(HBĐT) - Những món hoa quả dầm, những chiếc kẹo xanh, đỏ bắt mắt… là những món đồ ăn vặt đang được bày bán tràn lan tại các cổng trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh. Không có nguồn gốc, không được kiểm chứng, những món ăn này thực sự là mối đe dọa về vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP) đối với trẻ nhỏ.
Nhiều loại đồ ăn vặt bày bán ở cổng các trường học không được kiểm chứng về nguồn gốc, chất lượng tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP. Ảnh chụp tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình).
Đến cổng trường tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Hòa Bình), không khó để nhận ra vây quanh cổng trường là gần chục hàng quán chuyên bán đồ ăn vặt đã tồn tại ở đây rất lâu, do chính người dân khu vực này bày bán. Đầu giờ sáng, giờ giải lao và cuối buổi học, những chủ quán ở đây dường như hoạt động hết công suất, bởi đó là thời điểm học sinh ùa ra ăn quà vặt rất đông. Không chỉ có học sinh trường tiểu học Lý Tự Trọng mà còn ở một số trường THCS lân cận cũng thường xuyên tụ tập ở đây sau các buổi học. Có thể thấy, các hàng quán này bày bán khá đơn giản, chỉ một chiếc bàn nhỏ, trên đó là đủ các loại bánh, kẹo xanh đỏ, bim bim chưa có sự kiểm chứng về nguồn gốc. Đặc biệt, các loại thức ăn nhanh như xúc xích, nem chua rán, viên chiên không để trong tủ bảo quản, không có ni lon che đậy mà được xếp ngay trên bàn sát lề đường chẳng khác gì… phơi bụi. Đến chiều tối, đi qua khu vực này, nếu tinh ý có thể nhận ra vẫn còn khá nhiều nem chua, xúc xích trong ngày đã rán sẵn chưa được tiêu thụ hết. Không ai dám chắc tất cả những thực phẩm ế ẩm này có bị tiêu hủy không hay lại tiếp tục được đem ra phục vụ các bạn nhỏ ngày hôm sau.
Việc bán hàng ăn vặt ở cổng trường tiểu học Lý Tự Trọng không phải là cá biệt mà tình trạng này diễn ra phổ biến trên địa bàn thành phố Hòa Bình và tại nhiều huyện trong tỉnh. Không "cắm chốt” gần cổng trường như trước đây, nhưng hiện tượng xe hàng rong bán đồ ăn vặt vào các giờ tan tầm vẫn tồn tại ở nhiều cổng trường. Điều đáng nói, trên xe hàng rong này là các loại thức ăn nhanh rất khó kiểm chứng về nguồn gốc và ATTP. Đặc biệt là các món chiên, rán được rất nhiều học sinh ưa thích như nem chua, xúc xích, viên chiên… Các loại bánh kẹo, bim bim chủ yếu là hàng xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều loại kẹo, bánh không có nhãn mác, bao bì.
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ về ATTP, đồ ăn vặt cổng trường còn tạo thói quen xấu cho nhiều học sinh. Chị Phạm Thị Quỳnh Nga, một phụ huynh có con đang theo học tại trường tiểu học Lý Tự Trọng chia sẻ: Vì con không ăn bán trú ở trường, nên cuối buổi sáng, tôi thường tranh thủ đến sớm để đón con về trưa. Nhiều lúc đứng đợi ở cổng trường, quan sát các cháu học sinh, tôi thấy nhiều cháu vào quán mua đồ ăn vặt. Có cháu còn không có tiền mà ghi sổ, kỳ lạ là việc đó dường như rất quen, các chủ quán đồng ý và ghi sổ như bình thường. Tôi nghĩ các cháu mới bé như vậy mà đã có thói quen ăn quà vặt và ghi nợ thì rất không ổn.
Được biết, để hạn chế tình trạng học sinh ăn quà vặt trước cổng trường, một thời gian, trường tiểu học Lý Tự Trọng đã thực hiện đóng cổng trong giờ giải lao và xây dựng căng tin nhà trường để đảm bảo vệ sinh ATTP cho học sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hiện tượng này vẫn chưa chấm dứt triệt để. Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên nhà trường trong cuộc họp phụ huynh đầu năm cho biết: Nhà trường đã tiến hành đánh vào thi đua của các lớp nếu có học sinh ăn quà vặt trước cổng trường. Tuy nhiên, để triệt để giải quyết vấn đề này phải có sự đồng hành của các bậc phụ huynh.
Cùng chung quan điểm trên, nhiều thầy, cô giáo chia sẻ: Có bậc phụ huynh vẫn còn thờ ơ hoặc chiều con. Cho con tiền ăn sáng và tiêu vặt nhưng không giám sát nên nhiều em không ăn sáng mà mua quà vặt để ăn. Bản thân phụ huynh nên có biện pháp thay đổi vấn đề ăn uống, sinh hoạt của các con, không nên cho tiền ăn sáng mà nên hướng dẫn các cháu ăn sáng ở nhà hoặc những hàng quán đảm bảo vệ sinh ATTP.
Ngoài công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường, thiết nghĩ, nên chăng lực lượng chức năng tại cơ sở cần tăng cường kiểm tra vệ sinh ATTP tại khu vực có bán hàng ăn sáng và quà vặt tại các cổng trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức cho học sinh về những nguy cơ từ thực phẩm bẩn, thực phẩm trôi nổi, thức ăn nhanh đến sức khỏe con người.
P.V
Các thuốc nhóm statin thường được dùng để làm giảm cholesterol trong máu. Các nghiên cứu đã chứng minh được việc sử dụng các thuốc này có ít nguy cơ gặp tác dụng phụ hơn so với những lợi ích về sức khỏe mà thuốc mang lại.
(HBĐT)-Từ ngày 11-15/3/2019, Trung tâm YT huyện Lương Sơn đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine Sởi - Rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi tại các trạm y tế, trường mần non 20/20 xã, thị trấn; tiêm vét (cho những đối tượng tạm miễn hoãn và những trẻ không đi học). Dự kiến số lượng khoảng 8108 trẻ.
(HBĐT) - Trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, thành phố Hòa Bình là địa phương được triển khai chiến dịch tiêm phòng bệnh sởi miễn phí cho trẻ 1 – 5 tuổi.
(HBĐT) - Sau 2 năm thành lập, Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi đã ổn định về tổ chức, cơ cấu bộ máy để triển khai thực hiện 2 chức năng phòng bệnh và khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2018, trung tâm đã xếp thứ 3 trong thi đua khối điều trị, xếp thứ nhất về công tác dự phòng và được tặng Bằng khen của UBND tỉnh. Thành tích trên đã thể hiện những nỗ lực lớn lao của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ trung tâm.
(HBĐT) - Văn phòng UBND tỉnh vừa ra Thông báo Kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị triển khai cấp bách khống chế bệnh DTLCP.
(HBĐT) - Tính đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh có 904/969 bệnh nhân HIV/AIDS còn sống được điều trị ARV (đạt 93,2%). Hòa Bình có 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS đều đã kiện toàn và chuyển sang khám, chữa bệnh qua bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS, chính vì vậy, năm 2019, cả 5 cơ sở này đều được lựa chọn thanh toán ARV qua nguồn BHYT.