(HBĐT) - Theo thống kê của Phòng DS-KHHGĐ huyện Tân Lạc, hiện nay, toàn huyện có 90 người bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS). Một số xã có nhiều bệnh nhân mắc bệnh TMBS như: Phú Cường (10 người), Đông Lai (10 người), Mãn Đức (10 người)...; duy nhất xã Ngổ Luông không có trường hợp nào mắc bệnh.
Cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh tại hộ gia đình trên địa bàn xã Phong Phú (Tân Lạc).
Cách đây khoảng 10 năm, tại huyện Tân Lạc, nhiều người dân chưa hiểu biết về bệnh TMBS. Cha mẹ thấy con chậm lớn, da xanh, trán cao, thường xuyên ốm đau, đi khám bác sỹ kết luận con bị bệnh TMBS mới tìm hiểu về bệnh. Một số người dân không biết có thể phòng, tránh bệnh thông qua việc làm các xét nghiệm.
Anh Đ.H.Đ, xóm Đầm, xã Mãn Đức chia sẻ: "Khi được 4 tháng tuổi, con trai tôi là cháu Đ.T.M phát hiện mắc bệnh TMBS. Đến nay, cháu 14 tuổi, cuộc sống gắn chặt với bệnh viện, kim truyền. Trung bình 1 tháng cháu phải đi thải sắt và lọc máu từ 10 - 15 ngày tại Viện Huyết học truyền máu T.Ư. Kinh phí điều trị cho cháu rất tốn kém. Khi cháu được 2 tuổi, một phần vì áp lực bệnh tật của con, một phần cũng vì tương lai của 2 vợ chồng nên chúng tôi quyết định ly hôn. Sau khi ly hôn một thời gian, 2 vợ chồng tôi đều xây dựng gia đình. Trước khi kết hôn, tôi cùng vợ hiện tại đã làm xét nghiệm máu. Bác sỹ kết luận chúng tôi có thể sinh ra những đứa con lành lặn, không mắc bệnh TMBS. Mẹ cháu cũng đã lập gia đình và sinh được 2 con đều khỏe mạnh. Giá như trước đây, tôi có kiến thức về khám sức khỏe tiền hôn nhân thì cháu Đ.T.M có thể tránh được bệnh TMBS”.
Từ những tâm tư, mong muốn người dân nâng cao ý thức phòng bệnh TMBS, anh Đ.H.Đ đã trở thành một tuyên truyền viên đầy nhiệt huyết, tích cực tham gia tuyên truyền phòng bệnh tại cộng đồng. Ngày 15/10, tại UBND xã Tuân Lộ, Phòng DS-KHHGĐ huyện phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức buổi truyền thông về bệnh TMBS cho gần 300 học sinh trường THCS xã Tuân Lộ. Anh Đ.H.Đ được mời làm tuyên truyền viên. Những thông điệp anh mang đến với các bạn trẻ là: hãy tham gia khám sức khỏe để phát hiện gen bệnh sớm, bệnh TMBS có thể phòng tránh được…
Thời gian qua, huyện Tân Lạc tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn, vận động thanh niên, vị thành niên tham gia khám tiền hôn nhân và lấy máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ, vận động bệnh nhân đang mắc bệnh ở thể nặng trên địa bàn huyện đi điều trị tại bệnh viện tỉnh, Viện huyết học truyền máu T.Ư. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện tổ chức được 331 buổi truyền thông về DS-KHHGĐ, trong đó lồng ghép các nội dung liên quan đến bệnh TMBS tại 24 xã, thị trấn.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng DS-KHHGĐ huyện cho biết: Trong thời gian tới, để phòng bệnh TMBS, Phòng DS-KHHGĐ huyện tăng cường công tác tuyên truyền về các nội dung: lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân; hướng dẫn người dân làm xét nghiệm sàng lọc gen bệnh; khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tổ chức tập huấn kiến thức về bệnh TMBS, kỹ năng truyền thông, tư vấn về bệnh cho cán bộ dân số và cộng tác viên dân số các xã.
Thu Thủy
(HBĐT) - Trong thời điểm giao mùa từ thu sang đông, thời tiết thay đổi thất thường. Theo Đài khí tượng thủy văn Hòa Bình, khu vực tỉnh nền nhiệt dao động mạnh từ 15 - 29, 30oC. Buổi sáng và đêm thường lạnh, buổi trưa lại nóng, có lúc có mưa. Đây là điều kiện cho các vi rút, vi khuẩn phát triển, gây hại cho sức khỏe con người, nhất là trẻ em, người già.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn tập trung đông người làm 23 người mắc. Không có người tử vong do bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, đây là bài học cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở những điểm ăn uống tập trung đông người, dịp lễ, tết khó kiểm soát điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
(HBĐT) - Ngày 21/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Bùi Văn Nhượng (28 tuổi, xã Qúy Hòa, huyện Lạc Sơn) nhập viện trong tình trạng bị đứt, rách nhiều đoạn ruột non gây thoát dịch trong ruột ra ổ bụng; đứt lìa 2 đoạn tá tràng ở D2 và D4 gây thoát dịch tá tràng ra ổ bụng; rách mạch mạc treo tràng; rách nhiều khối cơ bụng và cơ lưng; mất máu cấp; nhiều vỏ cây và dị vật trong ổ bụng; gẫy 4 xương sườn bên trái…Bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp, sốc hỗn hợp, suy đa tạng, tiên lượng sống sót rất mong manh. Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã phục hồi rất tốt và có thể tự ăn uống trở lại.
(HBĐT) - Thường vào khoảng 2-3h sáng, các xe ô tô chuyên chở thực phẩm (cá, thịt, các loại rau, củ, quả) từ các tỉnh ngoài sẽ tiến vào các chợ, chủ yếu trên địa bàn thành phố Hòa Bình để giao hàng. Với phương thức di chuyển liên tục, thường xuyên thay đổi địa điểm của các đầu mối cung cấp này rất khó để lực lượng chức năng thực hiện giám sát. Vấn đề giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ tại các chợ cũng gặp khó.
(HBĐT) - Xác định rõ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, đội ngũ y, bác sỹ trạm y tế xã Tú Sơn (Kim Bôi) luôn nỗ lực triển khai có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Năm 2019, trạm y tế xã được Tổng hội Y học Việt Nam chọn làm điểm trực tiếp tập huấn điều trị tăng huyết áp của tỉnh.