cứu người và nói như tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Diệu là vẫn luôn cảm thấy tự hào được gánh trách nhiệm cao cả. Sau sự cố y khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh xốc lại đội ngũ để lấy lại niềm tin của nhân dân. Cùng với chuyên môn, hoạt động từ thiện được quan tâm, đẩy mạnh. Những gói mứt, bao lì xì dù nhỏ cùng với cái nắm tay thật chặt của các y, bác sĩ với bệnh nhân ấm áp tình người. Có trường hợp bệnh nhi mồ côi được chăm sóc, hỗ trợ tinh thần, tiền, phiếu cơm miễn phí… Những nụ cười ngượng nghịu vì nỗi đau của bệnh nhân chính là động lực thôi thúc đội ngũ y, bác sĩ khắc phục khó khăn, phấn đấu xây dựng Bệnh viện Đa khoa hoàn chỉnh.


Trạm Y tế xã Yên Lập (Cao Phong) đã xây dựng kế hoạch trực Tết Nguyên đán, sẵn sàng khám và sơ cấp cứu nếu có bệnh nhân.

Ở bệnh viện, trong các vị trí thì bộ phận cấp cứu ngoại luôn "nóng” và dịp nghỉ lễ thường "nóng” hơn với các ca chấn thương sọ não, gẫy tay, chân, vỡ gan, ruột, lá lách… do tai nạn giao thông. Có trường hợp 1 người bị tai nạn, cả nhóm, gia đình ùn ùn kéo đến bệnh viện. Có người sẵn hơi men hay do tâm lý trong tình huống cấp cứu buông lời nặng nề với y, bác sĩ. Lúc đó, cán bộ y tế làm hết trách nhiệm, cố gắng nhã nhặn và linh hoạt nhưng rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu của người dân.

Ở tuyến huyện, việc trực Tết cũng bận rộn. Bác sĩ Bùi Văn Kứu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn luôn canh cánh làm sao để tuyệt đối không xảy ra sự cố về chuyên môn trong ngày Tết. Trung tâm xây dựng kế hoạch trực theo 4 cấp: lãnh đạo, chuyên môn, cận lâm sàng, hành chính - bảo vệ với 2 kíp trực, mỗi kíp khoảng 20 cán bộ. Ngoài ra, Trung tâm thành lập đội trực phòng, chống dịch. Bác sĩ thay nhau trực thường trú, nghĩa là được ở nhà nhưng không được đi xa để sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Kứu bộc bạch: Cán bộ của trung tâm phần đa là nữ, mà đã chọn ngành Y là phải hy sinh, không có nhiều thời gian chăm lo cho bữa cơm gia đình, chăm con. Ngày Tết hay xảy ra tai nạn, ngộ độc, các bệnh cấp cứu... Y, bác sĩ có lúc không có thời gian để nghỉ ngơi. Thường ngày mùng 1 vắng bệnh nhân nhưng từ ngày 2 - 3 trở đi đông hơn do say rượu bị tai nạn. Có năm trực Tết, bệnh nhân vào đông, cả Ban giám đốc cũng "xắn tay” vào cứu chữa.

Y tế cơ sở cũng không nằm ngoài đặc thù trực Tết ngành Y. Trạm Y tế xã Lũng Vân (Tân Lạc) có 5 cán bộ, trong đó 1 bác sĩ, 1 y sĩ. Trạm xây dựng kế hoạch trực quay vòng. Tết cũng trực không khác gì ngày thường. Ai đến lượt trực ngày Tết thì vui vẻ nhận. Đến phiên điều dưỡng trực, 1 y sĩ hoặc bác sĩ phải trực thường trú để xử trí nếu có tình huống xảy ra. Trạm trưởng Bùi Thị Quyên nhiều năm muốn đi lễ hội Khai hạ Mường Bi nhưng trực không đi được. Là xã vùng cao, xóm cách xa trung tâm xã nhất là 5 km đường núi gập ghềnh. Ngày Tết nếu có thông tin bệnh, cán bộ trạm sẵn sàng đến tận hộ để cấp cứu cho người dân, kể cả mưa, gió rét, đường trơn, đêm tối. "Tôi nhớ có năm ngay sau giao thừa có bệnh nhân chuyển dạ đến trạm, cả bác sĩ, y sĩ đều kịp thời hỗ trợ và theo dõi liên tục đến 5 giờ thì sinh, "mẹ tròn, con vuông”. Nhiều người có suy nghĩ đầu năm kiêng gặp bà đẻ nhưng đã là nhiệm vụ thì chưa bao giờ có ý nghĩ đó. Đón một sinh linh vào năm mới lại là niềm vui.”

Chuẩn bị cho trực Tết, Sở Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đều phải trực 24/24 giờ, không được từ chối cấp cứu bệnh nhân hay xử trí chậm trễ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Những "chiến sĩ” mặc áo blu vẫn âm thầm với nhiệm vụ cao cả. Tuy nhiên, để dịp Tết, ngày xuân vui trọn vẹn, theo các bác sĩ, không nên quá chén rồi say xỉn, có thể dẫn đến gây gổ đánh nhau hay xảy ra tai nạn, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Mọi người cần chú ý giữ gìn sức khỏe, vì không ai muốn vào viện dịp Tết. Bác sĩ luôn mong người dân bình an và chia sẻ, cảm thông với ngành Y.

       Cẩm Lệ


Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục